| Hotline: 0983.970.780

Kiểm lâm Nghi Sơn nhận lỗi trước dân

Thứ Ba 11/04/2023 , 17:28 (GMT+7)

Cán bộ Kiểm lâm thị xã Nghi Sơn thừa nhận trách nhiệm và xin lỗi người dân liên quan tới vụ đốt thực bì gây cháy cả cánh rừng.

Hơn 36 cây gỗ thông bị chặt

Sáng 11/4, hơn 100 người dân có mặt tại nhà văn hóa thôn Phượng Áng (xã Thanh Sơn, Nghi Sơn, Thanh Hóa) tham gia cuộc đối thoại với cơ quan chức năng xung quanh vụ đốt thực bì gây cháy rừng trên diện rộng.

Trước đó, Hạt Kiểm lâm thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) đã ban hành phương án làm giảm vật liệu cháy thuộc các lô từ lô 2 đến lô 13, khoảnh 3, tiểu khu 658, diện tích 35 ha, được quy hoạch rừng sản xuất. Tuy nhiên, quá trình thực hiện phương án gặp phải sự phản đối của người dân. Trước những thông tin liên quan, Chi Cục kiểm lâm Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực kiểm tra, rà soát và báo cáo vụ việc theo phản ánh của Báo NNVN.

Nhiều cây thông có đường kính lớn bị chặt hạ. Ảnh: Quốc Toản.

Nhiều cây thông có đường kính lớn bị chặt hạ. Ảnh: Quốc Toản.

Theo Hạt Kiểm lâm thị xã Nghi Sơn, việc làm giảm vật liệu cháy có kiểm soát là việc làm cần thiết, góp phần phòng, chống cháy rừng. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện không đúng quy định.

"Tại lô 12, 13, khoảnh 3, tiểu khu 658, việc phát dọn, chặt tỉa cây thông tái sinh để lại mật độ không đảm bảo theo quy định. Quá trình chặt cây rất phản cảm. Việc đốt không được kiểm soát và không thông báo tới các hộ dân, gây ảnh hưởng đến cây của người dân đã trồng trên đất của Ban Quản lý rừng phòng hộ, gây bức xúc cho các hộ", ông Nguyễn Trần Phương, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm thị xã Nghi Sơn cho biết.

Cũng theo Hạt Kiểm lâm thị xã Nghi Sơn, quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện, có 36 cây thông có đường kính 15cm bị chặt hạ và nhiều cây gỗ lớn khác chưa được kiểm đếm cụ thể. Diện tích đã thực hiện việc đốt thực bì gây thiệt hại là 5,5ha.

Trước thực tế trên, Hạt Kiểm lâm thị xã Nghi Sơn đã chỉ đạo dừng việc thực hiện phương án, khắc phục các tồn tại hạn chế trong quá trình thực hiện. Hiện nay đơn vị đang tiếp tục kiểm tra, làm rõ số cây bị thiệt hại do không thực hiện đúng phương án, để xử lý vi phạm theo quy định.

Toàn cảnh buổi đối thoại. Ảnh: Quốc Toản.

Toàn cảnh buổi đối thoại. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Nguyễn Trần Phương, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm thị xã Nghi Sơn cho biết, trách nhiệm để xảy ra những vi phạm nêu trên thuộc về chủ rừng (Ban Quản lý rừng phòng hộ Nghi Sơn).

"Ban Quản lý rừng phòng hộ Nghi Sơn đã chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện phương án không đúng quy định, để xảy ra tình trạng chặt hạ cây tái sinh không đúng mật độ, không theo phương án; cố tình chặt hạ những cây thông tái sinh có đường kính lớn, tổ chức đốt, dọn không đúng quy định gây cháy lan ảnh hưởng đến cây trồng của người dân. 

Hạt Kiểm lâm đã không sâu sát, không phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi chặt phá rừng không đúng quy định. Chúng tôi nhận lỗi với nhân dân thôn Phượng Áng, đồng thời đơn vị sẽ có trách nhiệm kiểm tra, làm rõ để xử lý cán bộ được phân công không hoàn thành nhiệm vụ...", ông Phương cho biết. 

Ông Nguyễn Trần Phương cũng cho rằng, nguyên nhân xảy ra tình trạng trên là do cơ quan có trách nhiệm chưa làm tốt công tác tuyên truyền trong việc thực hiện phương án làm giảm vật liệu cháy.

Hiện nay, Hạt Kiểm lâm cũng chỉ đạo dừng thực hiện phương án trên và khắc phục các tồn tại hạn chế trong quá trình thực hiện.

Làm rõ đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm

Tại cuộc đối thoại, nhiều hộ dân đề nghị làm rõ tính pháp lý của khu rừng thông tại núi Áng là rừng phòng hộ hay rừng sản xuất? Công khai đối tượng đốt, phá rừng để xử lý theo quy định pháp luật; làm rõ phương án đền bù đối với số cây trồng của người dân bị thiệt hại; đề nghị giao khoán diện tích rừng cho người dân chăm sóc và bảo vệ.

Trả lời về tính pháp lý của khu rừng, ông Nguyễn Trần Phương khẳng định đây là khu rừng sản xuất đã được chuyển đổi từ rừng đặc dụng. Tuy nhiên, trong phương án làm giảm vật liệu cháy có ghi khu vực này thuộc rừng phòng hộ là do... lỗi đánh máy.

Hạt Kiểm lâm thị xã Nghi Sơn sẽ có văn bản trả lời cụ thể người dân về vấn đề này. 

Ông Nguyễn Trần Phương, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm thị xã Nghi Sơn trả lời các câu hỏi của người dân tại buổi đối thoại. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Nguyễn Trần Phương, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm thị xã Nghi Sơn trả lời các câu hỏi của người dân tại buổi đối thoại. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Phương cũng cho hay, Hạt Kiểm lâm thị xã Nghi Sơn đang phối hợp với lực lượng chức năng làm rõ các đối tượng chặt cây và xử lý theo đúng quy định, đồng thời sẽ thông báo rộng rãi cho người dân được biết và tham gia giám sát.

Trước đề nghị giao khoán đất rừng cho người dân để bảo vệ, chăm sóc, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm thị xã Nghi Sơn cho biết: "Nếu các hộ dân có nhu cầu nhận khoán thì phải làm văn bản đề nghị để có cơ sở xem xét. Bên cạnh đó, Hạt kiểm lâm sẽ rà soát, xem xét trách nhiệm của các hộ dân nhận khoán nếu vi phạm trong việc quản lý, bảo vệ rừng. Trong trường hợp này sẽ xem xét cắt hợp đồng nhận khoán để giao cho các hộ dân khác".

Cũng tại buổi đối thoại, người dân đề nghị Hạt Kiểm lâm cho biết về giải pháp đối với 9.200 cây keo mà người dân đã trồng trên diện tích 1,5ha trên đất rừng sản xuất (trồng khi chưa có phương án trồng thay thế - PV). Về việc này, ông Nguyễn Trần Phương cho biết, Hạt Kiểm lâm sẽ báo cáo Chi Cục kiểm lâm, lãnh đạo Sở NN-PTNT xin ý kiến chỉ đạo trước khi xử lý. 

Đối với cây trồng của người dân bị thiệt hại do hành vi đốt, chặt rừng làm giảm vật liệu cháy, ông Phan Xuân Phong, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nghi Sơn cho biết, đơn vị sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, người dân tổ chức kiểm đếm, thỏa thuận đền bù thiệt hại. 

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất