| Hotline: 0983.970.780

Tấm gương sáng giữa núi rừng Trà My

Chủ Nhật 21/08/2022 , 08:03 (GMT+7)

Với người đồng bào dân tộc ở Trà Giang, ông Sinh không chỉ là điển hình trong làm ăn kinh tế mà còn là người già làng uy tín, được người người nể trọng.

Một thủa cơ hàn

Bắc Trà My là một trong những huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam với đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm trước, cuộc sống cả bà con nơi đây còn vô vàn khó khăn khi kinh tế chỉ phụ thuộc vào nương rẫy, diện tích đất sản xuất nông nghiệp rất ít.

Empty

Mỗi năm, gia đình ông sinh có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ mô hình kinh tế rừng. Ảnh: Lê.Khánh.

Thế nhưng, vượt lên trên những trở ngại đó, một số hộ gia đình đã biết tận dụng lợi thế của địa phương để mạnh dạn đầu tư, từng bước vươn lên làm giàu; trở thành điển hình phát triển kinh tế không chỉ ở trong xã mà của tỉnh Quảng Nam. Một trong số đó là hộ ông Hồ Trường Sinh (70 tuổi, người đồng bào dân tộc Cor).

Căn nhà của ông Sinh nằm ở thôn 1 xã Trà Giang (huyện Bắc Trà My), đây là thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã. Trong căn nhà kiên cố, rộng rãi của ông có đầy đủ nội thất và các tiện nghi hiện đại. Tất cả là thành quả mà 2 vợ chồng ông đã gầy dựng được suốt nhiều năm qua bằng sự cần cù, chịu khó và những tháng ngày lao động không ngừng nghỉ.

Minh chứng rõ ràng nhất là hàng loạt những tấm giấy khen, bằng khen của các cấp từ xã, huyện, tỉnh cho đến các Bộ, ngành Trung ương và Chính phủ mà ông Sinh đã vinh dự được trao tặng. Vậy nhưng, ít ai biết rằng, để có được như ngày hôm nay, gia đình ông đã phải trải qua những ngày tháng vô cùng cơ cực.

Ông Sinh kể, cách đây khoảng 20 năm trở về trước, ông cũng như bà con đồng bào nơi đây nằm trong diện hộ nghèo, luôn luôn phải sống trong cảnh chạy ăn từng bữa. Đất đồi tuy rộng lớn nhưng bạc màu, nhiều sỏi đá, rất khó cải tạo nên mỗi năm chỉ làm được 1 vụ lúa rẫy. Năng suất lúa thấp nên nhà nào nhà nấy đều không đủ ăn.

“Lúc đó xong một vụ lúa rẫy thì thôi chứ chúng tôi cũng không biết trồng thêm cây gì. Nên để có thể lo cái ăn, cái mặc cho 2 vợ chồng và 6 đứa con trong nhà, những lúc rảnh rỗi, chúng tôi phải lên rừng chặt mây, hái măng rừng, bắt ốc về bán để kiếm thêm thu nhập, trang trải chi phí sinh hoạt. Biết là khổ nhưng không thể nghĩ ra cách nào để thoát khỏi cảnh nghèo đói”, ông Sinh nhớ lại.

Đến năm 2000, hy vọng thắp lên khi một công ty chuyên về chế biến hoa quả về địa phương đặt vấn đề với bà con về việc trồng cây dứa. Sản phẩm sau thu hoạch công ty này sẽ thu mua toàn bộ. Cố gắng nắm bắt thời cơ, vợ chồng ông Sinh cũng vay mượn tiền khắp nơi để mua giống về trồng.

“Thế mà đến khi thu hoạch thì công ty đó lại tuyên bố phá sản, thất hứa với bà con. Nhiều lần chúng tôi cũng làm đơn kiện để đòi quyền lợi nhưng đều không có kết quả gì. Vậy là bao nhiêu tiền, công sức bỏ ra đều mất sạch. Suốt một thời gian dài, vợ chồng tôi luôn canh cánh nỗi lo không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ. Cuộc sống đã khổ nay còn túng bấn hơn”, bà Lê Thị Hồng (vợ ông Sinh) kể.

Empty

Ông Sinh đã vinh dự nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp ngành từ địa phương đến Trung ương. Ảnh: Đình Thung.

Tất cả những khó khăn, thất bại suốt một thời gian dài đó không hề làm cho ông Sinh nhụt chí. Thay vào đó, nó càng khơi dậy quyết tâm vượt lên nghịch cảnh của người đàn ông từng trải này. Thấy đất đai rộng lớn, đồi núi bạt ngàn nhưng bà con không thể tận dụng được triệt để, ông đã băn khoăn, suy nghĩ rất nhiều. Đó là phải làm sao để phát huy hiệu quả, làm giàu trên chính quê hương mình.

