| Hotline: 0983.970.780

Sống sót giữa biển nhờ bình nước trên chiếc tàu chìm

Thứ Ba 11/10/2016 , 20:19 (GMT+7)

Tàu chìm gần đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), anh Thưởng và nhiều người khác đổ hết nước trong bình 20 lít dùng làm phao cứu sinh, lênh đênh trên biển gần tiếng đồng hồ mới được cứu vớt.

song-sot-giua-bien-nho-binh-nuoc-tren-chiec-tau-chim
Người thân khóc ngất trước cái chết của bà Huệ. Ảnh: Hoàng Táo
 

44 người người gồm 16 quân nhân, một công an, công nhân xây dựng và thuyền viên gặp nạn giữa biển vào sáng 11/10, khi tàu chở vật liệu xây dựng chìm gần đảo Cồn Cỏ.

Được lực lượng biên phòng tổ chức tàu cá ra cứu vớt, nhiều người khi đặt chân lên mặt đất vẫn chưa hoàn hồn.

Có mặt trên tàu, anh Hồ Văn Thưởng (30 tuổi, trú Nghệ An) kể đang nằm ngủ thì nghe thông báo tàu sắp chìm. “Thuyền trưởng nói tàu bị nghiêng nên mọi người dồn về phía bên kia để tàu cân bằng. Tất cả dồn về một bên, nhưng tàu không bớt nghiêng”, anh Thưởng nhớ lại.

Nhóm công nhân xây dựng trên tàu vội dùng máy múc xúc đổ vật liệu xây dựng xuống biển.

song-sot-giua-bien-nho-binh-nuoc-tren-chiec-tau-chim-1
Anh Sáng kể mọi người ôm can nhựa, bình nước làm phao giữa biển. Ảnh: Hoàng Táo
 

Trong lúc hoảng hốt, anh Thưởng và nhiều người khác cuống cuồng chạy đi mở bình nước, đổ hết ra để làm phao cứu sinh. “Sự việc xảy ra rất nhanh, không ai kịp làm gì. Tôi vừa mở xong bình nước thì thuyền chìm trong giây lát, anh em cùng nhảy xuống biển”, anh Thưởng nói.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng (39 tuổi, trú Nghệ An) cho biết, nhóm người nhảy xuống biển khoảng 40 phút sau thì được tàu cá cứu lên. “May nhờ ôm bình nước mới sống sót, có bình 2-3 người cùng ôm. Nếu không có bình nước chắc tụi tôi chết rồi”, anh Hùng cho biết.

Anh Thưởng và anh Hùng và nhóm người cùng quê ra đảo Cồn Cỏ làm thợ xây cho công trình nhà khách của lực lượng quân đội. Lần đầu đi biển và gặp nạn, toàn bộ tư trang phần bị ướt, phần rơi xuống biển, nhóm công nhân chân thấp chân cao lầm lũi bắt xe về quê.

Tương tự, anh Trần Quang Sáng (31 tuổi, trú huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) ra đảo làm thợ xây dựng. Anh Sáng cho hay thời điểm xảy ra tai nạn, mọi người vô cùng hoảng loạn. Trong khoảng 15 phút, anh Sáng tìm can nhựa, bình nước để làm áo phao. Sau gần một tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển thì anh Sáng được cứu nạn.

Vụ chìm tàu khiến bà Nguyễn Thị Huệ, 53 tuổi, trú phường 5, TP Đông Hà tử vong. Theo các nhân chứng, bà Huệ được phát một can nhựa, nhưng do hoảng loạn nên mất sức. Bà được cứu lên một thuyền thúng, sơ cứu nhưng không qua khỏi.

Ngư dân Trần Văn Tuân (trú thị trấn Cửa Tùng, Vĩnh Linh) đang đánh bắt ở gần khu vực Cồn Cỏ thì nhận điện báo của biên phòng về tàu hàng gặp nạn. “Chúng tôi khẩn trương đến hiện trường, thấy nhiều người ôm bình nước, can nhựa, một số người ôm phao chơi vơi trên biển, khi được cứu lên, nhiều người trong tình trạng đuối sức”, anh Tuân nói.

Khoảng 13h cùng ngày, 43 nạn nhân được cứu nạn về đến cảng Cửa Tùng và Cửa Việt

song-sot-giua-bien-nho-binh-nuoc-tren-chiec-tau-chim-2
Trên tàu gặp nạn có 16 quân nhân, một công an ra Cồn Cỏ công tác. Ảnh: Hoàng Táo
 

Theo báo cáo nhanh của Ban an toàn giao thông tỉnh Quảng Trị, tàu Ngọc Tuấn 01 có 4 thuyền viên, do ông Hồ Ngọc Hiếu làm thuyền trưởng. Khoảng 10h15 phút, khi cách Cồn Cỏ 5,5 hải lý thì tàu phát tín hiệu cứu nạn. 

"Thông tin ban đầu tàu chìm do nước tràn vào khoang, còn nguyên nhân cụ thể phải chờ điều tra”, ông Lê Minh Tuấn, chủ tịch huyện đảo Cồn Cỏ, cho biết và thông tin thêm thời điểm tàu gặp nạn, sóng biển bình thường nhưng trời khá mù.

VnExpress

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất