| Hotline: 0983.970.780

'Sức khỏe' giới khoa học nông nghiệp: Bài 3 - Chảy máu chất xám ở một Viện lẫy lừng

Thứ Tư 13/03/2019 , 13:15 (GMT+7)

Viện Nghiên cứu Ngô từng là đơn vị mạnh nhất trong khối nghiên cứu khoa học nông nghiệp đến nỗi thu nhập của cán bộ ở đây khiến nhiều người phải thèm, khu tập thể ở đây trở thành khu phố sầm uất ngang với một thị tứ.

Thế nhưng chưa bao giờ trong lịch sử, đơn vị này lại chứng kiến nạn chảy máu ồ ạt chất xám như hiện tại…
 

Uống nhiều nước thì tốn chè

Viện Nghiên cứu Ngô từng có những giống nổi tiếng sánh ngang với nước ngoài, có một công ty riêng của mình mỗi năm lãi 8-10 tỉ, đóng góp một phần kinh phí quan trọng quay lại cho công tác khoa học. Sau cổ phần hóa, dòng kinh phí quay ngược về nghiên cứu bị chặn lại hoàn toàn. Khó khăn đó cộng hưởng với cơ chế quản lý cũ kỹ khiến cho không khí làm việc chùng xuống ở một nơi từng là đơn vị năng động nhất trong khối.

Viện trưởng, TS Bùi Mạnh Cường bảo sự thay đổi của các viện khoa học công lập đang rất chậm so với yêu cầu xã hội: “Bây giờ chúng ta đang sống ở cơ chế thị trường năm 2019 nhưng lại quản lý như những năm 80 của thế kỷ trước. Có 2 mâu thuẫn đang tồn tại, thứ nhất là thu nhập. Có thu nhập cao mới thu hút được người tài. Chỉ cần so sánh một kỹ sư mới ra trường đi làm cho các công ty lương 8 triệu trong khi lương viện trưởng của tôi cũng chỉ hơn 8 triệu, sau hơn 30 năm công tác cũng đủ hiểu. Thứ hai, quan trọng hơn là cơ chế quản lý, nặng về hành chính, đánh kẻng ghi tên, 7h đến làm việc, 11h về, 1h30 đến, 5h về. Biên chế đến hết đời.

Trưởng các bộ môn giống như đội trưởng đội sản xuất còn viện trưởng giống như chủ nhiệm HTX ngày xưa. Chính vì chế độ chấm công điểm mới đẻ ra quan liêu, đẻ ra những kẻ nói chuyện phiếm thì tốn thời gian, uống nhiều nước thì tốn chè”.

11-22-23_dsc_4029
Kiểm tra ngô thí nghiệm

Đã từng có thời, người người, nhà nhà mơ ước vào biên chế đơn giản bởi những chế độ ưu đãi. Cách đây 2 năm ông Cường có đề nghị Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho tổ chức thi biên chế để giữ lại một số cán bộ trẻ có năng lực đã hợp đồng 5-7 năm. Thời điểm đó, biên chế vẫn còn là một thứ khá hấp dẫn.

Tuy nhiên đề nghị trên không nhận được đồng ý nên lớp cán bộ đó đã đi gần hết gây ra cuộc khủng khoảng về lao động: “2 năm vừa qua đơn vị tôi ra đi khoảng 50 người trong đó 20% là biên chế, một tốc độ chưa từng có.

>> 'Sức khỏe' giới khoa học nông nghiệp: Bài 1 - Thủ tục, giấy tờ cao hơn ông chủ nhiệm đề tài

>>'Sức khỏe' giới khoa học nông nghiệp: Bài 2 - Đời sống nhà khoa học chỉ hơn được mỗi nông dân

Cao nhất ra đi có phó phòng, học hàm thạc sĩ còn đa số là những người trẻ vào đây với hi vọng có biên chế nhưng không được. Trẻ đi hết rồi để lại cho viện lớp người trung niên và già chiếm cỡ gần 70%.

Giờ đây đơn vị đã thiếu những chuyên gia được đào tạo bài bản, làm việc hăng say nhưng nếu không cho thi tuyển viên chức thì 5-10 năm nữa vấn đề sẽ càng trở nên hẫng trầm trọng...

Không vào biên chế thì không được bổ nhiệm gây thiếu hụt cán bộ cốt cán, chuyên gia giỏi sau này. Đây là thực trạng nhiều viện đang gặp phải, tìm được một lãnh đạo rất khó. Hiện nay viện có 141 biên chế, lãnh đạo gồm 1 viện trưởng, 3 viện phó, người trẻ nhất cũng đã 50 tuổi còn lại là 60, 59, 56 hết lượt. Lớp tuổi sinh 1970-1975 thì còn quy hoạch được nhưng sau đó là hụt một khúc dài, không đề bạt được ai hội tụ đủ 3 chữ T là tâm, tầm, tài. Cơ chế hiện nay cộng với lương thấp thường chỉ chọn lọc được những phân khúc lao động có giá trị thấp vào các viện mà thôi”.
 

Xin cơ chế, không xin tiền

TS Bùi Mạnh Cường cho biết thực trạng, nhiều cán bộ sau hơn 30 năm làm việc nhà nước, nghỉ hưu chỉ xách túi về không vì chẳng có thành quả gì đáng kể, không gắn được với sản xuất. Cơ chế hiện nay xảy ra hai hiện tượng.

