| Hotline: 0983.970.780

'Sức khỏe' giới khoa học nông nghiệp: Bài 4 - Viện chỉ như một sân ga

Thứ Năm 14/03/2019 , 11:57 (GMT+7)

Nghiên cứu cơ bản được ví như cái móng của nghiên cứu ứng dụng nhưng hiện nay cơ chế của ta đang cho xây nhà tầng mà không có móng…

Lương ngoài gấp 20 lần lương trong

Tôi gặp TS Lê Tiến Dũng trong sự kiện của một doanh nghiệp nước ngoài cách đây mấy năm và nghe anh báo tin đã chuyển nghề. Là một cán bộ được đào tạo rất bài bản ở nước ngoài, anh có học bổng tiến sỹ hóa sinh và sinh học phân tử ở Hàn Quốc, postdoc về công nghệ sinh học thực vật ở Nhật, postdoc về hóa sinh và sinh học phân tử ở Mỹ…

11-22-17_dsc_4051
Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ đang xem xét các cây sắn trong phòng thí nghiệm (Ảnh: DĐT)

Về nước anh làm ở Viện Di truyền Nông nghiệp được 2 năm thì chuyển. “Công việc tại đây cũng khá ổn vì tôi đã thành lập được nhóm nghiên cứu, có đề tài riêng, được bổ nhiệm làm Phó phòng Thí nghiệm Trọng điểm Quốc gia Công nghệ Tế bào Thực vật. Ngay trước khi nghỉ còn cùng đối tác nước ngoài xin được dự án ODA Nhật mà hiện giờ viện vẫn đang thực hiện. Tuy nhiên do phía công ty mời chào và trả lương rất tốt, tôi muốn được trải nghiệm thử thách mới (môi trường kinh doanh). Do toàn bộ thời gian đào tạo làm việc ở nước ngoài của tôi không sử dụng kinh phí nhà nước nên việc xin nghỉ không gặp khó khăn gì”, anh Dũng chia sẻ.

PGS.TS Phạm Xuân Hội - Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp tâm sự, trong khoảng 10 năm nay có 3 trường hợp ra đi đáng tiếc nhất của đơn vị là Lê Tiến Dũng, Hoàng Hoa Long và Trần Tuấn Tú. Tất cả đều có lương tốt hơn nhiều nhưng lại đều không mấy liên quan đến khoa học nữa.

“Anh Lê Tiến Dũng là người có năng lực, đào tạo nhiều người mới được một, khi ra nước ngoài đã khẳng định năng lực ở phòng thí nghiệm, có các bài báo quốc tế, tuy chưa có chuyên môn sâu về một lĩnh vực nào nhưng rất có tiềm năng. Chính tôi là người gặp anh bên Nhật và kéo về viện. Lúc đó đề tài cấp nhà nước thì anh chưa xin được nhưng tham gia vào đề tài hợp tác với quốc tế cũng rất thành công, được đối tác đánh giá cao.

>>'Sức khỏe' giới khoa học nông nghiệp: Bài 3 - Chảy máu chất xám ở một Viện lẫy lừng

>>'Sức khỏe' giới khoa học nông nghiệp: Bài 2 - Đời sống nhà khoa học chỉ hơn được mỗi nông dân

>>'Sức khỏe' giới khoa học nông nghiệp: Bài 1 - Thủ tục, giấy tờ cao hơn ông chủ nhiệm đề tài

Sau đó chúng tôi bổ nhiệm anh ấy vào làm Phó Giám đốc Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Quốc gia, nơi chiếm 1/3 nhân sự, trang thiết bị của viện (giá trị đầu tư năm 2001 đã hơn 40 tỉ) đồng thời quy hoạch lên viện phó. Tuy nhiên sự quan tâm ấy chưa đủ thuyết phục so với những hấp dẫn từ đồng lương bên ngoài. Lương Phó Giám đốc của anh ấy chỉ khoảng 4 - 4,5 triệu đồng vì vào muộn cộng thêm 0,4 trách nhiệm, thêm làm đề tài, dự án, hợp tác quốc tế được khoảng 2 triệu/tháng nữa, tổng cộng cũng chỉ cỡ 6 triệu trong khi ra ngoài phải 4.000 - 6.000 USD/tháng, tức gấp hơn 20 lần”.
 

