Một phát ngôn viên của IMF cho biết trong một tuyên bố: "Theo thông lệ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế hành xử theo quan điểm của cộng đồng quốc tế. Và cho đến thời điểm hiện tại, cộng đồng quốc tế vẫn chưa có sự minh bạch xung quanh việc công nhận chính phủ mới ở Afghanistan. Do đó quốc gia này sẽ không thể tiếp cận các quyền rút vốn đặc biệt (SDR) cũng như các nguồn lực khác của IMF".
Động thái này của IMF được đưa ra sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố đã đóng băng các khoản dự trữ của chính phủ Afghanistan đang được gửi trong các ngân hàng Mỹ, nhằm ngăn Taliban tiếp cận hàng tỷ USD.
"Bất kỳ tài sản nào của Ngân hàng Trung ương mà chính phủ Afghanistan có ở Hoa Kỳ sẽ không được cung cấp cho Taliban", một quan chức chính quyền nói với tờ Bưu điện Washington.
Hiện tại vẫn chưa rõ liệu Taliban có được cộng đồng quốc tế công nhận hay không, mặc dù trước đó Bắc Kinh cho biết “sẵn sàng thiết lập mối quan hệ chính thức” với tổ chức này. Trung Quốc cũng là một trong số ít quốc gia không sơ tán đại sứ quán trong những ngày xảy ra giao chiến, trước khi chính phủ Afghanistan sụp đổ.
Ngay sau khi lực lượng Taliban tiến vào thủ đô Kabul hôm Chủ nhật (15/8), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã được người dẫn chương trình truyền hình CNN Jake Tapper hỏi về khả năng liệu Mỹ có công nhận Taliban là một chính phủ hợp pháp hay không.
Ông Blinken nói: “Một chính phủ Afghanistan trong tương lai nhất định phải duy trì các quyền cơ bản của người dân và không chứa chấp những kẻ khủng bố và đó là chính phủ mà chúng tôi có thể cùng làm việc và công nhận”.
"Ngược lại, một chính phủ phớt lờ những điều đó, không đề cao các quyền cơ bản của người dân, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em gái, chứa chấp dung nạp các nhóm tội phạm khủng bố là đi ngược lại quan điểm với Hoa Kỳ, các đồng minh và đối tác của chúng tôi, chắc chắn điều đó không sẽ xảy ra", Ngoại trưởng Mỹ nói thêm.
Trong diễn biến liên quan, chuyên gia Mỹ vừa lên tiếng cảnh báo về khả năng Afghanistan sẽ trở thành nơi trú ẩn an toàn cho các mạng lưới khủng bố quốc tế vào thời điểm này đã trở nên "cực kỳ cao".
Giáo sư William Braniff của Đại học Maryland, một chuyên gia về các mạng lưới khủng bố trên toàn cầu, bày tỏ quan điểm này trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Ba.
Ông Braniff cho biết, các mạng lưới khủng bố trên khắp thế giới đang coi sự thất thủ của Afghanistan là "một chiến thắng vang dội đối với các tổ chức Hồi giáo cực đoan và là một tổn thất lớn đối với phương Tây".
Khi được hỏi “Vì sao ông tin rằng Afghanistan sẽ lại trở thành điểm nóng của khủng bố?”. Giáo sư Braniff lưu ý rằng, ngay cả khi có số lượng lớn binh lính Mỹ có mặt ở Afghanistan cũng không thể quét sạch sự hiện diện của khủng bố quốc tế ở quốc gia này.
Ông Braniff cho biết, hành lang dọc theo biên giới Afghanistan-Pakistan chính là nơi trú ẩn an toàn cho các mạng lưới khủng bố như Al-Qaeda. Vị chuyên gia này đồng thời cảnh báo, Taliban có thể sẽ "rất thận trọng" để tiến hành những "sự cố quốc tế ngoạn mục", được thực hiện từ bên trong biên giới Afghanistan.
Taliban đã từng chiếm đóng Afghanistan và áp đặt những giáo lý hà khắc theo luật Hồi giáo trong suốt bốn năm (từ 1996 đến 2001), trước khi bị lật đổ trong cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu.
Lực lượng này, với phần lớn các thành viên đến từ vùng nông thôn bảo thủ và lạc hậu của Afghanistan, mặc dù những ngày gần đây đã thể hiện dấu hiệu ôn hòa khi công bố ân xá cho những người chống đối, mời phụ nữ trở lại làm việc và cam kết khôi phục cuộc sống bình thường. Tuy nhiên nhiều người dân Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ vẫn hoài nghi sâu sắc về mục đích của Taliban và lo sợ những kẻ cướp bóc giả dạng thành viên của tổ chức này hơn là chính các chiến binh.