Tái đàn lợn bền vững
Cuối tuần qua, đoàn công tác của Bộ NN- PTNT đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn lợn và làm việc với tỉnh Thái Nguyên về nội dung tái đàn lợn.
Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở NN- PTNT tỉnh Thái Nguyên cho biết, dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên từ ngày 05/03/2019, gây thiệt hại rất lớn, dịch bệnh bùng phát ở tất cả các xã, phải buộc tiêu hủy hơn 157 nghìn con lợn, với trọng lượng hơn 9.200 tấn lợn hơi.
Ngân sách tỉnh và Trung ương đã hỗ trợ xấp xỉ 330 tỷ đồng cho việc phòng, chống dịch, trong đó hỗ trợ cho nhân dân có lợn bị tiêu hủy gần 266 tỷ đồng và đã được thực hiện xong trước Tết Nguyên đán 2020.
Ngày 07/02/2020, tỉnh Thái Nguyên công bố hết dịch tả lợn châu Phi ở tất cả các xã. Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Nguyên cho biết, dịch bệnh được khống chế, kết quả tái đàn đến nay, tổng đàn lợn của Thái Nguyên đạt 580.000 con, trong đó có xấp xỉ 100.500 lợn nái và đực giống, về đầu lợn vẫn giảm gần 20% so với trước khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát.
Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT tỉnh Thái Nguyên cho biết, trên thực tế, với sản lượng sản xuất hiện tại thì ngành chăn nuôi lợn của Thái Nguyên hoàn toàn đảm bảo cung ứng đủ thịt lợn cho thị trường tại địa phương.
Thái Nguyên từng có thời điểm đạt tổng đàn lợn xấp xỉ 700.000 con. Con số kế hoạch tái đàn trong năm 2020 của Thái Nguyên là nâng tổng đàn lên 650.000 con, trong đó có 100.500 nái và đực giống. Việc tăng thêm gần 1/4 tổng đàn thực chất là để cung ứng cho thị trường ngoài tỉnh và một phần phục vụ xuất khẩu.
Ông Dùng đề xuất, chiến lược, lối mở tất yếu là lập kế hoạch, quy hoạch xây dựng vùng cơ sở an toàn dịch bệnh theo phương châm quản lý dịch bệnh tận gốc. Từ đó, tái đàn thận trọng và đảm bảo an toàn sinh học, tái đàn đến đâu chắc ăn đến đấy, hạn chế thấp nhất các ổ dịch tả Châu Phi tái bùng phát trở lợi đe dọa kết quả tái đàn.
Đánh giá về những con số trên, ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, việc khống chế tốt dịch bệnh là thành công rất lớn của Thái Nguyên. Theo đó, Thái Nguyên nằm trong nhóm các tỉnh khá trong việc tái đàn lợn và có thể đẩy lên nhóm cao hơn.
Với không gian chăn nuôi còn rộng mở, đất đai nhất là đất đồi núi nhiều, Thái Nguyên nên xác lập 2 kịch bản, theo xu thế tất yếu hiện nay phải phát triển chăn nuôi công nghiệp, chuyên nghiệp, quy mô lớn. Còn chăn nuôi nhỏ lẻ cần kiểm soát và quản lý theo hướng an toàn, bền vững, giảm dần quy mô, diện để phòng chống dịch bệnh và hạn chế ô nhiễm môi trường.
Đồng quan điểm với nhận định trên, bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y khuyến cáo việc tái đàn lợn cần cảnh giác đến những diễn biến bất thường của tình hình dịch bệnh dịp cuối năm. Đặc biệt, các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vẫn cần được kiểm soát theo thông tư 45 của Bộ NN- PTNT.
Đảm bảo chỉ tiêu
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp nước ta đối đầu với muôn vàn khó khăn. Đầu năm thì hàng trăm trận mưa đá đổ xuống gây thiệt hại mùa màng, hạn mặn ở Đồng bằng Sông Cửu Long chưa nguôi lại đến dịch tả lợn Châu Phi, rồi sâu keo mùa thu...
Tuy nhiên, toàn ngành quyết tâm thực hiện nghiêm các chỉ tiêu của Chính phủ giao với tốc độ tăng trưởng đạt từ 2,5 - 2,7%. Và cho đến hiện nay, nhất là trong bối cảnh cịch Covid- 19 thì nông nghiệp vẫn là ngành quan trọng, giá trị xuất khẩu ổn định, là trụ đỡ cho toàn bộ nền kinh tế.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phân tích, trong giai đoạn vừa qua, lĩnh vực chăn nuôi với tốc độ tăng trưởng đạt 6,28% đã đóng góp tỷ trọng tới 1,5% tốc độ tăng trưởng toàn ngành NN- PTNT. Tuy nhiên, việc giá thịt lợn tăng cao trong thời gian qua đã tác động trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng. Đầu năm 2020, chỉ số trên ở mức 6,25%, đến tháng 6, tháng 7 vừa qua khi giá thịt lợn giảm xuống thì chỉ số CPI cũng về mức hơn 4%.
