| Hotline: 0983.970.780

Tâm sự của người nhận giải Hội Nhà văn trong "lời ra tiếng vào"

Thứ Ba 29/01/2013 , 10:11 (GMT+7)

Nhà văn Văn Chinh vừa được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2012, ngành Lý luận Phê bình cho cuốn “Đa cực và điểm đến”.

Nhà văn Văn Chinh (ảnh), tác giả quen thuộc của bạn đọc báo NNVN vừa được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2012, ngành Lý luận Phê bình cho cuốn “Đa cực và điểm đến”. Nhân dịp ông trở về cơ quan cũ để chia vui cùng đồng nghiệp, NNVN có cuộc trò chuyện cùng ông. Xin giới thiệu cùng bạn đọc. 

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012 ngay khi công bố đã có những “lời ra tiếng vào”, là người được trao giải, ông có suy nghĩ gì? 

Tôi cũng có nghe những “lời ra tiếng vào” và để giữ vệ sinh cho đầu óc, tôi tránh trực tiếp đọc những trang mạng thường ném đá vào Hội Nhà văn. Thật buồn khi mọi chuẩn mực làm người, làm nhà văn đang bị xáo trộn, đang chuyển động brown.  

Nhưng với cá nhân mình, tôi có lý do để phấn khởi. Mười giờ đêm ngày 16/1 vanvn.net mới thông báo Giải thưởng, 8 giờ sáng 17/1, nhà văn Lê Khắc Hoan, Phó tổng biên tập phụ trách tạp chí Thế giới Mới, từ TP HCM đã điện thoại chúc mừng, nói: “Mình hai lần phấn khởi. Thứ nhất phấn khởi vì Văn Chinh được trao giải. Thứ hai, một sự tử tế đã được một sự tử tế khác lớn hơn công nhận”.  

Giải thưởng năm nay đều dành cho các Hội viên Hội Nhà văn, theo ông giải thưởng có phải là một minh chứng cho danh xưng nhà văn, cho sự theo kịp không? 

Có ông Phạm Ngọc Cảnh Nam chưa là hội viên. Nhưng với tôi, danh xưng nhà văn không làm nên giá trị cho một ai, như người ta nói, chiếc áo không làm nên nhà tu.  

Như vậy, giải thưởng cũng chưa làm nên giá trị? 

Bạn tốt nghiệp đại học, là nhà trường cấp bằng cho bạn sau một khóa học với rất nhiều cuộc thi. Còn cuộc sống bạn bè đồng nghiệp, cụ thể ở đây là bạn đọc nông dân nông thôn mới là người giám khảo cuối cùng về năng lực của bạn. Tác phẩm văn học cũng thế, giải thưởng chỉ như một lưu ý cho độc giả, họ và thời gian mới minh chứng những giá trị đích thực. Nếu bây giờ tôi ngừng viết, lập tức tôi chẳng còn giá trị gì về phương diện văn chương. 

Ông bình luận về việc từ chối giải thưởng của hai nhà văn hiện đang làm nóng văn đàn? 

Tôi không ngạc nhiên. Và vì sống vào thời chuyển động brown, tôi xin đề nghị một sự dân chủ trong hành vi trao/nhận giải thưởng. Chị Y Ban là một tài năng.

Tôi có đọc tiểu thuyết “Trò chơi hủy diệt cảm xúc” của chị ấy và rất lấy làm tiếc. Đó là những tiếng lòng thống thiết cảnh báo tình yêu con người đang bị robot hóa, được gói trong một bố cục vững chãi: Hai chị em tôi cùng yêu một người Ấn, thậm chí chị song sinh còn được Kap cầu hôn, còn tôi thì nhận lời tham dự trò chơi viết thư tình với Kap mà luật của trò chơi lại cấm được có tình yêu thực, giải thưởng sẽ là 100.000 USD, nhưng nhiều lần tôi đã xao xuyến trước những lời ngọt ngào của Kap, còn chị song sinh, hỡi ôi một trinh nữ 40 tuổi yêu đương lần đầu.  

Vì sau cùng, tôi mới vỡ lẽ Kap là một robot chuyên viết thư, trò chơi do một nhà kinh doanh muốn có nhiều thư tình nhằm rèn kỹ năng viết thư cho Kap sau khi đã lập trình, đã số hóa ngôn từ trên cơ sở hàng ngàn bức thư Kap nhận được mỗi ngày và kéo dài suốt 8 tháng.  

