| Hotline: 0983.970.780

Phú Yên: Hơn 1.000ha lúa hè thu bị thiếu nước

Thứ Tư 16/08/2023 , 16:34 (GMT+7)

Nắng nóng kéo dài, trong khi lượng nước đến đầu mối đập thủy nông Đồng Cam không đảm bảo khiến hơn 1.000ha lúa hè thu tại tỉnh Phú Yên bị khô hạn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, ông Lê Tấn Hổ (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra tình hình chống hạn, cấp nước tưới vụ hè thu. Ảnh: KS.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, ông Lê Tấn Hổ (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra tình hình chống hạn, cấp nước tưới vụ hè thu. Ảnh: KS.

Theo Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam, vụ hè thu năm nay, đơn vị phục vụ nước tưới cho hơn 18.000ha lúa tại các huyện Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy An, thị xã Đông Hòa và TP Tuy Hòa.

Thời gần đây do nắng nóng kéo dài, cộng thêm gió Tây Nam thổi mạnh khiến lượng nước bốc hơi nhanh, trong khi đó lượng nước đến đầu mối đập thủy nông Đồng Cam không đảm bảo dẫn đến thiếu hụt nguồn nước khiến hơn 1.000ha lúa hè thu bị thiếu nước cục bộ.

Điển hình như tại xứ đồng Phú Phọ, Diều Gà, Bến Củi, Đồng Cờ, Quảng Trại thuộc xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa hiện có 170ha lúa thiếu nước.

Ông Võ Ngọc Đại có 5 sào lúa tại xứ đồng này rất xót ruột cho biết: Lúa hiện trong giai đoạn ngậm sữa, rất cần nước. Tuy nhiên mấy ngày qua, ruộng trong tình trạng thiếu nước, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng cũng như năng suất.

Ông Châu Đình Tú, Trưởng trạm Trạm Thủy nông kênh Nam cho biết, vụ thè thu này, trạm phục vụ tưới hơn 7.700ha lúa. Trước tình hình nắng nóng kéo dài, những ngày qua, trạm đã huy động toàn bộ nhân viên tập trung kiểm tra, đánh giá thực tế nguồn nước ở đầu mối các kênh mương do đơn vị quản lý để kịp thời cấp nước tưới cho lúa. Cùng với đó, trạm đã cho vận hành tất cả các trạm bơm chống hạn và trạm bơm điện dã chiến bơm từ nguồn nước kênh tiêu tiếp nước vào các cấp kênh. Nhờ vậy, số diện tích lúa bị thiếu hiện giảm xuống chỉ còn hơn 300ha.

Không chỉ kênh Nam, phía kênh Bắc của hệ thống thủy nông Đồng Cam cũng xảy ra tình trạng khô hạn ở nhiều xứ đồng. Nhiều ruộng lúa trong giai đoạn trổ đòng, chín sữa bị thiếu nước khiến cây vàng lá, yếu ớt.

Ông Lê Văn Mười ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) than vãn: “Nắng gắt kéo dài khiến nhiều ruộng lúa thiếu nước, kém phát triển. Do đó, tôi cũng như nhiều bà con mong đơn vị thủy nông cùng chính quyền địa phương sớm giúp bà con chống hạn, cứu lúa kịp thời”.

Ông Nguyễn Minh Huệ, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam cho biết, hiện Công ty đã triển khai nhiều trạm bơm chống hạn tại khu vực Bến Lội, Hòa Đồng, Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa) và một số trạm bơm dã chiến của các HTX nông nghiệp tại các xứ đồng để cứu lúa.

Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam vận hành trạm bơm chống hạn ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa. Ảnh: NH.

Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam vận hành trạm bơm chống hạn ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa. Ảnh: NH.

Đến thời điểm hiện tại, một số diện tích lúa bị khô hạn thuộc hệ thống tưới của Công ty đã được cấp nước. “Hiện chúng tôi tiếp tục phối hợp với các địa phương điều tiết, cấp đủ nước cho tất cả diện tích lúa bị khô hạn”, ông Huệ chia sẻ.

Trong thời gian tới, nếu trời tiếp tục nắng nóng kéo dài, diện tích lúa bị thiếu nước, khô hạn sẽ tiếp tục tăng. Vì vậy, Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam kiến nghị Sở NN - PTNT Phú Yên tham mưu UBND tỉnh có ý kiến với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia chỉ đạo nhà máy thủy điện Sông Hinh và nhà máy thủy điện sông Ba Hạ xả nước phục vụ sản xuất, đảm bảo lưu lượng ổn định 40m3/giây.

Mới đây, ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo Sở NN- PTNT Phú Yên, Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam đã kiểm tra một số diện tích lúa bị khô hạn ở các xứ đồng và khu vực các kênh tưới thuộc địa bàn xã Hòa Đồng, Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa), Hòa Trị (huyện Phú Hòa).

Trước tình hình nắng nóng diễn biến phức tạp, ông Hổ đề nghị Công ty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam cần chủ động phối hợp với các nhà máy thủy điện có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước tưới trong thời gian sớm nhất. Các trạm thủy nông, chính quyền địa phương tiếp tục huy động thêm máy bơm dã chiến để chống hạn, không để lúa thiếu nước.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.