Việc thực hiện tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp không chỉ phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương mà còn giúp người dân tăng cường tính chủ động, đổi mới tư duy sản xuất, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.
“Cú hích” từ tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Xã Phong Thu khi bắt tay vào xây dựng NTM với xuất phát điểm rất thấp, chỉ đạt 10/19 tiêu chí. Xác định lợi thế về thổ nhưỡng phù hợp với các loại cây ăn quả có múi, Phong Thu đã tận dụng được các tiềm năng thế mạnh phát triển cây thanh trà trở thành cây chủ lực để tập trung đầu tư về khoa học, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, tổ chức lại quy mô sản xuất.
Đồng thời đăng ký thương hiệu, hình thành chuỗi giá trị để tạo sức cạnh tranh, xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao giá trị thu nhập, mở rộng thêm diện tích sản xuất thanh trà. Hiện nay, toàn xã đã phát triển 135 ha cây thanh trà với 430 hộ sản xuất. Ước tính mỗi năm cây thanh trà cho thu nhập khoảng 15 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hữu Nam, Chủ tịch UBND xã Phong Thu, chia sẻ: “Từ khi tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xã Phong Thu đã phát triển các vùng trồng thanh trà tập trung, cải tạo diện tích đất phù hợp để mở rộng thêm diện tích thanh trà, hỗ trợ vốn cho nông dân, phát triển thương hiệu trái thanh trà thành sản phẩm OCOP chủ lực. Qua đó, Phong Thu hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM”.
Cây lúa hữu cơ chất lượng cao cũng được đưa vào gieo cấy tại Hợp tác xã nông nghiệp (HTX) An Lỗ (xã Phong Hiền), mang lại hiệu quả thiết thực.
Lúa hữu cơ năng suất thấp hơn so với sản xuất lúa truyền thống nhưng giá trị kinh tế cao hơn 1,5 lần.
Ngoài ra, lúa hữu cơ có đầu ra ổn định, thổ nhưỡng được cải thiện do bón phân hữu cơ cải tạo đất. Đồng thời, khống ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Ba, Giám đốc HTX nông nghiệp An Lỗ cho biết: “Trước nhu cầu tất yếu của thị trường về các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, chúng tôi đang đẩy mạnh phát triển cây lúa hữu cơ thành chuỗi giá trị.
Đồng thời, vận động các xã viên nâng cao trình độ canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật, mạnh dạn cải tiến quy trình sản xuất để đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường”.
Nâng cao thu nhập cho người dân
Thực hiện việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Phong Điền đã triển khai thí điểm nhiều mô hình, dự án khuyến nông giúp người nông dân từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, nhằm nâng cao thu nhập.
Từ năm 2017 đến nay, UBND huyện đã triển khai 25 mô hình, dự án với tổng kinh phí hỗ trợ 13 tỷ đồng, người dân đóng góp trên 70 tỷ đồng.
“Thông qua các mô hình, huyện Phong Điền đã chuyển giao nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho người dân để tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.
Nhiều tiến bộ mới được nông dân ứng dụng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp”, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Phong Điền, cho biết.
Bên cạnh đó, huyện đã dồn điền đổi thửa, áp dụng thâm canh tăng vụ, chuyển đổi sang sản xuất hàng hoá, trồng cây tập trung, hỗ trợ các hộ liên kết trong chăn nuôi, áp dụng công nghệ để nâng cao sản lượng, thực hiện quy trình giám sát an toàn dịch bệnh nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, lôi kéo người dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp gắn với các DN chế biến, tiêu thụ...
Sau khi hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2016, xã Điền Lộc đã không ngừng nỗ lực để xây dựng xã NTM nâng cao và hướng tới xây dựng NTM kiểu mẫu.
Ông Lê Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Ngoài huy động các nguồn lựcđầu tư cơ sở hạ tầng, Điền Lộc tiếp tục triển khai các mô hình trồng lúa hữu cơ, lúa VietGAP, liên kết sản xuất tiêu thụ các giống lúa chất lượng, rau an toàn, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng sen kết hợp với nuôi cá... Đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm”.
Ông Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền chia sẻ: “Trong quá trình xây dựng NTM, để nâng cao tiêu chí thu nhập, huyện tập trung chỉ đạo tổ chức lại sản xuất, tạo chuyển biến về quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp, khuyến khích đầu tư xây dựng mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao”.
Đến nay huyện Phong Điền có 06 xã đạt chuẩn NTM, có 03 xã hoàn thành các tiêu chí NTM và đang làm thủ tục để UBND tỉnh thẩm định và công nhận. Phấn đấu đến cuối năm 2020, Phong Điền có 11/15 xã đạt chuẩn NTM.