| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 11/10/2023 , 13:58 (GMT+7)
Nguyễn Thị Mai Hiên

Nguyễn Thị Mai Hiên

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT) 13:58 - 11/10/2023

Sự cần thiết phân loại đất chăn nuôi tập trung

Việc phát triển chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do pháp luật chưa quy định cụ thể về đất dành cho chăn nuôi, nhất là đất chăn nuôi tập trung.

Tính đến ngày 31/12/2021, diện tích đất nông nghiệp của Việt Nam là 27.994.319 ha, chiếm khoảng 84,46% diện tích tự nhiên, trong đó: Đất trồng lúa có 3.935.367 ha (đất chuyên trồng lúa nước là 3.194.586 ha); Đất rừng phòng hộ có 5.112.054 ha; Đất rừng đặc dụng có 2.323.346 ha; Đất rừng sản xuất có 8.004.257 ha; trong đó đất có rừng sản xuất là rừng tự nhiên 3.886.579 ha; các loại đất nông nghiệp khác còn lại là 60.091 ha[1].

Hiện nay theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013, đất được phân thành 3 nhóm gồm nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp và nhóm đất chưa sử dụng gồm các loại đất chưa xác định mục đích sử dụng. Tôi cơ bản đồng ý với các phân loại này, cách phân loại theo mục đích sử dụng của đất. Tuy nhiên, nếu đã phân loại theo mục đích sử dụng thì cũng cần xem lại việc phân loại trong nhóm đất nông nghiệp và tương quan với phân loại trong nhóm đất phi nông nghiệp.

Đất nông nghiệp hiện đang được chia thành 9 loại gồm: Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác; Đất trồng cây lâu năm; Đất rừng sản xuất; Đất rừng phòng hộ; Đất rừng đặc dụng; Đất nuôi, trồng thủy sản; Đất làm muối; Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh[2].

Việc phân loại này hiện chưa thể hiện được các mục đích sử dụng đất trong nông nghiệp, cụ thể là thiếu hẳn đất chăn nuôi, chưa tương đồng với các loại đất trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, diêm nghiệp của ngành nông nghiệp. Theo hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ thì chăn nuôi thuộc chuyên ngành nông nghiệp, gồm chăn nuôi gia súc (chăn nuôi trâu, bò, ngựa, lừa, la, dê, cừu, lợn) và chăn nuôi gia cầm. Năm 2022, GRDP ngành nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản) đạt 8.390 tỷ đồng, giá trị sản xuất đạt 19.035,6 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực chăn nuôi tăng trưởng 5,93%, chiếm 26,7% giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp[3]. Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển chăn nuôi đặc biệt là phát triển chăn nuôi tập trung để nâng cao hiệu quả sản xuất, kiểm soát an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường gặp nhiều khó khăn do pháp luật chưa quy định cụ thể về đất dành cho chăn nuôi, nhất là đất chăn nuôi tập trung.

Tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, thứ 5 và dự thảo lấy ý kiến nhân dân, đất chăn nuôi tập trung đã được quy định tại Điều 10 về phân loại đất. Việc bổ sung đất chăn nuôi tập trung và các quy định về chế độ sử dụng đất chăn nuôi tập trung đã được các địa phương và các đại biểu Quốc hội đồng tình, không có ý kiến khác.

Việc phân loại đất chăn nuôi tập trung cũng là phù hợp với Luật Chăn nuôi năm 2018  khi quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm: “Giao đất, cho thuê đất, tạo quỹ đất, bảo đảm nguồn nước để phát triển chăn nuôi và trồng cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi” (điểm g khoản 1 Điều 80); Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm “giao đất, cho thuê đất, tạo quỹ đất theo thẩm quyền để phát triển chăn nuôi và trồng cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi” (điểm b khoản 2 Điều 80) và phù hợp với định hướng của Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045[4] trong việc bố trí quỹ đất để phát triển chăn nuôi tập trung, đảm bảo các cơ sở chăn nuôi phải di dời ra khỏi thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Điều này chỉ thực hiện được khi có phân loại đất chăn nuôi và được xác định trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, huyện.

Trường hợp không quy định đất chăn nuôi tập trung không những sẽ làm khó các địa phương trong việc bố trí quỹ đất cho phát triển chăn nuôi, chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sản xuất kém hiệu quả sang phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao mà còn làm khó các doanh nghiệp chăn nuôi trong việc định hướng đầu tư, kinh doanh, mở rộng chăn nuôi, bảo vệ tài sản đầu tư do chưa rõ quỹ đất dành cho phát triển chăn nuôi trong quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện cũng như quyền sử dụng đất chăn nuôi tập trung trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Do đó, đề nghị các cơ quan soạn thảo, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục ghi nhận việc phân loại đất chăn nuôi tập trung và chế độ sử dụng loại đất này tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này.

Ngoài ra, việc phân loại đất nông nghiệp khác cũng cần được thống kê đầy đủ hoặc quy định về mặt nguyên tắc và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết. Đồng thời cần xem xét việc phân loại đất nông nghiệp để đảm bảo tương xứng với cách phân loại chi tiết trong nhóm đất phi nông nghiệp.

[1] Theo Công văn số 573/QHPTTNĐ-PGĐCTĐ  ngày 4/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
[2] Điều 10 Luật Đất đai năm 2013.
[3] Theo thông tin từ Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
[4] Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ.