| Hotline: 0983.970.780

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM

Thứ Năm 17/07/2014 , 08:14 (GMT+7)

Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn, tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM.

Mục tiêu tăng thu nhập của nông dân, cải thiện môi trường sống, nâng cấp kết cấu hạ tầng, khuyến khích phát triển đời sống tinh thần và quan hệ xã hội ở nông thôn.

Nông, lâm, thủy sản đều có tiềm năng

Theo Sở NN-PTNT Quảng Ninh, địa phương này có nhiều diện tích đất thích hợp với trồng ngô, nhất là các huyện miền Đông. Diện tích gieo trồng ngô năm 2013 là 5.838 ha, sản lượng 22,3 nghìn tấn. Diện tích này có thể tăng gấp đôi. Mặt khác, Quảng Ninh là tỉnh có nhiều phụ phẩm từ hải sản có thể chế biến thành thức ăn tại chỗ để giảm giá thành. Do đó, cần thiết phải phát triển các loại cây làm TĂCN.

Ngoài ra, Quảng Ninh là thị trường du lịch lớn với trung bình đón 7 triệu khách một năm, là tỉnh công nghiệp khai khoáng với hàng chục vạn công nhân. Theo thống kê hằng năm của Sở Công thương, sản lượng rau, củ của tỉnh đáp ứng 87% nhu cầu; quả các loại đáp ứng 63% nhu cầu. Trồng rau, hoa, quả không chỉ làm thực phẩm mà còn là sản phẩm du lịch nông nghiệp, làng quê vì tạo ra cảnh quan đẹp. Ngoài các loại rau, hoa, quả... thông thường cần chọn rau, hoa, quả cao cấp như: Nấm ăn, nấm dược liệu, hoa lan, thanh long, cam, na, ổi… để SX quy mô lớn.

Ở Quảng Ninh, hiện ngành chăn nuôi chiếm 38% giá trị ngành nông nghiệp, tuy cao hơn so với tỷ lệ của cả nước, song vẫn chưa tạo lập được vị thế là ngành SX chính. Một trong nhiều nguyên nhân là nguồn thức ăn phải NK làm đội giá thành, trong khi Quảng Ninh rất có điều kiện để SX thức ăn tại chỗ vì ngoài việc có diện tích trồng ngô lớn thì nguồn đạm từ các loại phụ phẩm chế biến hải sản rất nhiều đang lãng phí.

Quảng Ninh cũng có điều kiện để ngành chăn nuôi bò sữa phát triển cung cấp sữa tươi cho 1,1 triệu dân của tỉnh và hàng triệu khách du lịch thay vì phải sử dụng các loại sữa nhập ngoại.

Một trong những thế mạnh của Quảng Ninh là phát triển thủy sản. Những năm gần đây, tình hình kinh tế thuỷ sản trên địa bàn tỉnh có bước phát triển khá mạnh. Năm 2013, tổng sản lượng thuỷ sản toàn tỉnh đạt 88.894 tấn, trong đó sản lượng khai thác đạt 55.434 tấn, đứng thứ 3/10 tỉnh, thành có chung ngư trường vịnh Bắc bộ; sản lượng nuôi trồng đạt 33.550 tấn, đứng thứ 6/11 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, đây là ngành có thế mạnh của tỉnh nhưng hiện nay vẫn chưa phát triển đúng với tiềm năng. Hiệu quả SX kinh doanh còn thấp, lãng phí tài nguyên đất rừng.

Tổ chức lại SX gắn với mục tiêu xây dựng NTM

Theo ông Trương Công Ngàn, Trưởng Ban Xây dựng NTM Quảng Ninh, phải có cơ chế, chính sách đủ mạnh và tổ chức lại SX nông lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh.

Theo đó, cần cơ giới hóa và SX hàng hóa khi ruộng đất được tích tụ. Tích tụ ruộng đất đi đôi với chuyển dịch lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Cần phát triển kinh tế trang trại ở cả hai quy mô vừa và nhỏ.

“Xét về tiềm năng thì đất lâm nghiệp và đất nuôi trồng thủy sản sẽ có khả năng tích tụ cao hơn các loại đất khác vì thế cần có cơ chế tích tụ cho hai loại đất này. Đồng thời phải tính đến đào tạo nghề cho lao động nông thôn một cách hiệu quả để chuyển dịch lao động sang lao động công nghiệp dịch vụ cho đối tượng không còn đất do tích tụ ruộng đất", ông Ngàn nói.

Ngoài ra, phải hướng đến SXNN công nghệ cao, đồng thời tạo cơ chế để kinh tế hợp tác phát triển. Ở Quảng Ninh, sự phát triển của kinh tế tập thể chưa mạnh, số lượng, quy mô, chất lượng, hiệu quả hoạt động còn nhiều hạn chế; tỷ lệ HTX hoạt động trung bình và yếu kém còn cao.

“Trước hết phải tập trung rà soát lại các HTX NN, đánh giá hiệu quả và có hướng giải quyết không để tình trạng sống dở chết dở như hiện nay. Hình thành các HTX mới trên cơ sở phát triển các sản phẩm chủ lực hoặc dịch vụ thế mạnh của mỗi địa phương trong tỉnh. Các HTX này do nông dân góp vốn để làm dịch vụ đầu vào và đầu ra cho các thành viên mà các tổ chức chính trị xã hội khác không thể làm được vì không có chức năng để thực thi nhiệm vụ này. Ngay cả tổ chức hội, nghiệp đoàn nghề nghiệp cũng không thể làm thay HTX chức năng này vì nó không phải là tổ chức kinh tế”, ông Ngàn phân tích.

Một trong những điều kiện quan trọng là cần tạo điều kiện cho các DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Hỗ trợ các DN, HTX phát triển theo chuỗi ngành hàng nông sản. Dần bãi bỏ cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho nông dân tiến tới hỗ trợ theo hướng đầu tư hạ tầng dùng chung của các vùng SX tập trung. Hỗ trợ đầu ra thay vì chỉ hỗ trợ đầu vào SX. Hỗ trợ SX theo chuỗi thay vì cắt khúc, cắt đoạn như hiện nay. Tăng quy mô Quỹ hỗ trợ nông dân để giải quyết nhu cầu vay của trang trại nhỏ và kinh tế hộ.

Ông Ngàn cho rằng, song song với tổ chức lại SX, phải đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng NTM gắn với đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Về quan điểm, quán triệt trong các cấp các ngành bốn mục tiêu trụ cột của Chương trình NTM là: Tăng thu nhập của nông dân; Cải thiện môi trường sống; Nâng cấp kết cấu hạ tầng; Khuyến khích phát triển đời sống tinh thần và quan hệ xã hội ở nông thôn.

“Về phương châm xây dựng NTM: Lấy công nghiệp, dịch vụ thúc đẩy nông nghiệp; lấy thành thị dẫn dắt nông thôn. Về phương pháp thực hiện, phải kích thích sự tham gia của người dân bằng những lợi ích thiết thực; Phát triển cộng đồng xã hội; Phân cấp phân quyền quản lý và thực hiện dự án; Tăng cường năng lực của lãnh đạo địa phương; Phát huy dân chủ, sức sáng tạo của nhân dân”, ông Ngàn cho hay.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất