Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi khảo sát giá lợn tại Hà Nam |
Trước việc người dân găm lợn hơi lại để chờ giá lên cao mới bán có nguy cơ tạo giá sốt ảo, chiều 17/5 Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương đã đi khảo sát thực tế tại một số vùng chăn nuôi lợn trọng điểm tại miền Bắc, trong đó có xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục (Hà Nam), nơi được coi là thủ phủ chăn nuôi lợn các tỉnh ĐBSH.
Tuy nhiên, thực tế theo khảo sát thì thấy lượng lợn nái, lợn thịt trong dân hiện không còn nhiều. Theo ông Nguyễn Thế Chinh, BQL Chợ đầu mối gia súc gia cầm Hà Nam, hiện giá lợn hơi siêu nạc đang thu mua tại cửa chuồng ở Hà Nam từ 44.000 - 48.000 đồng/kg, riêng lợn lai có giá thấp hơn 3.000 - 4.000 đồng/kg.
Ông Chinh khẳng định không có chuyện người dân găm lợn để chờ giá cao, bởi lợn mua bán qua chợ đầu mối vẫn xung quanh 90 - 110 kg/con với lợn siêu nạc, 70 - 80 kg/con với lợn lai. Mặt khác, hàng lợn to từ 1,3 - 1,5 tạ chỉ có Trung Quốc tiêu thụ, trong nước ít ăn loại này, trong khi cả năm nay gần như không bán được lợn sang Trung Quốc.
Theo ông Chinh, nếu như trước đây lợn trang trại, lợn của các DN chiếm tỷ trọng nhỏ, còn lại cơ bản là lợn của người dân thì nay ngược lại, chiếm 70% là lợn của CP, Dabaco, Austfeed…, lợn nhỏ lẻ trong dân chỉ còn 30%, hoặc gần như không còn lợn để bán nên ông khẳng định không có chuyện găm lợn đợi giá cao.
Về nỗi lo nông dân sẽ ồ ạt tái đàn khi giá lợn tăng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ Trần Đình Thiện chia sẻ, chắc phải rất lâu nữa người chăn nuôi lợn mới hết choáng váng. Tại xã này, cao điểm đạt xấp xỉ 200 nghìn đầu lợn/năm, tạo ra một áp lực vô cùng mệt mỏi do ô nhiễm môi trường. Nhưng cơn khủng hoảng giá lợn kéo dài từ năm 2016 đến nay khiến ngành chăn nuôi lợn của xã gần như sụp đổ.
Theo ông Thiện, đàn lợn xã Ngọc Lũ giảm tới 80%, song bà con đa phần chưa có ý định tái đàn bởi vẫn còn hoang mang. Bằng chứng là Quỹ tín dụng nhân dân xã đang dư nợ hơn 70 tỷ không có người vay, phải sang chào mời các xã khác vay vốn.
Một doanh nghiệp kinh doanh lợn giống tại Bắc Ninh cảnh báo, hiện tại giá lợn giống bắt đầu tăng cao, song do giá rẻ một thời gian dài nên người chăn nuôi lơ là tiêm vacxin khiến một số nơi đã có dấu hiệu bùng phát dịch bệnh. |
Vào thăm hộ chăn nuôi của bà Trần Thị Cường, thuộc Đội 1 Tân Tùng, xã Ngọc Lũ khi phần lớn chuồng trại đã được dọn dẹp sạch sẽ. Mặc dù rất tiếc khi giá lợn lên 45.000 đồng/kg, nhưng giờ gia đình bà Cường chỉ còn giữ lại được 4 nái và 100 lợn thịt. Cao điểm, bà nuôi hơn 20 nái và 300 lợn thịt, nhưng sau phải bán dần với mức giá 20.000, 30.000 rồi 37.000 đồng/kg.
Bà Cường chia sẻ, gia đình bà còn trụ lại được đến ngày hôm nay là nhờ không vay vốn ngân hàng, không mua chịu đại lý cám nên vẫn còn sức cầm cự, trong khi đa phần những hộ vừa vay ngân hàng, vừa mua nợ cám đã phá sản đi làm công nhân.
Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương, việc lợn hơi ở mức giá xung quanh 45.000 đồng/kg tốt cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng. Tuy nhiên, làm sao để duy trì sự ổn định mới quan trọng.
Ông khuyến cáo, bà con lúc này nên tăng cường cho lợn ăn uống đầy đủ nhất để sớm xuất chuồng. Cần tận dụng tối đa lợn sữa sinh ra hiện nay để nuôi lên lợn thương phẩm. Phải đặc biệt lưu ý việc tiêm vacxin, vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch bệnh nhằm thu được thành quả cao nhất.
“Riêng với việc tái đàn lợn hậu bị, đề nghị bà con hết sức cân nhắc, bởi phải sau 15 tháng nữa một con lợn hậu bị mới cho ra lợn con thương phẩm để bán, lúc đó chưa biết giá lợn hơi sẽ như thế nào. Trước mắt, bà con cũng không nên có ý định găm hàng chờ giá lên cao mới bán, bởi rất có thể vừa tốn chí phí thức ăn mà chưa chắc đã bán được giá tốt như hiện tại”, ông Nguyễn Xuân Dương. |