| Hotline: 0983.970.780

Tam Đảo đa dạng tiềm năng

Thứ Tư 31/07/2019 , 13:20 (GMT+7)

Từ năm 2011, sau 8 năm thực hiện chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đã đạt được những kết quả nổi trội.

Hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện có chuyển biến tích cực. Bộ mặt nông thôn trở nên khang trang hơn. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nâng cao rõ rệt…
 

Nơi điển hình hội tụ văn hóa – xã hội

Tam Đảo có một quá trình nhập - tách rất phức tạp. Huyện Tam Đảo vốn hợp nhất từ huyện Tam Dương, Lập Thạch và thị trấn Tam Đảo. 2 xã Định Trung và Khai Quang của huyện Tam Dương được sáp nhập vào thị xã Vĩnh Yên. Tháng 11/1996, Vĩnh Phúc tái lập từ tỉnh Vĩnh Phú, thì Tam Đảo thuộc về Vĩnh Phúc.

Đường vào trung tâm huyện.

Ngày 9/12/2003, thành lập huyện Tam Đảo trên cơ sở tách 3 xã Yên Dương, Đạo Trù, Bồ Lý (của huyện Lập Thạch), 4 xã Đại Đình, Tam Quan, Hồ Sơn, Hợp Châu (của huyện Tam Dương), xã Minh Trung (của huyện Bình Xuyên) và thị trấn Tam Đảo (của thị xã Vĩnh Yên, nay là TP Vĩnh Yên).

Huyện Tam Đảo hiện nay có một phần Vườn Quốc gia Tam Đảo. Tam Đảo có truyền thống văn hóa phát triển lâu đời, với tổng số 119 di tích lịch sử văn hóa, gồm 39 ngôi chùa, 29 đền, 35 đình, 2 thiền viện, 5 di tích lịch sử và 1 lăng mộ, trong đó có 1 di tích được xếp hạng di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Đó là khu danh thắng nổi tiếng Tây Thiên. Nhiều di tích mang dấu ấn văn hóa và tôn giáo gắn liền với lịch sử dân tộc.

Hiện nay huyện đang triển khai bảo tồn và phát triển một số văn hóa phi vật thể độc đáo, mang bản sắc văn hóa đặc trưng vùng Tam Đảo, như lễ hội truyền thống dân tộc Việt, như hát Soogco của đồng bào Sán Dìu và nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn, thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài tỉnh.
 

Đa dạng về tiềm năng

Tam Đảo rất đa dạng và phong phú về tiềm năng. Một sự nổi trội là được thiên nhiên ưu đãi về thời tiết khí hậu. Đó là ở Vườn Quốc gia Tam Đảo có khí hậu mát mẻ, dễ chịu quanh năm, được ví như “Đà Lạt của các tỉnh phía Bắc”. Nơi nghỉ mát lý tưởng vào những ngày hè oi ả. Là điểm tham quan du lịch hàng đầu.

Tam Đảo cũng là nơi có điều kiện thổ nhưỡng được thiên nhiên ưu đãi. Khí hậu mát mẻ cộng với đất đai màu mỡ, đã tạo ra những sản phẩm độc đáo. Cây su su trồng ở dưới xuôi cũng chỉ cho quả, lá bình thường. Khi đưa lên trồng ở Tam Đảo, tạo ra loại rau khác thường, mỡ màng, trở thành món rau ăn rất hấp dẫn, được các siêu thị cả nước đón nhận. Thậm chí còn là thứ rau đặc sản xuất khẩu ra nước ngoài.

Do khí hậu như vùng “ôn đới”, nên Tam Đảo còn cung cấp nhiều sản phẩm độc đáo khác như măng rừng, mộc nhĩ, nấm hương…

QL 2B nối thị trấn Tam Đảo với TP Vĩnh Yên, chạy dọc theo hướng Bắc – Nam, nên Tam Đảo trở thành đầu mối thông thương với các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh miền Trung. Tam Đảo chính là huyện nối liền các vùng kinh tế lớn, thông thương thị trường nông lâm sản và du lịch của cả nước. Tiềm năng này nếu được khai thác triệt để, sẽ là lợi thế lớn cho Vĩnh Phúc.
 

Trồng trọt, chăn nuôi phát triển

Hiện nay trên địa bàn huyện hình thành một số vùng SX nông nghiệp hàng hóa tập trung với quy mô lớn, đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt. Ví dụ như UBND tỉnh vừa phê duyệt quy hoạch vùng rau an toàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, trong đó huyện Tam Đảo được phê duyệt 8 xã, thị trấn, với tổng diện tích 182 ha (gồm 159 ha tập trung và 31 ha phân tán, diện tích chuyên canh là 60 ha, diện tích luân canh là 122 ha).

Phát triển vùng cây ăn quả.

Huyện đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh thực hiện mô hình SX rau an toàn tại xã Hồ Sơn với diện tích 40 ha và thị trấn Tam Đảo với diện tích 35 ha. Các cán bộ nghiệp vụ của tỉnh chỉ đạo, tập huấn, hướng dẫn nhân dân áp dụng quy trình SX rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Tiếp tục áp dụng KHKT vào SX, cơ giới hóa trước, trong và sau thu hoạch.

Các khâu SX, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản được cơ giới hóa đồng bộ. Đến nay 100% các xã trên địa bàn huyện đã áp dụng cơ giới hóa vào SX nông nghiệp. Trong trồng trọt sử dụng máy cày, máy bừa, máy gặt đập liên hợp, máy gieo sạ, máy làm đất, lên luống…Trong chăn nuôi sử dụng máy thái cỏ, máy vắt sữa, máy nghiền bột thức ăn, hệ thống thông gió…Trong thủy sản sử dụng máy tạo ôxy, máy sục khí…

Đến nay toàn huyện đã có trên 70% diện tích làm đất bằng máy, 90% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí lao động cho nông dân.

Trên địa bàn huyện có nhiều cá nhân, hộ gia đình, tổ chức đã ký hợp đồng liên kết SX gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể: Mô hình liên kết SX của HTX chăn nuôi Tam Đảo xã Yên Dương, ký hợp đồng với Công ty TNHH NiponZuki Việt Nam, có trụ sở ở huyện Nho Quan (Ninh Bình)…

Định hướng trong thời gian tới, huyện tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn huyện từ khâu SX, bao tiêu sản phẩm, mục tiêu đến năm 2020 các doanh nghiệp, HTX sẽ liên kết trên địa bàn với 151 ha, gồm rau su su, rau củ quả các loại, ớt… tại thị trấn Tam Đảo và các xã Hồ Sơn, Hợp Châu, Tam Quan, Đạo Trù, Yên Dương, Minh Quang…

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.