PGS.TS. Lê Quốc Thanh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam - nhận định, so với trước kia, có những cái ta chuyển đổi tích cực nhưng cũng có cái ta đang bị mất. Trước, chúng ta thành lập các viện một cách rất bài bản, có hệ thống trạm trại, được thiết kế nghiên cứu hợp lý với 1 kỹ sư kèm theo bao nhiêu công nhân kỹ thuật để phục vụ cho việc nghiên cứu. Để làm gì? Để lai hàng trăm, hàng ngàn cặp lai mỗi năm, để thực hiện ý định của nhà khoa học.
PGS.TS. Lê Quốc Thanh |
Nhưng hiện nay tình hình đã khác. Có những viện không còn kỹ thuật viên mà tất cả đều là kỹ sư, thậm chí thạc sĩ, tiến sĩ. Thiết kế kiểu đó không hợp lý ở chỗ mọi người đều nghĩ mà không có người làm. Tất nhiên giờ có những công nghệ giúp giảm thiểu sử dụng lao động chân tay nhưng cũng không thể nào bỏ được hoàn toàn, nhất là ngoài đồng ruộng. Những công việc đó kỹ thuật viên làm tốt hơn hẳn nhà khoa học...
Các trạm trại của một số viện giờ tê liệt hết vì không có tiền, không nuôi được. Trước đây nghiên cứu cơ bản là nhiệm vụ của đơn vị đó, có những người ăn xong chỉ để làm nghiên cứu cơ bản, nhà nước nuôi hết. Giờ với cách giao nhiệm vụ qua các đề tài như thế này thì hết tiền là dừng lại. Bởi thế nhiều nhà khoa học đang nghiên cứu về cái này khi hết đề tài lại chuyển sang cái khác dẫn đến tình trạng không có chuyên gia đầu ngành về một lĩnh vực.
Chúng ta từng có hệ thống nghiên cứu hợp lý như thế, tại sao lại bị mất thưa ông?
Trước đây bao cấp hoàn toàn nên làm đúng thiết kế, đúng kế hoạch của các viện. Điều này có những cái hay của nó, đặc biệt là trong nghiên cứu bởi có tính hệ thống, có người chuyên, nhân viên chuyên, cánh đồng chuyên. Hình thức giao nhiệm vụ giờ đã thay đổi theo đề tài, dự án. Thứ nữa là bản thân các nhà khoa học cũng không thể nào kiên định được với mục tiêu khi kinh tế thị trường đã bung ra nên làm cái này, cái nọ, chỉ còn một số là tâm huyết. Chúng ta đã không có những cơ chế để giữ họ.
Trong khi đó như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc… các viện họ vẫn duy trì hình thức nghiên cứu cơ bản từ kinh phí nhà nước, là hoạt động thường xuyên. Còn các nhiệm vụ, đề tài, dự án là khi nghiên cứu cơ bản đã có kết quả thì được xây dựng để phát triển, mở rộng.
Vậy ra, kinh tế thị trường kiểu hiện nay cũng có mặt trái, những cái đẹp, cái tốt trong nghiên cứu khoa học cũng dần bị mất?
Đúng là khoa học giờ đây bung ra, tác động đến xã hội nhanh hơn nhưng nhìn lại phía sau nó còn những khoảng trống đặc biệt là trong nghiên cứu cơ bản. Không còn những con người chuyên sâu đúng nghĩa, có những bộ môn gần như là mất hẳn ví dụ như sinh lý thực vật. Trước đây GS.VS Đào Thế Tuấn là chuyên gia về lĩnh vực này và chỉ có từ nghiên cứu mới giải quyết được nhiều vấn đề mà thực tiễn yêu cầu.
Chúng ta muốn làm trái vụ, muốn điều tiết được sự ra hoa, đậu quả của cây thì phải căn cứ vào sinh lý, sinh hóa nhưng lại không có những nghiên cứu cụ thể. Vừa qua dân Hưng Yên và một số vùng tiến hành khoanh vỏ cây, đó là kiểu điều tiết theo kinh nghiệm chứ về góc độ khoa học, mỗi lần khoanh như vậy những thay đổi về các chỉ tiêu sinh lý, sinh hóa trong cây như thế nào lại không biết.
Sản xuất rau giống |
Biết để làm gì? Để khi có những biến động về thời tiết, có sự thay đổi về nội tiết của cây ta phải điều khiển được để cân bằng trở lại. Tất cả những thứ đó là do nghiên cứu cơ bản. Nhưng giờ thử hỏi rằng có một nhiệm vụ nào như vậy không? Cây này có quả còn cây khác không có quả, nhà khoa học phải trả lời ra sao? Khoa học hiện nay có mặt hay là ra được sản phẩm nhưng cái gốc của nó đang bị hổng. Độ 5-7 năm nữa sẽ có đội ngũ khoa học cái gì cũng biết nhưng chuyên sâu lại không có.
Tình hình “sức khỏe” của các đơn vị thành viên Viện Khoa học Nông nghiệp VN hiện đang ra sao thưa ông?
Tổng biên chế Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) khoảng gần 2.500 người nhưng những năm gần đây mỗi năm khoảng gần 50 người xin nghỉ việc hoặc chuyển. Trước Tết chúng tôi đã đi mấy viện thành viên là Viện Bảo vệ Thực vật, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, Viện Di truyền… thì thấy con người giờ đào tạo hơn hẳn xưa. Có viện như Di truyền có mấy chục tiến sĩ đã, đang đào tạo ở nước ngoài thuộc nhiều lĩnh vực.
