| Hotline: 0983.970.780

Sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc còn yếu

Chủ Nhật 05/06/2022 , 16:04 (GMT+7)

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhìn nhận, năng lực tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc còn yếu.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ngày 5/6, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 với chủ đề "Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới”. Đến dự có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 thông qua tại Đại hội XIII của Đảng đã xác định quan điểm “Xây dựng nền kinh tế tự chủ phải trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế. Phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng chống chịu hiệu quả trước các tác động lớn, bất thường từ bên ngoài. Phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại”.

Diễn đàn năm nay có nhiều điểm đặc biệt, trong đó việc tổ chức tại TP.HCM - đô thị đặc biệt, một cực tăng trưởng đóng vai trò là đầu tàu kinh tế quan trọng của cả nước, thành phố năng động và đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19.  

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu phát triển ấn tượng với những kết quả nổi bật như quy mô kinh tế Việt Nam tăng gấp 12 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 8,3 lần, kim ngạch xuất - nhập khẩu tăng 29,5 lần, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 22 lần, tỷ lệ hộ nghèo cả nước từ 58% năm 1993 xuống chỉ còn 2,23% năm 2021 tính theo chuẩn mới.

Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu và còn thiếu ăn, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người đạt 2.779 USD vào năm 2020 và là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới.

Cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước; Việt Nam có quan hệ thương mại với trên 220 đối tác, 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam; đã ký kết và tham gia 15 hiệp định thương mại tự do, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. 

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Để đạt được những thành tựu trên, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng, nhân tố then chốt là chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Tuy vậy, Trưởng ban Kinh tế Trung Ương Trần Tuấn Anh nhận định, bên cạnh những thành tựu nổi bật, năng lực tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc hoặc tác động bên ngoài còn yếu. Khả năng tự chủ của nền kinh tế chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động hoạt động sản xuất khu vực đầu tư nước ngoài và một số thị trường lớn.

Trong cơ cấu kinh tế, khu vực FDI đóng góp tới 20,13% GDP, chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu. Các doanh nghiệp FDI chi phối 12 trên 24 phân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đóng vai trò chi phối ở 4 trong 5 ngành công nghiệp xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là dệt may, da giày, điện tử và sản xuất đồ gỗ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thay thế nhập khẩu như ngành cao su-nhựa, kim loại cơ bản và các sản phẩm cơ khí.

"Kinh nghiệm các nước cho thấy, Việt Nam không thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công nếu chỉ dựa vào FDI", ông Trần Tuấn Anh nói.

Kết quả phân tích cấu trúc liên ngành I-O cho thấy, nền kinh tế Việt Nam cơ bản là một nền kinh tế thâm dụng vốn và gia công, lắp ráp là chủ yếu. Dù xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo có sự cải thiện nhưng các yếu tố nền tảng còn ở mức thấp. Tổng chi cho nghiên cứu và phát triển của Việt Nam cả nhà nước và tư nhân chỉ đạt 0,53% GDP năm 2019, thấp hơn nhiều so với bình quân thế giới ở mức 1,7%; năng lực sáng tạo còn thấp, số bằng sáng chế của Việt Nam do các cơ quan uy tín thế giới cấp chỉ bằng 1/3 Thái Lan, 1/11 Malaysia, 1/3170 Trung Quốc; tỷ lệ bằng sáng chế/1 triệu dân là 0,21 đứng thứ 91/141 quốc gia; số bằng độc quyền sáng chế cấp cho người Việt Nam chỉ chiếm 4,62% tổng số bằng được cấp.

Về năng lực tự chủ của ngành công nghiệp, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, Việt Nam phải nhập khẩu hầu hết công nghệ, máy móc thiết bị, phụ tùng, nguyên liệu chính cho sản xuất công nghiệp. 

Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp công nghiệp còn ở mức thấp, phần lớn đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2-3 thế hệ.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam phải nhập khẩu trên 70% máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp; giống một số loại cây trồng, vật nuôi còn phụ thuộc vào nhập khẩu, điển hình như 80% giống rau và 60% giống ngô.

"Về tổng thể cho thấy, nền kinh tế Việt Nam hội nhập cao, có độ mở lớn nhưng lại tập trung vào một số ít thị trường và cơ cấu thiếu bền vững dẫn đến bị phụ thuộc", Trưởng ban Kinh tế Trung ương đánh giá.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P đã nâng hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam từ BB lên BB+, ghi nhận nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi vững chắc và dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam khoảng 6,9% với xu hướng dài hạn là 6,5% - 7% từ năm 2023.

Trong hai năm qua, nền kinh tế Việt Nam phải đối diện với hàng loạt những khó khăn chưa có tiền lệ do đại dịch Covid-19 gây nên. Tăng trưởng kinh tế dưới 3%, thấp nhất trong 30 năm trở lại đây; hàng triệu người lao động bị mất việc làm; hàng ngàn doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất để chống dịch; ngành du lịch, vận tải, nhà hàng khách sạn và nhiều ngành khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng; thị trường vốn và thị trường bất động sản có những biến động bất thường; nợ xấu trong hệ thống ngân hàng có nguy cơ tăng trở lại.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chuyển sang chuyển trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã có những kết quả đáng ghi nhận, kinh tế Việt Nam đang tiếp tục dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh như trước đại dịch. 

Kinh tế quý I/2022 đã quay trở lại đà tăng trưởng cao, đạt trên 5%. Các lĩnh vực xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều tăng mạnh, niềm tin của người các nhà đầu tư tăng mạnh.

"Tác động của đại dịch vừa qua cùng với sự xuất hiện nhiều biến cố mới thuộc về bối cảnh quốc tế, điển hình là xung đột Nga – Ukraine đã và đang đặt ra yêu cầu Việt Nam cần đẩy nhanh hơn, quyết liệt hơn, thực chất và hiệu quả hơn việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả", ông Tuấn Anh nói.

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, để đạt được mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao, nhiệm vụ cấp thiết có tính then chốt, nhất quán và lâu dài là phải xây dựng nền kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam được tổ chức tại TP.HCM, là dịp để các tổ chức quốc tế, các cơ quan ngoại giao, cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Thành phố hiểu sâu hơn, cùng chia sẻ những thiệt hại, tổn thất nặng nề mà Thành phố đã trải qua cũng như chứng kiến những nỗ lực mà cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân Thành phố đang khẩn trương thực hiện để sớm đưa Thành phố trở lại trạng thái bình thường mới.

Ông Mãi cũng cho biết, TP.HCM trong những năm qua đã triển khai nhiều chương trình kinh tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ở những công đoạn có giá trị gia tăng cao đối với tất cả các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ.

“Để thu hút nguồn vốn FDI có hiệu quả phải nâng cao vai trò đối tác của khu vực kinh tế trong nước, nhất là tầm quan trọng của khu vực tư nhân. Đây đang là một quá trình cần sự hỗ trợ nhiều chính sách chung về vĩ mô, Diễn đàn kỳ vọng sẽ có nhiều đóng góp về cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm cụ thể hóa đường lối và chủ trương của Đảng "xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong tình hình mới”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói.

Xem thêm
Sầu riêng 'tắc đường' sang Trung Quốc: Kinh nghiệm 10 ngày thần tốc của Thái Lan

Cả hệ thống nông nghiệp Thái Lan đã vào cuộc, nhằm giải quyết dứt điểm việc tồn dư vàng O trên sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất