| Hotline: 0983.970.780

40 năm thành lập Phân viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp:

Tầm nhìn cho nông nghiệp, nông thôn

Thứ Sáu 22/03/2019 , 09:25 (GMT+7)

Là một trong những đơn vị đi đầu trong đổi mới tổ chức cũng như công tác quản lý, Phân viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp (trực thuộc Viện QH&TKNN) trong suốt 40 năm qua đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của Bộ NN-PTNT giao...

Đồng thời, phân viện cũng phối hợp chặt chẽ với các địa phương đóng góp tích cực vào sự phát triển sản xuất nông nghiệp cũng như xây dựng nông thôn…
 

Vượt khó, gắn bó đồng ruộng

Được thành lập vào ngày 23/3/1979, Phân viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp ra đời trên cơ sở sáp nhập 4 Đoàn điều tra, khảo sát, quy hoạch nông nghiệp, gồm Đoàn Tây Nguyên, Đoàn Duyên Hải Nam Trung Bộ, Đoàn Đông Nam Bộ, Đoàn ĐBSCL và Cục Quy hoạch – Quản lý ruộng đất miền Nam. 

Giai đoạn 1979-1985, Phân viện vừa đi vào hoạt động còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, cơm không đủ no, áo không đủ mặc. 

Nhớ lại những ngày đầu thành lập, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Uyên, Phó Viện trưởng – Phân Viện trưởng Phân viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp bồi hồi chia sẻ: “Thời điểm đó Phân viện chúng tôi với cơ sở vật chất còn rất nghèo nàn, công nghệ thì lạc hậu, hầu hết cán bộ Phân viện đi công tác chỉ bằng xe đạp hoặc xe đò. Công tác dã ngoại làm việc chuyên môn gần như chỉ quan sát bằng mắt thường với những công cụ “tác nghiệp” hết sức thô sơ như dùng cây viết chì để khoanh vẽ hiện trạng, khi quay về thực hiện các bản vẽ cũng bằng tay và tô màu bằng mực pha… rất mộc mạc!”.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Uyên kiểm tra các khâu thiết kế bản đồ quy hoạch

Tuy nhiên, từ năm 2000, Phân viện đã chủ động đầu tư nâng cấp các trang thiết bị, tăng cường cơ sở vật chất, dùng kinh phí tự chủ để mua sắm máy tính công suất lớn với những phần mềm hiện đại; đồng thời tiến hành lắp đặt các loại máy in A0, A4… nhằm phục vụ tốt nhất cho công tác quy hoạch. Chính vì thế đã giúp Phân viện tăng thêm năng suất lao động, nâng cao chất lượng các công trình, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu sản xuất cũng như định hướng phát triển của ngành nông nghiệp. 

Với sức trẻ và lòng nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ, những năm qua, Phân viện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xây dựng hoàn chỉnh bản đồ thổ nhưỡng, phương án phân vùng nông nghiệp cho các tỉnh và phương án quy hoạch phát triển nông nghiệp cho các huyện, thị ở các tỉnh phía Nam; quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH cho một số huyện điểm của Trung ương; nhiều vùng chuyên canh cây con và vùng kinh tế mới được quy hoạch.
 

Ứng dụng công nghệ vào quy hoạch

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Uyên, đối với công tác quy hoạch cho dự án nông nghiệp cần có tầm nhìn tối thiểu 10 năm và có thể định hướng tới 20 - 30 năm, còn kế hoạch trung hạn là 3 năm và dài hạn là 5 năm. Do vậy, đòi hỏi mỗi cán bộ viên chức của Phân viện quy hoạch phải tiếp cận được với những thành tựu khoa học về nông nghiệp của thế giới và tiếp cận được những định hướng phát triển dài hạn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ…

Chính vì thế Phân viện đã chủ động hợp tác quốc tế, gửi cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ và chuyên ngành về các phần mềm máy tính, tiếp thu những kỹ thuật mới, kinh nghiệm từ các nước tiên tiến nhằm phục vụ trực tiếp cho công tác quy hoạch và dự báo. Do vậy, nếu như ngày xưa, mỗi người để vẽ được một bản đồ rộng khoảng 1m2 phải mất cả tuần, nhưng hiện nay ứng dụng công nghệ giúp năng suất lao động tăng gấp 10 lần (mỗi người có thể vẽ được bản đồ 10m2/ngày). Thậm chí, ngày xưa để tính toán cho một phương án quy hoạch phải kéo dài từ 3 - 6 tháng, còn ngày nay khi ứng dụng công nghệ bằng các phần mềm tính toán và dự báo, với đầy đủ thông tin thì chỉ trong vòng từ 3 - 5 ngày đã hoàn thiện khối lượng công việc đó.          

