Chỉ số PCI và thu ngân sách có mâu thuẫn gì không?
Ngày 14/4, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức họp báo Quý I/2023. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, ba tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 6,21%; trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,22%; công nghiệp - xây dựng tăng 5,66%; dịch vụ tăng 10,91%; thuế sản phẩm giảm 4,08%.
Tổng thu ngân sách nhà nước quý 1/2023 của tỉnh Thanh Hóa ước đạt hơn 10.000 tỷ đồng.
Tại buổi họp báo, nhiều vấn đề "nóng" được đại diện các cơ quan báo chí đặt ra như: Tại sao thu ngân sách của tỉnh Thanh Hóa cao, trong khi chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) lại thấp? Vấn đề nợ đọng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa...
Trả lời nội dung xung quanh chỉ số PCI của tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Hải Đức, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa cho biết, đây là câu hỏi lớn và khó vì liên quan tới hoạt động của nhiều sở, ngành, địa phương.
Chỉ số PCI của Thanh Hóa năm 2022 khá khiêm tốn. Trong 10 chỉ số, có những chỉ số rất quan trọng như: Chỉ số tiếp cận đất đai, chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin, chỉ số chi phí gia nhập thị trường.
Các chỉ số này liên quan tới các chỉ số khác và liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Hiện nay, hệ thống dữ liệu của tỉnh còn thiếu đồng bộ, chưa bài bản (dữ liệu tài nguyên, quy hoạch, xây dựng). Do vậy, việc người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin từ hệ thống chung liên quan tới các lĩnh vực trên còn nhiều hạn chế.
Ông Đức cho biết thêm: "Hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan, hoàn thiện hạ tầng, đồng bộ hóa dữ liệu trên tất cả các lĩnh vực, để phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, đồng thời tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận thông tin dễ dàng hơn.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp, báo cáo, kiến nghị lãnh đạo tỉnh, giao trách nhiệm cho các ngành, địa phương trong việc thực hiện các giải pháp để cải thiện các chỉ số PCI”, ông Nguyễn Hải Đức, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa cho biết.
Theo Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 do Liên đoàn thương mại Việt Nam công bố ngày 11/4/2023, Thanh Hóa đã tụt xuống vị trị thứ 47 trên bảng xếp hạng 63 tỉnh thành.
Chậm đóng bảo hiểm xã hội sao chưa khởi tố?
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa, những năm đầu thập niên thứ hai của thế kỷ này, tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong các đơn vị hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp ở Thanh Hóa có xu hướng gia tăng.
Đến cuối năm 2022, trong tỉnh Thanh Hóa có 17 đơn vị hành chính sự nghiệp chậm đóng hơn 4,6 tỷ đồng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 2 tháng trở lên; 2.252 đơn vị khối doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động chậm đóng chậm đóng hơn 314 tỷ đồng, trong đó có 290 doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 24 tháng trở lên, nợ đọng gần 172 tỷ đồng.
Tại buổi họp báo, một số ý kiến đề nghị làm rõ vấn đề: Vì sao chưa khởi tố các vụ việc chậm đóng bảo hiểm xã hội?
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tám, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, việc xử lý trách nhiệm hình sự (nếu có) đối với các hành vi vi phạm đã không thuộc thẩm quyền của ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh: "Các thủ tục điều tra, xem xét mức độ vi phạm là trách nhiệm của ngành công an".
Nói thêm về vấn đề này, ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Trên địa bàn toàn quốc chưa khởi tố được vụ việc nào liên quan tới chậm đóng hiểm xã hội do gặp khó về khung pháp lý khi áp dụng. Hiện nay, các cơ quan có liên quan đang soạn thảo, trình sửa đổi luật Bảo hiểm xã hội, tạo tính đồng bộ với các quy định trong Bộ Luật hình sự để có căn cứ xem xét, xử lý hình sự đối với các hành vi có liên quan".