Nhưng có lẽ chúng ta đang sử dụng lãng phí nguồn lực ấy vì đi đào tạo về không được làm đúng chuyên môn của mình. Định hướng trong việc đi đào tạo chưa thật chuẩn xác. Phổ biến là đào tạo một chuyên ngành nhưng về lại không có điều kiện để làm chuyên ngành đó mà phải làm việc khác. Thứ hai là trang thiết bị thường đi theo dự án, khi kết thúc nằm ở nhóm thực hiện trong khi có những nơi, những người thực sự cần lại không có. Nhu cầu dự án là nhu cầu tức thời chứ không phải là nhu cầu tổng thể.
Nghiên cứu ứng dụng có thể không cần quan tâm nhiều đến nữa vì hoàn toàn có thể đẩy được ra thị trường nhưng ai sẽ trả tiền cho nghiên cứu cơ bản? Phải là nhà nước và phải nuôi một cách đầy đủ như nuôi quân đội để khi có việc là sẵn sàng đem ra dùng. |
Có những phòng thí nghiệm của Viện Di truyền không thua kém gì khu vực thậm chí quốc tế nhưng thực tế khai thác thế nào? Có phòng nhưng lại không có nguồn tiền để duy trì hoạt động. Bởi thế, phải hỏi xem các phòng này muốn hoạt động thì cần có những thứ gì? Cũng cần phải xem xét lại cách đào tạo để ai có khả năng mới được vào làm ở các viện nghiên cứu chứ không phải ai cũng lấy.
Ngành nông nghiệp có được như ngày hôm nay là thành quả của khoa học hàng chục năm trước, vậy 10 năm sau thì sao thưa ông?
Cho tương lai 10 năm sau thì phải bắt đầu từ ngay bây giờ. Muốn làm từ bây giờ phải có nghiên cứu cơ bản. Phải biết nó, hiểu nó, định hướng và tập trung lực cho nó.
Ở nước ngoài nghiên cứu 1 giống thường đi kèm cả canh tác, BVTV đến thị trường và huy động những người giỏi nhất vào cuộc để làm sao ứng dụng cho cả một vùng thậm chí cả thế giới. Giờ đây ta đã có VAAS để tập hợp lực lượng thì đã tính đến phương án đấy chưa?
Mục đích của VAAS khi thành lập là nghiên cứu theo chương trình, theo chuỗi đến sản phẩm cuối cùng chứ không phải vụn vặt mấy đề tài nhưng hiện chưa làm được do cơ chế ràng buộc. Ví dụ khi Luật Khoa học Công nghệ ra đời, các cơ quan, tổ chức được quyền đi đấu thầu, các đề tài bị xé nhỏ. Các viện thành viên của chúng tôi có hàng trăm nhiệm vụ của Bộ Khoa học Công nghệ qua các đề tài cấp nhà nước. Mà đề tài nhà nước thì không cần chúng tôi phê duyệt mà có quyền tự làm. Chính vì vậy đội ngũ cũng bị xé lẻ.
Sản xuất ngô giống |
VAAS sinh ra để làm điều phối cho những định hướng lớn của nền khoa học nông nghiệp, cho những sản phẩm quốc gia nhưng hiện tại chỉ có lúa gạo là làm được, còn rau màu, cây ăn quả thì chưa. Muốn đổi mới hoạt động khoa học nông nghiệp phải xem lại nó đang bị vướng cái gì. Hiện Bộ NN-PTNT đang làm việc với VAAS để xem xét những vướng mắc thuộc cơ chế thì gỡ dần. Cái gì thuộc phạm vi Bộ giải quyết được thì làm ngay còn cái gì liên quan đến luật, đến nghị định thì phải bàn với các bộ khác...
VAAS cần Bộ NN-PTNT đặt hàng những tiêu chí rõ ràng, ví dụ cây ăn quả cần những cây như thế nào, rau màu cần những cây như thế nào. Chỉ khi đặt được đầu bài đúng, đủ thì các nhà khoa học mới tập trung vào giải quyết được bài toán. Hiện nay lúa gạo là sản phẩm quốc gia, có những tiêu chí rõ ràng nên các nhà khoa học chỉ làm theo những tiêu chí đó thôi.
Trong nghiên cứu thì định hướng là quan trọng nhất. Vườn ăn quả ở Đài Loan nhìn cứ như vườn bon sai, không có cành nào mọc sai ý. Mỗi cây bao nhiêu quả là có ý đồ từ đầu chứ không có chuyện được mùa thì nhiều quả mà mất mùa thì ít quả. Còn ở ta, muốn tránh được tình trạng lộn xộn về cây ăn quả, nhất là cây có múi như hiện nay trước tiên phải xác định tỷ lệ các giống chín sớm, trung ngày, chín muộn trong một vùng thế nào để kéo dài thời gian thu hoạch sản phẩm. Thứ nữa phải định hướng thiết kế ngay từ đầu từ chăm sóc, cắt tỉa sao cho 100 cây như 1.
VAAS phải tập trung lực lượng để làm được những việc như thế sao cho ra được những vùng hàng hóa tập trung hàng ngàn ha chứ không thể chỉ là những mô hình vài ha.
Xin cảm ơn ông!