Đến năm 2002, ý tưởng phát triển kinh tế rừng bắt đầu lóe lên trong đầu ông. Và rồi, ông Sinh đã mạnh dạn đầu tư cây keo giống, thuê nhân công trồng gần 5ha ở ngọn đồi cách nhà không xa. Rừng keo sau đó dần dần bén rễ và phát triển tốt, phủ xanh những khoảng đất trống vốn dĩ cằn cỗi, bạc màu trước đây. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày ngang khi 5 năm sau, keo đến thời kỳ thu hoạch nhưng không có cơ sở nào thu mua. Gia đình ông Sinh không khỏi lo lắng khi những khoản chi phí đã bỏ ra đến khi nào mới có thể lấy lại được. Phải đến 2 năm sau, khi nhiều nhà máy chế biến dăm keo đi vào hoạt động, gia đình ông mới chặt bán rừng keo với giá 80 triệu đồng.

Vươn lên từ gian khó

Khi đầu ra đã bắt đầu ổn định thì cũng là lúc cơ hội được mở ra. Cùng thời điểm đó, Ngân hàng Thế giới có dự án hỗ trợ vốn vay với lãi suất thấp, vợ chồng ông Sinh đã không chút đắn đo, làm hồ sơ, thủ tục mượn số tiền hơn 200 triệu đồng. Gia đình ông cũng mua lại một số nương rẫy của người trong thôn, mở rộng diện tích sản xuất lên đến hàng chục ha.

Empty

Ông Sinh tự hào khi nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: L.K.

Bằng kinh nghiệm tích lũy được và sự cần cù, ngày đêm bám rẫy, bám rừng, diện tích keo của ông sinh trưởng rất nhanh cho sản lượng lớn gỗ thu hoạch. Sau khi trừ chi phí và trả nợ ngân hàng, ông Sinh tiếp tục trồng gối vụ và khai hoang mở rộng diện tích trồng keo. Ngoài ra, ông còn trồng xen canh các loại cây ngắn ngày như sắn, dứa, kết hợp chăn nuôi gà, lợn rừng, bò để thực hiện phương châm làm kinh tế lấy ngắn nuôi dài.

Hiện nay, trung bình mỗi năm gia đình ông Sinh đều có khoảng trên 5ha keo cho thu hoạch. Với giá keo nguyên liệu đang ở mức cao, sau khi trừ chi phí, mô hình kinh tế rừng mang lại cho gia đình ông Sinh thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm.

Chưa dừng lại ở đó, những năm gần đây, ông còn chuyển hướng sang kinh doanh dịch vụ khi đầu tư 1 chiếc xe ô tô tải triệu đồng để chở thuê keo khai thác về các nhà máy; 1 chiếc xe múc nhận thuê mở đường khai thác keo; 2 xe ô tô con làm dịch vụ du lịch, đám cưới, kết hợp với làm cỗ, nấu ăn phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn. Những dịch vụ này hàng năm cũng thăng thêm nguồn thu cho gia đình ông sinh khoảng 300 triệu đồng.

Empty

 Nhờ phát triển kinh tế rừng, ông Sinh xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm xe ô tô. Ảnh: Đ.T.

Ngoài tập trung phát triển kinh tế gia đình, ông Sinh còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức lương cao và ổn định. “Hiện nay, tôi đang có 2 đội khai thác keo với mỗi đội từ 15 – 20 người, tất cả đều là người dân tộc thiểu số. Hầu như thời gian nào cũng có việc làm. Tùy thời điểm và khu vực làm việc sẽ có tiền công khác nhau. Nhưng nhìn chung, những người trong đội khai thác có tiền lương ít nhất mỗi tháng cũng khoảng 6 triệu đồng”, ông Sinh nói.

Làm ăn giỏi, tạo điều kiện giúp đỡ cho người dân địa phương, vợ chồng ông Sinh còn rất được rất được dân làng nể trọng với những việc làm ý nghĩa, nhân văn. Đến nay, ông đã nhận nuôi dưỡng, chăm sóc cho 4 người trong đó có 1 người già neo đơn, không nơi nương tựa và 3 trẻ em mồ côi. Từ sinh hoạt, ăn uống, chi phí học hành cho những mảnh đời bất hành này đều được vợ chồng ông lo lắng chu toàn.

Ông Nguyễn Văn Công, Chủ tịch Hội nông dân xã Trà Giang: “Trước đây, bà con nơi đây vẫn chưa dám mạnh dạn đầu tư để phát triển cây keo. Tuy nhiên, sau khi ông Sinh phát triển mô hình mang lại hiệu quả thì đã trở thành điển hình để các hộ dân khác học tập và làm theo.Ngoài ra, ông Sinh cong là người già làng uy tín, có tiếng nói trong cộng đồng người đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương. Nhiều năm qua, ông đã có đóng góp rất lớn trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước đến với người dân để họ tiếp thu và thực hiện. Lãnh đạo địa phương đánh giá rất cao vai trò của ông Sinh trong việc phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương”.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.