| Hotline: 0983.970.780

Lương Sơn ký sự

Vịt bầu Bến trước nguy cơ biến mất trên chính quê hương

Thứ Năm 01/12/2022 , 08:35 (GMT+7)

HÒA BÌNH Gọi 6 cuộc cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch, cán bộ, trưởng thôn ở mấy xã quê hương của vịt bầu Bến để đặt 1 con nhưng anh Hảo chỉ nhận được sự thất vọng…

2 lần khôi phục nhưng đều thất bại

Anh Nguyễn Quang Hảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình bảo với tôi: “Đợt trước có đoàn của Bộ NN-PTNT nghe tiếng về con vịt bầu Bến, đã nhờ qua Sở NN-PTNT đặt mua 10 con mà chúng tôi lục tìm cả huyện cũng chỉ được có 5 con. Gần đây, người ta chỉ nuôi vịt siêu, vịt bầu cánh trắng (những giống ngoại lai), còn vịt bầu Bến dù thịt rất thơm ngon nhưng nuôi dài ngày, giá cao, vặt lông khó, không hiệu quả kinh tế nên đã bỏ gần hết…".

Empty

Đàn vịt bầu Bến 5 con cái của nhà bà Nhị ở xã Cao Dương, huyện Lương Sơn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Anh Nguyễn Văn Khiên, Chủ tịch xã mới Cao Dương (hợp thành của 3 xã cũ gồm Cao Dương, Hợp Châu, Tân Thành) kể, khi xã Cao Dương còn thuộc huyện Kim Bôi, năm 2013 đã có chương trình khôi phục lại vịt bầu Bến nhưng không thành công, bởi dù vịt ăn ngon nhưng chậm lớn, nuôi rất dài ngày. Năm 2020 lại có chương trình khôi phục lần thứ hai, đúng lúc đó thì dính Covid 19, cấm bán vịt ra ngoài, chỉ tiêu thụ nội bộ, giá rất rẻ nên lại tan lần nữa.

“Lúc có vịt thì không có khách, lúc không có vịt thì lại có khách hỏi. Cái gì cũng dựa trên quy luật của thị trường cả, việc khôi phục vịt bầu Bến này cũng thế!”, anh

Khiên nói, và dù rất nhiệt tình nhưng anh cũng không thể tìm được dù chỉ là 1 con vịt giúp chúng tôi.

Trên ô tô từ thị trấn xuống mấy xã phía nam dài đến 30km, anh Hảo vẫn kiên trì gọi tiếp, may mắn sao sau một hồi lại có nơi báo thấy. Tin đó của anh Bùi Văn Cường, cán bộ nông nghiệp - môi trường của xã mới Thanh Cao (sáp nhập của 2 xã Thanh Lương và Cao Thắng vào), mà chợ Bến xưa nổi tiếng với giống vịt bầu Bến là của Cao Thắng.

“Lúc nghe điện thoại của anh Hảo, tôi đã bảo ca này khó hơn cả chữa bệnh ung thư! Xưa đất này có nhiều người nuôi vịt bầu Bến nhưng giờ thì hiếm lắm. Tôi đã hỏi 5 ông trưởng thôn và những người hay chăn vịt, hỏi cả thợ buôn vịt khắp miền Bắc ai cũng lắc đầu. Chợt nghĩ đến hồi trước khi còn làm Phó Chủ tịch xã tôi hay đi phòng chống lụt bão ở đê Thanh Long thường ăn cơm nhà chị Bùi Thị Hiếu, thấy có nuôi vịt bầu Bến mới gọi điện. Chị ấy bảo còn đúng 1 con vừa chéo cánh, còn lại 5 con vịt cái và 1 vịt đực giống”, anh Cường cho biết.

Empty

Chị Hiếu bên những con vịt bầu Bến con do gà ấp. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khi chúng tôi đến, cái ao gần bụi tre nhà chị Hiếu có vài con vịt bầu Bến với màu cà kêm quen thuộc đang tung tăng bơi lội. Chị chủ nhà người Mường kể, đến tuổi trưởng thành, vịt cái có màu cà kêm hơi ngả bạc, nặng khoảng 2,5kg, con đực có cườm cổ màu xanh óng ánh, lông cà kêm, nặng khoảng 3kg.

Đặc trưng của giống vịt bầu Bến là cổ ngắn, thân hình khá to, dáng đi lạch bạch, thịt dày và ngọt nhưng ở thời điểm thay lông, da trắng mà lại lông đen nên dễ lộ, vặt rất khó khăn.

