| Hotline: 0983.970.780

SX hạt giống lúa lai F1 tại miền Trung

Thứ Hai 21/04/2014 , 10:43 (GMT+7)

Các giống được đưa vào SX chủ yếu là các tổ hợp lại 3 dòng gồm Nhị ưu 838, Bác ưu 903 KBL; tổ hợp lai 2 dòng TH3-5.

Cuối tuần qua, tại xã Đại Nghĩa (Đại Lộc, Quảng Nam), Bộ NN-PTNT tổ chức hội thảo đầu bờ “Đánh giá kết quả SX hạt giống lúa lai F1 khu vực miền Trung - Tây Nguyên”. Đây là dịp đánh giá kết quả SX lúa lai vụ ĐX 2013 -2014 và tìm giải pháp phát triển lĩnh vực này giai đoạn tiếp theo.

3,5 tấn/ha

Dự án khuyến nông “Phát triển mô hình SX hạt giống lúa lai F1 góp phần tăng tỷ lệ hạt giống SX trong nước giai đoạn 2014 - 2016” đã được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ban hành tại Quyết định số 2728/QĐ-BNN-KHCN ngày 18/11/2013 nhằm đẩy mạnh SX hạt lai trong nước giảm nhập khẩu và tăng thu nhập cho người dân. Trung tâm KNQG được giao triển khai dự án trên trong 3 năm (2014 - 2016) tại nhiều tỉnh, thành.

TS Phan Huy Thông, GĐ Trung tâm KNQG: “Để thực hiện tốt dự án thì các đơn vị tiếp tục chỉ đạo nông dân SX theo dõi thời gian thu hoạch, sơ chế, bảo quản nhằm đảm bảo chất lượng giống lúa lai đúng tiêu chuẩn quy định. Đảm bảo việc thu mua sản phẩm theo đúng thỏa thuận giữa các đơn vị với nông dân. Cần rút kinh nghiệm trong việc chỉ đạo tổ chức SX vụ ĐX, lên kế hoạch tổ chức SX vụ HT đúng tiến độ, quy mô để hoàn thành kế hoạch đề ra”.

TS Phan Huy Thông, GĐ Trung tâm KNQG cho biết: Tổng diện tích thực hiện từ 2014 - 2016 lên đến 2.500 ha. Dự án sẽ xây dựng 134 mô hình SX lúa hạt giống lúa lai tại các tỉnh, thành có đặc điểm địa lý, điều kiện thời tiết thuận lợi nhất cho SX hạt giống lúa lai F1.

Tại vùng miền núi phía Bắc sẽ triển khai tại Lào Cai, Yên Bái; vùng trung du Bắc bộ thực hiện ở Thái Nguyên, Bắc Giang; vùng đồng bằng sông Hồng ở Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình; vùng Bắc Trung bộ ở Thanh Hóa, Nghệ An; vùng duyên hải Nam Trung bộ - Tây Nguyên ở Quảng Nam, Đắk Lắk và ĐBSCL ở Hậu Giang, Cần Thơ.

“Các tổ hợp lúa lai hai dòng đưa vào SX gồm VL20, TH3-3, TH3-5; các tổ hợp mới LC212; LC270… các tổ hợp lúa lai 3 dòng Nhị ưu 838, Bác ưu 903 KBL, HYT83, LC25, Trang Nông 15…”, ông Thông cho hay.

Trong vụ ĐX 2013 - 2014, dự án thực hiện với tổng diện tích 680 ha, trong đó tại khu vực duyên hải Nam Trung bộ chiếm đến 170 ha. Các đơn vị tham gia SX gồm Cty CP Giống cây trồng Quảng Nam; Cty CP Giống cây trồng miền Nam; Cty CP Giống cây trồng Trung ương; Cty TNHH Cường Tân và Cty Maharashtra (Ấn Độ).

Các giống được đưa vào SX chủ yếu là các tổ hợp lại 3 dòng gồm Nhị ưu 838, Bác ưu 903 KBL; tổ hợp lai 2 dòng TH3-5. Việc gieo cấy được thực hiện theo phương thức gieo bố và cấy mẹ tập trung thành hàng, bố 1 trước bố 2 khoảng 5 ngày; mẹ gieo và sạ theo kinh nghiệm của bà con địa phương.

Trong vụ này, thời tiết rất thuận lợi để cây lúa phát triển sinh trưởng. Tại Quảng Nam và Đắk Lắk đến nay lúa đã kết hạt và ước tính năng suất đạt 3 - 3,5 tấn/ha, mỗi ha SX lúa lai đem lại lãi ròng cao, như Nhị ưu 838 đạt 9,5 triệu đồng/ha; TH3-5 đạt gần 23 triệu đồng/ha.

Được biết, ngoài diện tích các DN tham gia thực hiện dự án với tổng diện tích 680 ha thì trong vụ ĐX này có 20 DN tham gia SX hạt giống lúa lai tại khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên với diện tích 1.477 ha. Hiện lúa đã kết hạt, năng suất ước đạt 2,5 - 3,5 tấn/ha.

Cần chính sách thỏa đáng

Thực tế SX hạt giống lúa lai thường xuyên gặp rủi ro, do đó nhiều năm qua các DN đã không còn mặn mà tham gia. Thế nhưng nhu cầu sử dụng hạt giống lúa lai ở nước ta không giảm, nguồn giống chủ yếu nhập từ nước ngoài. Nguyên nhân từ đâu mà các DN “đầu hàng”, người nông dân không tham gia SX lúa lai?

Theo ông Lê Muộn, PGĐ Sở NN-PTNT Quảng Nam, các DN tham gia SX lúa lai không may bị mất mùa thì được hỗ trợ mấy triệu đồng/ha, trong khi đền bù cho người dân lên đến vài chục triệu. Số tiền hỗ trợ này chưa thấm vào đâu so với đền bù cho bà con nông dân. So với làm giống thì họ chuyển qua đi buôn khỏe hơn. Hiện tại một 1 kg giống do Trung Quốc SX với giá 80.000 đ/kg, sau đó nhập về bán 100.000 đ/kg. Tính ra lãi 20.000 đ/kg, hơn cả làm SX giống.

“Để thu hút các DN trong nước SX cần đưa lúa lai vào cây trồng công nghệ cao để có những chính sách riêng, hỗ trợ đặc biệt chứ không thể xem SX lúa lai giống như cây lúa bình thường. Ngoài ra, để DN yên tâm bắt tay với bà con nông dân SX thì phải mua bảo hiểm nông nghiệp. Lúc đó hai bên mới yên tâm bắt tay SX”, ông Muộn nói.

TS Vũ Hồng Quảng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu & phát triển cây trồng (Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội) chia sẻ, VN đang nhập giống lúa lai rất lớn và số lượng nhập vẫn không giảm nhiều. Đơn cử năm 2008 nhập 16.500 tấn; năm 2009 nhập 14.300 tấn; 2010 nhập 13.000 tấn; 2012 nhập 15.000 tấn và năm 2013 nhập 11.300 tấn. Nguyên nhân là các DN trong nước gặp nhiều rủi ro trong quá trình SX nhưng chính sách hỗ trợ chưa có nhiều nên họ không mạnh dạn đầu tư.

“Trong quá trình SX lúa lai, chúng tôi đã nếm nhiều thất bại, có những vụ ôm tiền tỷ đền bù cho nông dân. Trong 4 năm liền, chúng tôi chạy hết vùng đất này đến vùng khác tìm ra vùng đất thích nghi SX lúa lai. Hết Quảng Nam đến ĐBSCL… cuối cùng tìm được vùng Tân Yên (Bắc Giang) phù hợp.

Để SX hạt lai giảm rủi ro, Bộ NN-PTNT nhanh chóng triển khai nghiên cứu các vùng SX, bởi SX lúa lai luôn phập phù do thời tiết bất lợi. Đồng thời có những chính sách hỗ trợ DN, nhà khoa học chọn tạo dòng bố mẹ”, TS Quảng kiến nghị.

Ông Trần Như Khoát, Cty CP Giống cây trồng Trung ương đề xuất: “Nhà nước cần có một nguồn kinh phí bổ sung SX lúa lai khi gặp thiên tai. Hiện nhiều vùng đã duy trì được làng nghề SX lúa lai, song khâu thu hoạch lại thiếu máy móc. Do đó phải có những chính sách hỗ trợ các làng nghề có máy sấy, nhà kho bảo quản...”.

Trả lời những kiến nghị của các đại biểu tham gia hội nghị, ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho hay, nước ta đang SX diện tích lúa lai thương phẩm khoảng 700.000 - 800.000 ha, nhu cầu giống lúa lai F1 khoảng 22.500 tấn/năm. Đến nay nguồn giống trong nước SX mới cung ứng được 25 - 30%.

“Chính phủ vừa ban hành hai văn bản mới liên quan đến SX hạt giống lúa lai. Tại Quyết định 62 thay thế Quyết định 80, quyết định này có cơ chế chính sách khá phù hợp cho DN và nông dân SX lúa lai. Ngoài ra, Quyết định 210 thay thế Quyết định 61 cũng có những chính cụ thể cho các DN tham gia”, ông Định cho hay.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Ninh Thuận xây dựng 2 phương án sản xuất vụ hè thu

Trước tình hình nắng nóng kéo dài, tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng kế hoạch sản xuất vụ hè thu và chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với khô hạn.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.