3 thứ có thể níu chân

Theo anh Hội, có 3 thứ có thể níu chân nhà khoa học: Lương, môi trường làm việc và điều kiện làm việc. Môi trường làm việc là người giỏi được xã hội tôn trọng, vinh danh còn điều kiện làm việc là cơ sở hạ tầng, trang thiết bị.

“So với các viện nông nghiệp thì mặt bằng chung của chúng tôi được đánh giá là ổn nhưng chỉ ở môi trường nghiên cứu, điều kiện làm việc còn lại lương rất thấp dù đặt trụ sở ngay giữa Hà Nội.

Viện chúng tôi có đặc thù là nghiên cứu cơ bản, nhưng không được quan tâm mấy, không hướng sự nghiên cứu liên tục về một vấn đề gì, lúc làm cái này, lúc làm cái kia nên không có cán bộ đầu đàn.

Toàn là những đề tài, dự án ứng dụng, phải trả bài bằng sản phẩm cụ thể nhưng trong 2 - 3 năm của đề tài nếu làm thật thì không thể ra được”, anh Hội nói.

Anh Hội ước ao: “Nếu anh Dũng được cho một đề tài cấp nhà nước theo đúng chuyên môn, sở trường, được cấp kinh phí mỗi năm khoảng 1 - 1,5 tỉ để phát triển thành hướng nghiên cứu riêng thì, ngoài lương ra hàng tháng sẽ có thu nhập thêm khoảng 5 - 6 triệu nữa. Được thế sẽ không nghĩ đến chuyện ra ngoài. Một khi thiếu tiền thì chỗ này lôi kéo, chỗ kia lôi kéo, nhà khoa học mới nghĩ, mới phân tán, mới ra đi".

Nếu ở nước ngoài sau khi học đại học, làm tiến sĩ xong nhà khoa học đã xác định được định hướng nghiên cứu, từ đó đến lúc về hưu thường chỉ làm một vấn đề, rất chuyên sâu. Còn ở ta gặp gì làm nấy, mà ngay cả viện trưởng cũng không nằm ngoài quy luật.

“Ví dụ như tôi sau khi học tiến sĩ ở nước ngoài trở về ấp ủ nhiều thứ, định làm nghiên cứu phân lập, phát hiện những gen chịu hạn, chịu mặn. Bộ NN-PTNT cũng rất quan tâm, đã cho một đề tài cấp nhà nước về công nghệ sinh học. Tôi hăm hở thiết kế đề tài đó theo hướng lâu dài, nhưng ý tưởng bị phá hỏng bởi một hướng khác, chứ không phải theo hướng của nhà khoa học”.

Về tính liên kết yếu giữa các đơn vị nghiên cứu, nhà nghiên cứu phần bởi văn hóa sợ người khác hơn mình, phần bởi cơ chế cho mua máy móc, thiết bị nhưng không cho kinh phí bảo trì nên… sợ hỏng máy móc.

Tiếp tục chia sẻ, anh Hội cho biết, sau 3 năm anh buộc phải có sản phẩm trong khi nếu nghiên cứu nghiêm chỉnh thì không thể ra được mà chỉ có vật liệu, có nền tảng khoa học để mà làm tiếp.

Đề tài được nghiệm thu, được đánh giá cao nhưng khi anh xin tiếp pha 2 để tiếp tục thì người ta bảo không thể chờ đợi được, bởi thế không thể có sản phẩm cuối cùng đến tay người nông dân. Tất cả những hăm hở của anh sau 12 năm giờ vẫn để đó.
 

Đầu đàn lũ lượt ra đi

Cả biên chế lẫn hợp đồng, Viện Di truyền Nông nghiệp hiện có khoảng 250 người, gần đây hiện tượng bỏ việc mỗi lúc một tăng.

