Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) giai đoạn 2020-2025 với tổng kinh phí thực hiện 90,446 tỷ đồng.
Với kế hoạch trên, Vĩnh Long phấn đấu trên 90% số xã, phường, thị trấn không có bệnh DTLCP trong năm 2021, trên 95% số xã, phường, thị trấn không có bệnh DTLCP trong 2 năm tiếp theo... Trong quá trình thực hiện, phấn đấu có 100% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn, 90% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô vừa và 80% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ áp dụng các biện pháp chăn nuôi lợn an toàn sinh học.
Theo ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, toàn tỉnh hiện có 177 trang trại nuôi lợn và tổng đàn khoảng 232.000 con. Năm 2020, toàn tỉnh đã xử lý, khống chế 12 ổ DTLCP.
Hiện việc tái đàn lợn trong tỉnh còn diễn biến chậm do người nuôi lo ngại tái dịch, nguồn cung cấp giống hạn chế và giá lợn giống quá cao. Cụ thể trong năm 2020, chỉ có 453 cơ sở tái đàn với gần 26.000 con. Trong đó, trang trại nuôi lợn có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) có 14 lượt trang trại tái đàn với số lượng trên 14 nghìn con, 439 hộ chăn nuôi tái đàn với trên 11 nghìn con.
Trừ các trang trại FDI, những cơ sở lớn có điều kiện chăn nuôi tốt nên việc tái đàn thuận lợi, các cơ sở, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tái đàn rất khó khăn do không còn khả năng tái đầu tư sau thiệt hại do dịch. Cùng với đó, nguồn cung cấp con giống rất hạn chế, giá cao do số lượng lợn nái giảm mạnh sau dịch.
Bà Văn Thuý Nhi, hộ nuôi lợn ở ấp Kinh, xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) cho biết, gia đình đang nuôi 2 nái để bán lợn con. Bà Nhi cho hay, nhiều hộ nuôi lợn bị thiệt hại do dịch bệnh hiện đã không nuôi trở lại. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tái đàn cũng ái ngại vào đàn lợn thịt mới do chi phí đầu tư lớn, rủi ro cao. Hiện chi phí lợn giống rất cao, theo tính toán nếu giá lợn thịt không đạt 60.000 đồng/kg thì coi như lỗ...