| Hotline: 0983.970.780

Tái đàn lợn tại Thừa Thiên - Huế: Tỉnh vẽ kế hoạch, huyện gánh còng lưng

Thứ Sáu 29/07/2022 , 12:00 (GMT+7)

Sau khi chịu thiệt hại nặng nề của dịch tả lợn Châu Phi, tỉnh Thừa Thiên - Huế gấp rút lên kế hoạch tái đàn với tổng kinh phí hơn 210 tỷ đồng.

Tái đàn lợn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành chăn nuôi Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Việt Khánh.

Tái đàn lợn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành chăn nuôi Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Việt Khánh.

Tái đàn lợn được xác định là nhiệm vụ cấp bách

Việc làm trên mang tính cấp bách là thế nhưng khi thực hiện lại rề rà đến khó tin, bởi tỉnh Thừa Thiên - Huế không thể hiện được vai trò đầu tàu nên áp lực dồn cả lên vai cấp huyện và người chăn nuôi.

Thống kê những năm gần đây, Thừa Thiên - Huế có khoảng 22.000 hộ chăn nuôi lợn. Phần đa vẫn áp dụng chăn nuôi nông hộ truyền thống, quy mô nhỏ lẻ xen lẫn khu dân cư nên mức độ ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh ngày một gua tăng.

Tại Thừa Thiên- Huế, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện ở hầu hết 9 huyện, thị xã, thành phố với gần 13.330 hộ có lợn mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy gần 75.550 con với tổng trọng lượng gần 4.600 tấn. Dịch bệnh tràn qua khiến tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh suy giảm trông thấy, từ đó kéo tụt nguồn thu, làm mất cân đối cung cầu, đẩy giá sản phẩm tăng cao, vô hình chung ảnh hưởng tiêu cực đến cả người bán lẫn người mua.

Nhằm khắc phục những tồn tại nêu trên và sớm bình ổn ngành chăn nuôi, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Kế hoạch tái đàn lợn gắn với tái cơ cấu chăn nuôi sau dịch bệnh giai đoạn 2020-2025.

Mục tiêu chung của Đề án là kiểm soát tốt dịch bệnh, sớm tái đàn để ổn định sản xuất, bình ổn giá, đảm bảo cung cấp đủ thực phẩm sạch cho người tiêu dùng. Phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về chăn nuôi, thú y, biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo hướng hữu cơ.

Tái đàn, tăng đàn phải gắn với tái cơ cấu ngành chăn nuôi lợn. Tổ chức lại hình thức sản xuất, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, chuyển sang chăn nuôi tập trung, quy mô trang trại… bảo đảm phát triển chăn nuôi bền vững.

Đề án sẽ sử dụng đan xen nguồn ngân sách Trung ương, của tỉnh, huyện, vốn sự nghiệp Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, vốn vay Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh, vốn của các chủ đầu tư.

Ước tổng kinh phí các Đề án cấp huyện trải dài 5 năm khoảng 210 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp, người chăn nuôi đầu tư 148 tỷ đồng (chiếm 70%), ngân sách hỗ trợ 62 tỷ đồng (chiếm 30%) (Ngân sách từ Trung ương, tỉnh hỗ trợ: 43,4 tỷ đồng; Ngân sách cấp huyện hỗ trợ: 18,6 tỷ đồng).

Theo kế hoạch phân kỳ, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách tập trung chủ yếu vào giai đoạn 2021-2023 để kích thích đẩy nhanh tái đàn, tăng đàn lợn (chiếm 80% tổng kinh phí hỗ trợ). Từ 2024-2025 hỗ trợ 10%/năm để thực hiện công tác vận động, khuyến khích mở rộng quy mô, tăng đàn theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học…

Vẽ ra khá hào nhoáng nhưng quá trình triển khai Đề án tái đàn lợn của Thừa Thiên - Huế lại không mang lại kết quả như kỳ vọng. Ảnh: Công Điền.

Vẽ ra khá hào nhoáng nhưng quá trình triển khai Đề án tái đàn lợn của Thừa Thiên - Huế lại không mang lại kết quả như kỳ vọng. Ảnh: Công Điền.

Phê duyệt đề án nhanh, phân bổ kinh phí chậm

Thực hiện chủ trương trên, đến nay các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc, Nam Đông, A Lưới đã chủ động nhập cuộc, tuy nhiên chừng đó là không đủ. Thực tế cho thấy tiềm lực của các địa phương này có hạn, thậm chí có nơi khó khăn cùng cực (điển hình là huyện miền núi A Lưới), thành thử sau 2 năm triển khai cơ bản chỉ đảm đương được một phần nhỏ yêu cầu.

Ở chiều ngược lại, đến thời điểm này UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cơ bản vẫn chưa bố trí ngân sách như kế hoạch vạch ra. Tỉnh không thể hiện được vai trò đầu tàu, các đơn vị cấp dưới tỏ rõ sự lúng túng. Để hạn chế tối đa nguy cơ, phần nhiều lựa chọn theo dạng cầm chừng cho có lệ, kéo theo tiến độ chung chậm như rùa bò.

Lại phải nhắc đến huyện nghèo A Lưới, sau khi được phê duyệt Đề án huyện này đã có những động thái tích cực chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, vận động người dân cùng chung tay thực hiện công tác tái đàn. Tuy nhiên, do tâm lý bất an sau biến cố, quan trọng hơn là dòng tiền đổ vào vượt xa tầm với của nhà nông nên chỉ một số ít mô hình đơn lẻ được hình thành.