Theo anh Hội, số lượng người ra đi nhiều hay ít không quan trọng bằng số đầu đàn - những người đào tạo cả trăm, cả nghìn mới được một lại ra đi.

Anh Hội bảo: “Nghiên cứu cơ bản bao giờ cũng có độ trễ so với cuộc sống, khó nhìn thấy được tác dụng ngay. Bởi thế, không phải chỉ có Việt Nam mà những nước nghèo thường ít quan tâm đến nghiên cứu cơ bản, chỉ có những nước giàu có, cường quốc mới dám đầu tư. Nếu những nước đang phát triển mà muốn thúc đẩy khoa học phải có đột phá, cú hích như Hàn Quốc chẳng hạn”.

11-22-17_dsc_4058
Ảnh: DĐT

Trở lại trường hợp của viện nơi có 5 phòng thí nghiệm trong đó 1 cấp quốc gia, 1 cấp bộ nhưng đầu tư từ nguồn nhà nước mỗi lúc một ít đi. Nếu như nhiệm vụ nghiên cứu thường xuyên (lương...) trước đây được cấp hơn 9 tỉ giờ chỉ còn 8,1 tỉ trong khi thang, ngạch bậc lương mỗi lúc một tăng: “Trước đây ai học giỏi giang đều muốn về các viện, các trường, đầu tiên phải là ở Hà Nội rồi sau đó mới về các tỉnh thành. Gần đây thì tôi thấy không còn như thế nữa. Vừa rồi nhiều em về thực tập ở viện, rất khá, tôi muốn giữ lại và hứa trả lương 4 triệu/tháng, cao hơn mức lương của nhà nước nhưng họ đều lắc đầu bởi không đủ cho một người ngoại tỉnh tồn tại ở Hà Nội. Chỉ con em của những gia đình có điều kiện ở Hà Nội, được bố mẹ cho thêm tiền mới chấp nhận vào theo kiểu gửi một thời gian để rồi lấy mác, lấy thành tích rồi đi học nước ngoài”.

Viện như một sân ga vậy thôi. Xét cho cùng kể cả người giàu lẫn nghèo đều phải cần đồng lương đủ sống. Khi không đủ sống người ta vào để đợi đạt được một thứ khác. Nhiều người đi học nước ngoài kéo dài thời gian phần để nghiên cứu tiếp, phần để có thêm kinh tế hoặc là bỏ hẳn. Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ - Phó Giám đốc phụ trách Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Quốc gia nhận định rằng: “Cơ chế của ta đang có vấn đề. Tôi là tiến sĩ, làm ở phòng thí nghiệm từ 2011 nhưng đến nay lương chỉ 4 triệu kể cả phụ cấp. Lương như thế nên không ai có thể sống, toàn tâm toàn ý cho công việc được. Một số người làm thêm như bán bảo hiểm nhưng khi việc phụ thu nhập lại cao hơn việc chính nên chuyển hẳn. Như tôi, trong tài khoản có một khoản tiền không hề liên quan gì đến nhà nước cả, đủ để không phải lo cơm áo gạo tiền nên mới có thể làm công việc này”.

11-22-17_dsc_4046

Ở ta chưa có môi trường khoa học minh bạch, bởi thế không phải ai xin được đề tài cũng giỏi và ngược lại. Mấy trường hợp của viện tôi toàn học hành rất giỏi giang nhưng không một ai xin được đề tài cấp nhà nước cả. Đề tài cho người ta hai thứ: cải thiện thu nhập, củng cố chuyên môn. Không xin được đề tài nên khi chỗ khác trả lương cao hơn thì họ đi thôi. Lúc đầu tôi thấy rất xót xa nhưng sau đó thấy đó là xu thế chung không thể cưỡng lại.

(PGS.TS Phạm Xuân Hội)

 

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Yến sào Khánh Hòa ký kết hợp tác với 2 đối tác Trung Quốc

Công ty Yến sào Khánh Hòa đã ký kết hợp đồng hợp tác với Trung tâm Chuỗi lạnh quốc tế Mai Sơn và Tập đoàn Đồng Nhân Đường (Trung Quốc).

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.