Vịt bầu Bến trong văn hóa ẩm thực Mường

Bài liên quan

Xưa, những chàng rể xứ Mường đến Tết Đoan Ngọ hay Rằm tháng 7 thường mang đôi vịt đến biếu bố vợ. Chồng chị Hiếu lúc mới cưới cũng đèo vợ đang ôm con ở đằng sau, ghi đông xe đạp treo toòng teng một đôi vịt bầu Bến cùng gói bún đến nhà bố vợ. Có người đang đi Tết như thế bỗng cặp vịt xổng ra, phải bỏ cả xe nhảy xuống ruộng mà đuổi. Tiếng vịt kêu quạc quạc, tiếng trẻ khóc oa oa náo động cả một góc đồng.

Chàng rể đến nhà bố vợ phải tự tay cắt tiết, vặt lông vịt để chế món. Thịt vịt mà không có tiết canh thì không có ý nghĩa, hãm nhạt thì bị đông trước khi bỏ bổi vào (gồm cổ cánh băm nhỏ, xào thơm); hãm mặn thì bị rây, không đông được. Chàng rể nào hãm tiết hỏng thì bị cả nhà vợ cười đã đành, còn bị từng người lần lượt phạt rượu, uống đến say thì thôi. Lúc về, vợ gò lưng đạp xe, đằng sau là ông chồng mặt đỏ gay, ngồi cũng không vững.  

Empty

Chị Hiếu bắt con vịt thịt cuối cùng để đãi khách. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Lễ tạ mả 100 ngày của người Mường có cả thịt vịt bởi suy nghĩ sống ở trên đời ăn miếng thịt vịt thì chết xuống làm ma cũng thế. Bình thường nhà đông con phải chặt vịt ra nấu măng mới đủ gắp, còn nhà ít con thì khoái khẩu là món đồ. Để đồ vịt, người Mường phải đi chơm rau (đi kiếm rau) gồm hoa chuối, rau sắn, đinh lăng, lạc tiên, hoa đu đủ, lá đu đủ non cùng nhiều loại rau thuốc khác, thứ trong vườn, thứ trên núi về thái nhỏ, ướp với gia vị. Vịt ở trên, rau ở dưới, hơi nước trong chõ đồ bốc lên, mỡ từ thịt vịt nhỏ xuống, mọi thứ chín dần dần, ngấm đều.

Vì chúng tôi đến đột ngột nên chị Hiếu không kịp đi chơm rau mà chỉ kịp ra vườn bắt chú vịt đực, đào củ gừng về làm món luộc. Trước khi lưỡi dao rạch vào cánh con vịt để cắt tiết, gia chủ lầm rầm: “A di đà Phật, tao hóa kiếp cho mày nhé!”. Phải đến 1 giờ chiều mâm cơm mới được dọn ra. Khi tôi cắn vào miếng thịt vịt dày ngập tới tận chân răng, lớp mỡ bên ngoài vàng sánh, ngầy ngậy quện với lớp thịt bên trong ngọt đậm đà, thơm nức mũi, ký ức về những tháng ngày tuổi thơ cuốc giun để nuôi vịt cỏ, vị bầu Bến chợt sống lại. Ít khi nào ăn miếng thịt mà tôi lại rưng rưng đến thế.

Empty

Mâm cơm với các món chế biến từ vịt bầu Bến. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thấy tôi cùng anh Hảo hết lời ngợi khen, chị Hiếu cười: “Vịt nuôi ở trang trại có cám công nghiệp, có thuốc, tôi nuôi chẳng vacxin, kháng sinh gì đâu. Nhỏ thì cho ăn cơm nguội trộn bột ngô, 15 ngày cho ăn gạo xay, 20 ngày cho ăn lúa rồi thả đồng, tự mò cua, bắt ốc, bơi lội thì thịt mới thơm. Xưa cả xóm nhà nào cũng nuôi, giờ bỏ gần hết vì không năng suất nhưng tôi vẫn cứ nuôi, một năm 3 lứa, mỗi lứa 20 con để cho gia đình ăn và đem biếu cho các cô, chú ở Hà Nội.

Mình tôi ở nhà cấy 2 mẫu lúa, nuôi 17 con trâu, 3 con lợn, mấy chục con gà, vịt, ngan. Trừ trâu để bán ra chứ lợn thỉnh thoảng lại ngả chia nhau; gà, vịt, ngan cũng không ra chợ bao giờ. Vịt bầu Bến tôi cũng không phải mua giống mà chúng đẻ thì để cho gà ấp. Giống này dễ nuôi nhưng yêu cầu phải ở sạch, uống nước sạch, hễ bẩn là chết ngay…".

