| Hotline: 0983.970.780

Nhiều địa phương không mặn mà dự án chăn nuôi lợn

Thứ Ba 11/08/2020 , 07:26 (GMT+7)

Dù đạt được kết quả đáng khích lệ, nhưng việc tái đàn lợn sau bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vẫn gặp nhiều khó khăn do nhiều địa phương không mặn mà.

Hiện nhiều địa phương không mặn mà với các dự án đầu tư chăn nuôi lợn do nguy cơ ô nhiễm mà lại không đem lại nguồn thu ngân sách cho tỉnh, thành. Ảnh: Nguyên Huân.

Hiện nhiều địa phương không mặn mà với các dự án đầu tư chăn nuôi lợn do nguy cơ ô nhiễm mà lại không đem lại nguồn thu ngân sách cho tỉnh, thành. Ảnh: Nguyên Huân.

Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, nguyên nhân chính ảnh hưởng tới tốc độ tái đàn lợn vẫn là do dịch tả lợn Châu Phi hiện rất phức tạp, chưa có vaccine, chưa có thuốc đặc trị, trong khi chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ không áp dụng được triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nên đa phần người nông dân vẫn sợ dịch bệnh tái bùng phát.

Bên cạnh đó, một số địa phương đã qua 30 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi nhưng chậm công bố hết dịch. Đặc biệt, không ít địa phương chưa thực sự quyết tâm trong chỉ đạo, hướng dẫn tái đàn, tăng đàn vì e ngại tái phát dịch sẽ phát sinh hệ lụy.

Ngoài ra, có nhiều địa phương chậm thanh toán tiền hỗ trợ thiệt hại bởi dịch tả lợn Châu Phi cho người dân nên người chăn nuôi rất khó khăn duy trì sản xuất, cộng với thực trạng người chăn nuôi lợn đang rất khó khăn khi tiếp cận chính sách về đất đai, tín dụng nên nhiều hộ muốn tái đàn nhưng lực bất tòng tâm vì không có vốn.

Chia sẻ tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2020 mới đây, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long phải chua chát thừa nhận rằng: “Giờ đi các tỉnh xin đất đầu tư xây trại lợn còn khó hơn xin đất xây trại phong”.

Thực tế, do hiện chăn nuôi lợn là mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng, từ năm 2017 đến nay các doanh nghiệp chăn nuôi lợn đa phần đều thua lỗ nên cũng ít đơn vị có đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao nên nhiều tỉnh thành hiện nói không với các dự án chăn nuôi lợn.

Con giống khan hiếm và giá cao cũng là một rào cản khiến việc tái đàn chăn nuôi lợn gặp khó khăn. Ảnh: Thụy Phương.

Con giống khan hiếm và giá cao cũng là một rào cản khiến việc tái đàn chăn nuôi lợn gặp khó khăn. Ảnh: Thụy Phương.

Một nguyên nhân khác khiến việc tái đàn chăn nuôi lợn gặp khó khăn theo chia sẻ của Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng, đó là từ tháng 5 - 9/2019 là giai đoạn cao điểm của dịch bệnh tả lợn Châu Phi, các cơ sở chăn nuôi lợn không cho phối hoặc hạn chế phối giống, từ đó ảnh hưởng đến nguồn cung con giống ở giai đoạn đầu năm 2020.

Từ tháng 10/2019 các cơ sở chăn nuôi lớn mới cho phối giống và tăng đàn thịt, các cơ sở chăn nuôi nhỏ phải đến cuối năm 2019 đầu năm 2020 mới tái đàn. Vì vậy, theo Cục Chăn nuôi, phải cuối quý 3, đầu quý 4/2020 mới cơ bản đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Một nguyên nhân khác cũng đang là rào cản lớn đối với việc tái đàn lợn là do các doanh nghiệp chăn nuôi lớn hiện đều ưu tiên giữ lại con giống phục vụ nhu cầu tái đàn nội bộ trong hệ thống của doanh nghiệp và mạng lưới gia công, cho khách hàng sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vaccine nên khiến lợn giống trên thị trường khan hiếm, giá cao, hiện lên tới 2,5 - 3 triệu đồng/con lợn giống thương phẩm cai sữa khoảng 6,5 - 7kg.

Xem thêm
Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Vụ dưa hấu 'đắng'

Thời tiết bất lợi cùng giá xuống quá thấp khiến người trồng dưa hấu ở vùng biên giới huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) thua lỗ nặng, nhiều hộ bỏ ruộng, chẳng buồn thu hoạch.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.