Tầm vóc Võ Văn Kiệt có ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử Việt Nam hiện đại là điều càng ngày càng được củng cố đối với giới nghiên cứu và quần chúng nhân dân. Tầm vóc Võ Văn Kiệt được nhắc nhở và tôn vinh trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (23/11/1922 – 23/11/2022).
Tại TP.HCM, nhiều hoạt động đã được tổ chức để khẳng định tầm vóc Võ Văn Kiệt qua một thế kỷ. Bên cạnh triển lãm ảnh “Đồng chí Võ Văn Kiệt, nhà lãnh đạo tài năng - Tấm gương người cộng sản tận trung với nước, tận hiếu với dân” diễn ra tại khu vực trung tâm phố đi bộ Nguyễn Huệ, thì Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đồng chí Võ Văn Kiệt – Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam” được Hội đồng Lý luận Trung ương trực tiếp đăng cai ngày 22/11.
Võ Văn Kiệt tên thật là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo đông con tại ấp Bình Phụng, xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Lúc nhỏ, ông phải đi ở đợ cho các phú hộ. Sớm được giác ngộ cách mạng, ông tham gia phong trào thanh niên phản đế và gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương vào tháng 11/1938.
Tầm vóc Võ Văn Kiệt được bồi đắp và trưởng thành qua một hành trình công hiến bền bỉ. Ông từng trải qua các cương vị lãnh đạo từ Bí thư Chi bộ xã Trung Hiệp, Tỉnh ủy viên tỉnh Rạch Giá, Ủy viên Trung ương Cục Miền Nam, Bí thư Khu ủy Khu 9, Bí thư Thành ủy TP.HCM, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó Thủ tướng rồi Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Những tham luận tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đồng chí Võ Văn Kiệt – Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam” đã góp phầm làm sáng rõ hơn tầm vóc Võ Văn Kiệt. Nhà báo Dương Trọng Dật, nguyên Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng, chia sẻ: “Vẫn biết những tiềm năng dồi dào trong trí tuệ của ông, nhưng mỗi lần gặp và được tiếp kiến, ông đều cho tôi những bất ngờ và thú vị. Không hẳn ông là cuốn bách khoa toàn thư, nhưng đang trao đổi đề tài này ông có thể chuyển sang để tài khác một cách ngon lành: Từ chính trị sang kinh tế và từ kinh tế sang văn hóa,báo chí với những phân tích sắc sảo, căn cơ.
Lý giải tại sao chuyện “cởi trói”, “xé rào” lại bắt đầu từ mành đất phía Nam, ông cho rằng cái gốc bắt đầu từ văn hóa. Văn hóa phương Nam không bị ràng buộc bởi lễ giáo phong kiến với những lề thói trói buộc con người một cách nghiệt ngã như tam cương ngũ thường, tam tòng tứ đức. Thứ văn hóa ấy đã sản sinh ra những con người, cởi mở phóng khoáng, không bị gò bó bởi một khuôn thước cụ thể nào. Những con người đầy chí khí như Nguyễn Đình Chiểu và những nhân vật hành hiệp trượng nghĩa: Tử Trực Vân tiên, những nghĩa sĩ Cần Giuộc là sản phẩm của nền văn hóa này.
Mảnh đất phương Nam cũng không tiếp thu những lý thuyết giáo điều của chủ nghĩa xã hội hiện thực kiểu cũ, bất chấp quy luật đời sống, với cơ chế nặng nề, kéo dài trầm kha: cơ chế quan liêu bao cấp. Đó là lý do người dân Sài Gòn và xa hơn, người dân phương Nam dễ tiếp nhận đổi mới. “Cởi trói”, “xé rào” thực ra không đủ để nói về những chông gai trên con đường tiếp cận chân lý, nhưng có thể khẳng định rằng sự tiếp nhận dòng chảy tươi mới của thực tiễn, đã tạo ra một lý thuyết phát triển, phù hợp với quy luật và hợp lòng dân. Đường lối đổi mới ra đời chính là sự giao cắt của chân lý và cuộc sống, sự gặp nhau của ý đảng- lòng dân.
Tôi nhận ra, trong những phân tích của ông, không chỉ dành riêng cho đường lối đổi mới mà là sự khái quát con đường đi, cái căn cốt để hình thành đường lối,chính sách, những chiến lược phát triển đất nước. Con đường đưa đất nước hóa rồng chỉ có thể thành hiện thực khi các chủ trương, chính sách, bắt nguồn từ đời sống thực tiễn, phù hợp với quy luật và chuyên chở được những khát vọng của nhân dân”.
Tầm vóc Võ Văn Kiệt cũng được thể hiện trong một cuốn sách mà ông đứng tên tác giả là “Kính chào thế hệ thứ tư”. Tập hợp những bài nói chuyện của Võ Văn Kiệt với thanh niên, cuốn sách “Kính chào thế hệ thứ tư” nêu bật sự tin tưởng và sự kỳ vọng dành cho lớp trẻ để có sự thành công các công trình khai thác Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, dự án thoát lũ đồng bằng sông Cửu Long, đường dây tải điện 500 KV Bắc – Nam, nhà máy thủy điện Trị An…Tư tưởng nhất quán của Võ Văn Kiệt là các thế hệ đi trước đã hi sinh để giành độc lập dân tộc, bây giờ là lúc các bạn trẻ phải lao động, khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng đất nước.
Tháng 11/1997, Võ Văn Kiệt thôi đảm nhận chức vụ Thủ tướng Chính phủ và trở về sinh sống tại TP.HCM. Thế nhưng, ông vẫn không nguôi thao thức cho sự thịnh vượng chung. Ông là vị lãnh đạo đầu tiên công khai đặt vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc. Ông lập luận “chính kiến khác nhau, ý kiến khác nhau là bình thường, và điều quan trọng là cần phải có đối thoại, nói chuyện với nhau một cách sòng phẳng”. Đồng thời, ông nêu quan điểm “Một quốc hội có người tự ứng cử và được dân bầu lên một cách tự do, sẽ tốt hơn quốc hội bây giờ”.
Khi nghe tin Võ Văn Kiệt qua đời ngày 11/6/2008, Hãng tin NHK của Nhật đã đánh giá: “Thủ tướng Võ Văn Kiệt là nhà chính trị lỗi lạc, nhà ngoại giao đại tài, và là một kiến trúc sư ưu tú của tiến trình đổi mới Việt Nam phát triển theo kinh tế thị trường”.
Hiện nay, khu lưu niệm Võ Văn Kiệt rộng 1,7 ha tại ấp Phong Thới, thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long được người dân địa phương gọi một cách trìu mến là “vườn nhà ông Sáu Dân”.