Tiếc thay 17 - 18 năm nay, khu vực đồng chiêm trũng quanh chợ Bến các ao hồ lấp dần bởi nhà cửa, cánh đồng cũng thu hẹp lại, ít người còn mặn mà với vịt bầu Bến. Để tìm hiểu kỹ lý do, tôi tìm gặp anh Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Thực phẩm sạch Hòa Bình ở xã Cao Dương. Anh kể, mới đây Phòng NN-PTNT huyện Lương Sơn đầu tư 2 đợt để duy trì và phát triển nguồn gen vịt bầu Bến, giống được Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên cung cấp chứ bản thân ở quê cũng không còn.

Empty

Cùng nhau thưởng thức vịt bầu Bến tại nhà chị Hiếu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đợt 1 HTX được cấp 1.000 con, ấp nở ra giống, đợt 2 nhân rộng ra 20 hộ với 1.600 con vịt thịt. Điều kiện chăn thả rất thuận lợi bởi địa phương có nhiều đồng trũng cấy 1 vụ, có nhiều cua, ốc. Thả vịt ngoài ruộng có khi đến tối chẳng cần cho ăn thêm, chứ nuôi nhốt, nhìn chúng vục đầu vào chậu mà cám vơi đi trông thấy, rất xót ruột.

“Vịt bầu Bến ăn nhiều gấp đôi, thời gian nuôi dài gấp đôi nhưng độ thơm ngon chắc cũng phải gấp đôi vịt bầu cánh trắng, càng nuôi thịt càng dẻo chứ không bị khô. Chúng tôi định làm thương hiệu, mở cả nhà hàng rồi giới thiệu sản phẩm cho các nhà hàng khác nữa thì Covid-19 xảy ra. HTX chưa làm được thị trường, đến ngày xuất bán, bị thương lái ép giá bởi chê vịt bầu Bến lông đen, da trắng, vặt khó nên vịt bầu cánh trắng nuôi cám công nghiệp trả 50.000đ/kg, mà vịt bầu Bến nuôi thả đồng chỉ trả 37.000đ/kg. Tính ra mỗi con lỗ 80.000đ nên người nuôi đồng loạt bỏ hết, HTX cũng phải bán hóa giá đàn vịt giống với giá 100.000đ/con, lỗ mất 80 triệu đồng, giờ vẫn phải nợ tiền cám, tiền thuốc”, anh Tiến kể.

Empty

Rổ trứng vịt bầu Bến của nhà bà Nhị có kích cỡ rất to. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vị Giám đốc ngán ngẩm bảo bản thân đang sống bằng nghề dịch vụ cho thuê âm thanh, ánh sáng đám cưới cộng với “cò đất” nhưng vẫn ước ao quay lại với con vịt bầu Bến nếu có vốn đầu tư nhà hàng để tự tiêu thụ, rồi tổ chức dân nuôi theo bậc thang, mỗi lứa cách nhau 15 - 20 ngày. Tìm kiếm một hồi với 20 cái tên chủ hộ từng nuôi vịt trong đầu, cuối cùng anh Tiến mới nhớ ra bà Nguyễn Thị Nhị còn đàn vịt 5 con đang cho đẻ.

Lúc tôi đến, bà cho xem những quả trứng to lớn khác thường, gần ngang với quả trứng ngỗng nên anh Hảo bỏ tiền ra mua 40 quả. Những quả trứng không có trống nên không bao giờ thành giống mà chỉ dùng để ăn, lòng đỏ có màu rất tươi, bùi, thơm và ngậy.

Thị trường bó hẹp ở địa phương, túi tiền hạn chế nên vịt bầu Bến khó tiêu thụ, dù huyện Lương Sơn muốn khôi phục lại, phát triển nó thành sản phẩm OCOP nhưng bà con nay đã bỏ gần hết vì quá nản lòng.

Xem thêm
Chú trọng tiêm vacxin, chống buôn lậu trước mùa nguy cơ dịch bênh

Chỉ đạo hoạt động của ngành thú y, chăn nuôi thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh công tác kiểm soát dịch bệnh bằng vacxin và phòng chống buôn lậu.

Chuyện của Madam Hương Coffee và cà phê đặc sản dưới tán rừng

QUẢNG TRỊ Cây cà phê từng khiến chị rơi vào cảnh trắng tay. Nhưng cũng nhờ trồng và chế biến cà phê đặc sản dưới tán rừng, chị đã tìm lại chính mình.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.