Sách dày hơn 200 trang, có non nửa cực hay, đó là các chương Đám đông 1, Đám đông 2, Mây và những cảnh làm tình của anh chồng hùng hục như trâu húc mả, thiếu hẳn những lời hoa mỹ ngọt ngào của Kap – anh ta chính là một dạng rôbot – người.  

Văn Y Ban thì bạn biết rồi đấy, viết rất hay, ngon lành vì sống động. Nhưng già nửa còn lại, chương Thư tình online thì lại dở. Chót đã dựng nhân vật robot người Ấn, Y Ban đành viết những bức thư bằng một giọng văn đều đều, sáo rỗng, thiếu hẳn sắc thái (cho nó đúng là nhời văn robot) – cụ thể là thiếu những lời tán tỉnh nhăng nhít ở các salon, các văn phòng công sở của đời sống Việt Nam, sự chung chung kéo ngót 90 trang. Thật tiếc. 

Tôi đã nói trực tiếp với Y Ban, nếu giời đi vắng và, nói giả dụ thôi, nếu ngồi họp Hội đồng, tôi sẽ bỏ phiếu Bằng khen cho tiểu thuyết của chị ấy. 

Nhân đây cũng xin nói ngay, một số tin nhắn qua di động nói chị Y Ban đạo văn của Daniel Glattauer, cuốn “Cưỡng cơn gió bấc” là không đúng; lại là một sự “ném đá” nữa, như với tập thơ “Giờ thứ 25” của Phạm Đương mà thôi.  

Một đằng người viết thư online cho người mà có thể đó chính là chồng của mình, một đằng người viết thư cho robot; một đằng nói về nỗi đau của người vợ khi không trực tiếp cảm nhận hết cái hay của người chồng, đằng kia cảnh báo một tai họa cho loài người. Văn Daniel Glattauer hay hơn văn Y Ban, hơn một đẳng cấp; nhưng tư tưởng nghệ thuật của Y Ban hơn của ông người Đức kia, cũng hơn hẳn một đẳng cấp. 

Tôi thấy chị Y Ban không đúng khi chị ấy nói về cái gọi là “lợi ích nhóm”. Vậy tôi xin hỏi, những Thanh Thảo, Phạm Đương, Trần Quang Quý, Phạm Ngọc Cảnh Nam, Văn Chinh… thì lợi ích nhóm với ai? Là nhà báo, bạn cũng nên biết câu nói nổi tiếng của J. Taylor: “Không có vết thương nào sâu hơn vết thương do ngòi bút gây nên”. 

Còn với tác giả “Thế kỷ bị mất” thì sao? 

Thì tôi ngạc nhiên vì một người đã trên dưới 70 mà vẫn còn huyễn hoặc về văn của mình. Trong thư ngỏ từ chối giải, ông ấy không nói rõ, nhưng ý lồ lộ là lẽ ra tác phẩm của ông phải đạt Giải thưởng chứ không phải là Bằng khen.  

Khổ lắm, văn mình vợ người, ai chả bảo văn mình là nhất, vậy mình là nhà văn, mình phải tránh đi chứ? Như thế, một cái áo không mới, nó được may đo từ đã lâu lắm, là văn mình vợ người hôm nay vẫn được nhiều người mặc vào. Vừa vặn, vừa như in. 

Giả sử tác phẩm được giải của ông bị dư luận lên tiếng theo chiều hướng xấu thì ông có tự đứng ra bảo vệ tác phẩm của mình không, hay sẽ nhờ những người đã chấm giải cho tác phẩm ấy bảo vệ? 

Không. Và cũng không cần. Viết phê bình và tiểu luận bây giờ không chỉ để đề cao những tác phẩm và nhà văn tài năng, mà còn để bênh vực họ trước thực trạng ném đá vào tài năng, vào những người tử tế. Mà ở đời, như người ta nói, sinh sự thì sự sinh; có bao nhiêu người khen anh thì cũng nên ước lượng có bằng ấy người chê anh. Bạn hãy tin tôi đi, khi bạn tôn vinh cái hay, cái tử tế thì cái hay cái tử tế sẽ bảo vệ bạn. 

Xin cảm ơn nhà văn!

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Nhận định Man United vs Burnley: Thắng để hy vọng

Trận đấu giữa Man United vs Burnley trong khuôn khổ vòng 35 Premier League sẽ diễn ra vào lúc 21h00 ngày 27/4/2024 trên sân vận động Old Trafford.

Thua tối thiểu U23 Iraq vì VAR, U23 Việt Nam chính thức dừng bước

Tình huống thổi phạt đền ở phút 69 là bước ngoặt khiến U23 Việt Nam để thua trước U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm