| Hotline: 0983.970.780

Tác giả Phạm Công Luận lý giải giá trị của biếm họa

Thứ Hai 05/02/2024 , 16:38 (GMT+7)

Tác giả Phạm Công Luận nhân không khí mùa xuân Giáp Thìn đã phát hành cuốn sách biên khảo ‘Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975’ gây hứng thú cho công chúng.

Tác giả Phạm Công Luận qua nét vẽ của Đức Lâm.

Tác giả Phạm Công Luận qua nét vẽ của Đức Lâm.

Tác giả Phạm Công Luận quen thuộc với nhiều thế hệ học trò, không chỉ vì ông nhiều năm làm báo Thiếu Niên Tiền Phong mà còn vì ông có những tác phẩm viết cho tuổi thơ như “Chú bé Thất Sơn” hay “Đường phượng bay”. Thật bất ngờ, một thập niên qua, tác giả Phạm Công Luận lại chuyển sang thể loại biên khảo với nhiều tác phẩm rất ăn khách như “Sài Gòn – Chuyện đời của phố”, “Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm”, “Với ngày như lá tháng như mây”, “Sài Gòn phong vị báo xuân xưa”, “Hồi ức Phú Nhuận”…

Đón Tết Giáp Thìn, tác giả Phạm Công Luận ở tuổi 63 phát hành cuốn sách “Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975” như một giai phẩm mùa xuân. Bởi lẽ, cuốn sách có khổ to gần bằng tờ báo xuân, hơn 200 trang với 30 bài viết và hơn 400 tranh, in giấy couché màu toàn bộ, bìa cứng.

Biếm hoạ là một khái niệm nói chung, bao gồm tranh vui, tranh châm biếm, hí hoạ chân dung, được thể hiện từng tranh đơn, băng tranh hay cả chùm tranh chiếm một hai trang… có tranh không chú thích và có tranh chú thích dài. Nội dung biếm họa để châm biếm mỉa mai một hiện tượng xã hội hay con người cụ thể, có khi chỉ để cười vui.

Người Pháp khi đến xứ Việt trong quá trình thuộc địa hoá đã tiếp tục dùng biếm hoạ là một thể loại báo chí được ưa chuộng tại chính quốc của họ để nói lên những bức xúc, để cười cợt châm biếm hoặc phê phán những điều chướng tai gai mắt ở nhiều lãnh vực. Nổi bật là tờ họa báo ra hằng tuần “Le Cri de Saigon” (Tạm dich: Tiếng than thở của Sài Gòn) của ông Piere Jeantet, mỗi số đều đưa hẳn ra trang bìa một bức tranh biếm về đời sống chính trị ở Đông Dương.

Tác giả Phạm Công Luận cho biết, trong số báo chí tiếng Việt mà mình đã tham khảo, bức biếm họa tạm gọi là sớm nhất của báo chí miền Nam, là ở tờ Đông Pháp Thời báo của ông Nguyễn Kim Đính ra ngày 17 tháng 7 năm 1925.

Năm 1932, tại miền Bắc, báo Phong Hóa ngay từ số đầu đã thể hiện là tờ báo trào phúng, có nhiều tranh biếm được đăng từ bìa vào trong. Cùng thời gian đó, báo chí Sài Gòn vẫn có biếm họa xuất hiện rải rác trên các tờ như Phụ Nữ Tân Văn, Công Luận, Zân Báo…. Cho đến thập niên 1940, thể loại biếm hoạ trên báo chí Sài Gòn hay nói chung báo chí miền Nam đã bắt đầu phát triển rất mạnh, có tờ mỗi trang bìa là một bức tranh biếm hoạ.

Công trình biên khảo 'Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975'.

Công trình biên khảo "Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975".

Tác giả Phạm Công Luận thổ lộ: “Tôi từng mê mải xem tranh “Bé Ngôn bé Luận” từ mớ báo Ngôn Luận cũ lưu trữ trong nhà, từng đón đợi các tờ giai phẩm xuân vì biết chắc sẽ có nhiều tranh hí họa vui vẻ tràn ngập tờ báo. Từ năm 1971, tôi sung sướng khi có thể xem tranh vui và biếm họa thường xuyên trên báo Thiếu Nhi ra hằng tuần, rất mê hai nhân vật Tí Xíu và Tí Ti do Vương Nghiêm và Nguyễn Tài vẽ.

Lớn lên, đi làm báo và viết sách, đọc nhiều, tôi chợt nhận ra hầu như sau này người ta quên dần các họa sĩ vẽ tranh vui và biếm họa tài năng ngày xưa. Chỉ có hai cái tên được nhắc lại thường xuyên là Chóe và Ớt. Họ là những họa sĩ biếm hàng đầu của miền Nam, nhưng đâu chỉ có thế. Biếm họa báo chí Sài Gòn trước 1975 là cả một khoảng trời và trên đó có rất nhiều ngôi sao lớn nhỏ khác nhau, phát ra những luồng ánh sáng riêng biệt, rất lạ và rất đẹp.

Cuốn sách “Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975” nhận định, tuy đã có sự xuất hiện tranh biếm họa báo chí Việt từ giữa thập niên 1920, nhưng thời kỳ phát triển nhất của biếm họa chỉ bắt đầu từ khoảng đầu thập niên 1960. Từ thời kỳ này, các họa sĩ vẽ tranh vui và biếm họa cho báo chí đã say sưa vẽ dưới ánh đèn điện vàng, trong tiếng đại bác dội về từ ngoại thành, nhiều lần phải cắn bút, trăn trở tìm ý tứ để mỗi ngày trình làng những bức tranh bút sắt trên các nhật báo.

Họ chia sẻ nỗi lo lắng cùng người dân khi nghe tin tăng thuế, khi kinh tế đi xuống, chính sách thắt lưng buộc bụng... Họ vui cùng mọi người khi Tết đến, xuân về. Họ cười cợt với những thói hư tật xấu và cũng giúp mọi người nhận ra chân giá trị cuộc sống, chỉ ra những ai đang muốn tàn phá nó và những gì mọi người cần phải thay đổi trong căn tính để sống đàng hoàng hơn, thân ái và đồng cảm với nhau hơn.

Dù đã mất hơn 5 năm cho cuốn sách “Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975”, nhưng tác giả Phạm Công Luận vẫn khiêm tốn bày tỏ công trình biên khảo của mình chỉ là những phác thảo ban đầu cho một dòng mỹ thuật độc đáo. Ông mong muốn tiếp tục đi sâu vào đề tài này, cố gắng trình bày bức tranh rộng hơn về biếm họa báo chí miền Nam trước đây cũng như đi vào tìm hiểu những nội dung cơ bản được thể hiện, những tên tuổi trong lãnh vực biếm hoạ thời đó.

Biếm họa trên báo Tin Sáng số xuân Ất Tỵ 1965.

Biếm họa trên báo Tin Sáng số xuân Ất Tỵ 1965.

Vui mừng nhìn thấy “Biếm họa trên báo chí Sài Gòn trước 1975” đến với công chúng trước không khí rộn ràng tết Giáp Thìn, tác giả Phạm Công Luận chia sẻ thêm: “Bằng sự hiểu biết hạn hẹp, tôi hoàn thành cuốn này, với mong muốn nhắc nhớ và giới thiệu cho những ai không có điều kiện tiếp cận thể loại tranh này, về sự xuất hiện của nó một thời ở miền Nam với tất cả sự sắc bén, tài hoa và nhạy cảm trước các biến chuyển dữ dội của xã hội của các họa sĩ biếm qua ngòi bút sắt”.

Xem thêm
Man.City tìm lại cảm giác chiến thắng

Man 'xanh' bắt đầu lấy lại phong độ và quyết không bỏ cuộc khi giành thêm chiến thắng tại vòng 20 giải Ngoại hạng Anh 2024/2025.

Quảng Ninh thưởng tiền vệ Nguyễn Hai Long gần 500 triệu đồng

Với thành tích xuất sắc trong đội hình đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam tại ASEAN Cup 2024, tiền vệ Nguyễn Hai Long được tỉnh nhà Quảng Ninh thưởng lớn.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.