Thứ nhất là buông xuôi nghiên cứu khoa học do không đủ năng lực để cho ra được những sản phẩm tốt.

Thứ hai là lớp khá hơn, muốn làm nghiên cứu khoa học nhưng do hạn chế về kinh phí nên không đủ điều kiện để thực hiện nên cũng không ra sản phẩm hoặc chỉ theo kiểu tiền nào của ấy: “Kinh phí để nghiên cứu ra một giống ngô tốt phải cỡ 5 tỉ nhưng hiện nay đề tài chỉ có 3-4 tỉ đó là chưa kể quản lý phí mất 10%, rồi các chi phí khác, tổng cộng không dưới 30%”.

Để gắn chặt nghiên cứu với sản xuất, Viện Nghiên cứu Ngô thời gian gần đây có một quy định ngầm rằng, ai muốn nghiên cứu gì thì nghiên cứu, liệu ra sản phẩm bán được tiền thì hãy tham gia đăng ký đề tài. Bởi thế mà đã thương mại hóa được khoảng 80% các sản phẩm nghiên cứu - một tỷ lệ rất cao so với các viện khác.

Chi phí cho hoạt động của Viện Nghiên cứu Ngô hàng năm khoảng 14-16 tỉ trong đó nhiệm vụ thường xuyên của nhà nước cấp được 9 tỉ, còn lại đơn vị tự sản xuất, kinh doanh phụ vào. Tài chính hiện tại tuy vẫn còn khá ổn nhưng tương lai chẳng biết thế nào.

Tại một cuộc họp với lãnh đạo Bộ ở Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô đã khảng khái mà rằng: “Báo cáo lãnh đạo Bộ, Viện Nghiên cứu Ngô hôm nay lên không phải xin tiền mà là xin cơ chế để cho tự chủ. Chính Bộ đã bảo lấy nhu cầu xã hội là mục tiêu nghiên cứu, lấy yêu cầu của xã hội là mệnh lệnh của nghiên cứu nhưng các viện lại đang bị vướng rào cản do cơ chế hành chính để lại nên muốn phát triển cũng không được”.

Tự chủ thứ nhất là được chọn định hướng nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu, được chọn nguồn nhân lực theo đề tài do chủ nhiệm đề tài quyết định.

Ví dụ như theo quyết định 33 quy định chức năng của viện là nghiên cứu về cây ngô nên khi mở rộng biên sang nghiên cứu, kinh doanh cây ăn quả, dù bán rất được, bổ sung rất tốt kinh phí cho cây ngô nhưng kiểm toán vào lại đòi xuất toán mảng kinh doanh này, nộp cho nhà nước hết.

Ví dụ như lệnh của trên chỉ cho phép viện trưởng được ký hợp đồng lao động trong khi đó các trưởng bộ môn, chủ nhiệm đề tài có nhu cầu lại đành chịu.

Sàng chọn ngô giống

Tự chủ thứ hai là về tổ chức. Ông Cường giãi bày: “Từ ngày tôi lên làm viện trưởng đã thay đổi hết cơ cấu tổ chức nên “được” thanh tra 2 lần về công tác tổ chức, phải làm giải trình với cả cấp trên về chuyện “lạm quyền” này. Tuy nhiên nhờ đó tôi đã tổ chức được ra một bộ máy với các bộ môn nghiên cứu hợp lý, tránh rườm rà, đáp ứng được theo yêu cầu của xã hội với 7 bộ môn, mỗi bộ môn trung bình có 8-10 người”.

Tự chủ thứ ba là về tài chính. Ông Cường than thở: “Những kinh phí mà nhà nước cấp gồm hoạt động thường xuyên, đề tài dự án… thì chi tiêu theo quy chế tài chính còn tiền tự làm ra, vốn tự có phải được đơn giản hóa trong quá trình sử dụng đi. Như nhà thí nghiệm trung tâm của chúng tôi tự đầu tư trị giá hơn 14 tỉ để tăng cường cơ sở vật chất cho khoa học cũng phải đi xin các cấp, làm thủ tục rất khổ mất hơn 1 năm. Như chúng tôi muốn mua một cái xe ô tô mới để đi làm ăn cũng không được mà phải tiếp tục dùng mấy cái xe đã cũ nát...”.

“Mô hình hoạt động của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam theo tôi tốt nhất chỉ giữ lại 4 viện nghiên cứu cơ bản là Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, Viện Bảo vệ Thực vật, Trung tâm Tài nguyên Thực vật và Viện Di truyền Nông nghiệp, phải được nhà nước nuôi để làm nhiệm vụ công ích, nghiên cứu những vấn đề chiến lược của ngành. Còn lại tất cả các viện chuyên cây, chuyên con, chuyên vùng nên cho tự chủ, tự bơi hết”.

(TS Bùi Mạnh Cường)

Xem thêm
Ngành điều hoàn thành kế hoạch xuất khẩu năm 2024 chỉ trong 10 tháng

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành điều Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo nên kỷ lục mới trong tháng cuối năm 2024.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Dừa hữu cơ Cocohihi - Tinh hoa xứ dừa Bến Tre vươn xa thế giới

Bến Tre không chỉ là xứ sở của dừa mà còn là nơi khởi nguồn của những sản phẩm hữu cơ, như dừa tươi Cocohihi, góp phần đưa nông sản Việt vươn ra thế giới.