Trong số này, phải kể đến mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học xử lý chất thải bằng hầm biogas thu hút gần 70 hộ tại 3 xã Sơn Thủy, Lâm Đớt, Hồng Vân cùng tham gia. Đặc biệt hơn, huyện đã liên kết khá chặt chẽ với một doanh nghiệp điển hình trong lĩnh vực chăn nuôi triển khai 4 mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ tại các xã A Ngo, Hồng Bắc, Quảng Nhâm… tín hiệu tích cực đã đến, dù vậy xét tổng quan thì chừng này chưa thấm tháp vào đâu.

Không chỉ A Lưới ôm trái đắng trước động thái nửa vời của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế (Phê duyệt Đề án tái đàn nhưng chậm phân bổ kinh phí) mà các huyện khác trong diện thụ hưởng cũng trầy trật thấy rõ.

Chi tiết hơn, UBND huyện Phú Lộc mới phân bổ được vỏn vẹn 500 triệu tiền ngân sách để hỗ trợ 400 con lợn giống nuôi thịt cho 11 hộ áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học. Phòng NN-PTNT huyện cũng mới tổ chức được 1 lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho 30 nông dân.

Đã qua 2 năm nhưng kết quả thực tế tại A Lưới và các huyện khác trong diện thụ hưởng rất đáng quan ngại. Ảnh: Công Điền.

Đã qua 2 năm nhưng kết quả thực tế tại A Lưới và các huyện khác trong diện thụ hưởng rất đáng quan ngại. Ảnh: Công Điền.

Trong khi đó, nếu so sánh các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2021 - 2022 (35 hộ tham gia, nuôi 105 lợn nái, 1.260 lợn thịt) những gì huyện Quảng Điền làm được đều không đạt. Toàn huyện chỉ có 24 hộ đăng ký tham gia với tổng cộng 79 lợn nái và 882 lợn thịt. Lý thuyết là vậy nhưng thực tế còn thê thảm hơn nhiều, đến cuối tháng 5/2022 mới chỉ 4 hộ tiến hành đưa lợn vào nuôi với số lượng cực kỳ nhỏ giọt (19 lợn nái và 162 lợn thịt).

Tại huyện Phong Điền, sự thể còn rối ren hơn nhiều. Bám theo Quyết định số 1453/QĐ-UBND ngày 15/6/2021 của UBND tỉnh, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 195/KH-UBND ngày 15/7/2021 về thực hiện Đề án giai đoạn 2021 - 2025, qua đó chỉ đạo các xã xây dựng Đề án vùng chăn nuôi tập trung để tổ chức thực hiện trên các vùng được phê duyệt. Đổi lại, 2 xã Phong An và thị trấn Phong Điền chính thức rời cuộc chơi do quy hoạch không phù hợp.

Đáng quan ngại hơn, 5 xã nằm còn lại (Điền Môn, Điền Hòa, Điền Hải, Phong Hiền và Phong Thu) đều ở trạng thái chưa sẵn sàng: Xã Phong Thu, Điền Hòa mới chỉ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân lô, đầu tư cơ sở hạ tầng vùng chăn nuôi tập trung, đang thực hiện quy hoạch 20ha; xã Điền Môn và Điền Hải đang thẩm định để trình UBND huyện phê duyệt với diện tích 13ha; xã Phong Hiền đang hoàn thiện hồ sơ.

Cuối cùng là diễn biến chẳng lấy gì làm vui ở huyện Nam Đông, đành rằng toàn huyện ghi nhận 45 hộ/9 xã tham gia mô hình với số lượng 135 lợn nái và 1.100 lợn thịt, có điều tất cả mới dừng lại ở bước triển khai đăng ký.

Rất nhiều nguyên nhân đã được nêu ra nhưng mấu chốt nằm ở quyết sách của UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế. Đề án 210 tỷ đồng không thể đi đến đích nếu vẫn áp dụng theo hình thức đếm cua trong lỗ như bấy lâu, nhất thiết tỉnh này cần sự lột xác mang tính bước ngoặt trước khi sự thể đi quá xa.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế liệt kê hàng loạt lý do dẫn đến chậm tiến độ, bao gồm ngân sách tỉnh chưa được bố trí, nguồn vốn hạn chế của các huyện, một số địa phương chưa được phê duyệt đề án, quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung còn vướng các thủ tục chuyển đổi. Một số xã vùng thấp trũng của huyện Quảng Điền (Quảng An, Quảng Phước, Quảng Thành) thiếu quỹ đất cho chăn nuôi tập trung, hạ tầng chưa đảm bảo, chi phí xây dựng chuồng trại tránh ngập úng khá lớn nên quá trình triển khai mô hình còn gặp khó khăn. Cùng với đó, thị trường đầu ra nhìn chung ổn định, tình hình dịch bệnh trên đàn lợn thời gian qua vẫn còn diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người nuôi.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Dưa chuột nếp Hà Trung giòn, thơm, ngọt mát

THANH HÓA Giống dưa chuột nếp Hà Trung trồng theo hướng VietGAP giòn, thơm, ngọt mát, nông dân đạt lợi nhuận cao hơn các ruộng sản xuất bên ngoài từ 18 - 20%.

Phê duyệt Đề án công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Ngày 24/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1639/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030.