Đánh giá thực tiễn cũng như ở góc độ khoa học, Bộ NN - PTNT đã chỉ đạo các doanh nghiệp, người chăn nuôi và các địa phương thực hiện có hiệu quả, đồng bộ các giải pháp từ tái đàn, tăng đàn, nhập thịt đến nhập lợn sống từ Thái Lan, nhờ đó giá thịt lợn đã hạ nhiệt, những ngày vừa qua liên tục giảm về xung quanh 80.000 đồng/kg lợn hơi.
Tuy nhiên, giải pháp căn cơ, bền vững nhất vẫn phải là tái đàn ổn định, bền vững, có kiểm soát như chúng ta đã và đang làm. Vì chỉ tạo ra nguồn cung thịt lợn tại chỗ mới có thể cân đối cung cầu thịt lợn, không thể trông chờ vào nhập khẩu khi mà dịch tả lượn Châu Phi đã càn quét và gây thiệt hại quá lớn cho đàn lợn ở khắp các nước trên thế giới.
Trong chương trình làm việc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đã đi kiểm tra Trại giống lợn Tân Thái (xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ).
Báo cáo của lãnh đạo trại giống, cho đến nay, công tác nhân giống lợn bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo tại trại giống lợn Tân Thái đã được phát triển rộng khắp ra các xã trên địa bàn toàn tỉnh Thái Nguyên. Đặc biệt, do ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới trong thụ tinh nhân tạo lợn đã có tiến bộ vượt bậc.
Từ sản xuất tinh lợn chỉ sử dụng được trong 1 ngày đến nay tinh lợn của trại sản xuất ra có thời gian sử dụng 7 - 8 ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai rộng công tác thụ tinh nhân tạo nói riêng, nhân đàn nói chung cho các địa phương, đặc biệt là những địa bàn vùng cao. Bởi trong việc tái đàn lợn, khâu giống hiện nay là vấn đề nan giải nhất khi hầu hết các nơi đều thiếu giống lợn.
Có thể nói, Trại giống lợn Tân Thái là đơn vị đầu mối đảm bảo cung ứng, hỗ trợ giống lợn chất lượng cho người chăn nuôi trên địa bàn không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về tính ưu việt của xã hội mà còn tạo được môi trường chăn nuôi an toàn.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận xét, đây là đơn vị góp phần quan trọng vào ổn định công tác giống, hơn nữa trại sẽ góp phần hỗ trợ tái đàn, cung ứng giống chất lượng, tạo nền tảng tốt cho người chăn nuôi trên địa bàn. Thứ trưởng đề nghị địa phương lưu ý hỗ trợ cho đơn vị khi phải thực hiện đồng bộ quy hoạch.
Làm việc với lãnh đạo địa phương, Thứ trưởng cho rằng, Thái Nguyên là địa phương mà việc sản xuất nông nghiệp không giống miền núi, cũng không như các tỉnh đồng bằng. Thái Nguyên còn dư địa rất lớn, rất thuận lợi và phù hợp để phát triển chăn nuôi, phát triển nông nghiệp, đưa nông nghiệp Thái Nguyên xứng tầm với vị trí là địa phương tiên phong của các tỉnh miền núi phía Bắc.
Kết luận các nội dung làm việc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhắc lại, hiện nay nông nghiệp, nông dân và nông thôn vẫn là trụ cột, là chân đế của nền kinh tế đất nước. Hiện tại, chúng ta vẫn có tới trên 70% dân số hoạt động trong lĩnh vực này.
Thái Nguyên là tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong thời gian qua, đặc biệt là phát triển công nghiệp, dịch vụ. Tuy vậy, trong nhiệm kỳ này tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành nông nghiệp vẫn đạt 4,5%. Đặc biệt ấn tượng với con số trên, Thứ trưởng gợi ý, Thái Nguyên không thể bằng lòng với việc bình ổn sản lượng thịt lợn trên địa bàn và phục vụ một phần cho các địa phương khác cũng như xuất khẩu.
Như đã nói, với dư địa còn lớn thì nhất thiết, tỉnh cần đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn theo hướng chăn nuôi an toàn, phát triển chăn nuôi hàng hóa quy mô lớn, không ngừng nâng tầm chất lượng cũng như giá trị của sản phẩm thịt lợn nói riêng, ngành chăn nuôi nói chung. Ở điểm này, Thứ trưởng khẳng định sẽ giới thiệu cho Thái Nguyên những mô hình, doanh nghiệp có đủ tiềm lực để đầu tư vào ngành chăn nuôi của tỉnh trong thời gian tới.