Thông qua công tác quy hoạch đã góp phần hình thành được các vùng sản xuất chuyên canh cây công nghiệp bạt ngàn như cao su ở Ðông Nam Bộ, các vườn cà phê, hồ tiêu trĩu quả ở Tây Nguyên; hay xây dựng ÐBSCL trở thành vựa lúa lớn nhất của cả nước, giúp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và hướng đến xuất khẩu. Các vùng kinh tế mới hình thành, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu hộ nông dân, tạo ra sản phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, trong đó có những đóng góp không nhỏ của những người làm công tác điều tra, quy hoạch nông nghiệp của Phân viện. 

Ngoài ra, Phân viện cũng nhanh chóng đổi mới phương pháp lập quy hoạch, tích cực phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương xây dựng các dự án lớn, mang tính “bản lề” cho các tỉnh phía Nam như: Dự án Quy hoạch tổng thể ÐBSCL; Dự án khai thác Ðồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, Tây Sông Hậu, Bán đảo Cà Mau, là các vùng đất hoang hóa còn nhiều tiềm năng khai thác; dự án thâm canh lúa vùng ven và giữa sông Tiền sông Hậu…

 

“Gần đây, Phân viện chúng tôi đã được Bộ NN-PTNT quan tâm đầu tư nâng cấp trụ sở làm việc và phòng thí nghiệm, phân tích đất, phân và môi trường ở phía Nam. Sau 40 năm thành lập và phát triển với những thành tích hoạt động, đóng góp công sức vào sự nghiệp xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam, tập thể Phân viện, các đơn vị của Phân viện và nhiều cá nhân đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Nhà nước, Chính phủ và Bộ NN-PTNT”, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Uyên tự hào chia sẻ.

Các dự án này đã giúp Chính phủ và các địa phương tập trung đầu tư về xây dựng cơ sở hạ tầng (nhất là thủy lợi), khai thác hợp lý tài nguyên, triển khai những giải pháp KHKT và chính sách phù hợp, góp phần đẩy nhanh sản xuất lúa gạo, tiêu, điều, cà phê, ngô, đậu tương ở các vùng, từng bước đáp ứng đủ nhu cầu lương thực trong nước và xuất khẩu; đồng thời phân bố lại khu dân cư, hình thành các vùng kinh tế mới trên các vùng đất hoang hóa trước đây… trong đó có đóng góp không nhỏ của Phân viện.
 

Tự chủ và tăng cường hợp tác quốc tế

Từ lực lượng trên 1.000 cán bộ, sau khi sắp xếp lại, đến đầu những năm 1990, Phân viện chỉ còn khoảng 120 người với trình độ cao nhất là kỹ sư. Trước nguy cơ tụt hậu về trình độ khoa học, Phân viện đã xây dựng và triển khai chương trình đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn. 

Đến nay Phân viện đã có 13 tiến sỹ, 3 nghiên cứu sinh, 20 thạc sỹ và 7 cán bộ đang theo học thạc sỹ, nâng số cán bộ có trình độ sau đại học chiếm trên 50% cán bộ viên chức chuyên môn, đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới công tác quy hoạch và đa dạng hóa chức năng, nhiệm vụ theo cơ chế tự chủ. “Đối với công tác quy hoạch cần phải có tầm nhìn, do vậy chúng tôi xác định nếu đội ngũ cán bộ làm công tác quy hoạch không tiếp cận với thông tin mới và những phương pháp, kỹ thuật hiện đại thì chắc chắn sẽ bị tụt hậu. Do vậy, việc đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật luôn được Phân viện chúng tôi đặt lên hàng đầu!”, Tiến sĩ Uyên chia sẻ.

Bên cạnh đó, thông qua các chương trình hợp tác quốc tế, Phân viện đã tự đổi mới trong phương pháp luận và cách tiếp cận. Cụ thể như trước đây chủ yếu công tác quy hoạch dựa vào tiếm năng, khả năng thích ứng của cây trồng, thì nay sẽ dựa vào nhu cầu thị trường cần gì sẽ định hướng cây con đó và xây dựng theo chuỗi giá trị. Gắn người sản xuất với các cơ sở chế biến, doanh nghiệp, hình thành các vùng sản xuất tập trung nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn thực phẩm đến khâu chế biến và ra thị trường.  

Chặng đường 40 năm qua, Phân viện đã có những bước trưởng thành vượt bậc, không chỉ về con người, với đội ngũ KHKT có trình độ cao đã từng bước phát triển và ngày một vững mạnh. Đồng thời, Phân viện cũng đang vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục phát triển vững chắc và có những bước thành công đột phá trong công tác quy hoạch, đóng góp nhiều hơn vào sự thành công của sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn của đất nước và các tỉnh phía Nam.

Xem thêm
Hà Nội kiểm soát tốt dịch bệnh và an toàn thực phẩm

Sáng 9/1, Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội (Sở NN-PTNT Hà Nội) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 2025.

Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Vượt bão lũ thiên tai, sản xuất nông nghiệp Hà Nội đạt kết quả ấn tượng

HÀ NỘI Sáng 9/1, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.