Gia đình ông Hoàng Văn Chiền ở thôn Nặm Chắn, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái có 2 ao với diện tích mặt nước hơn 1.000 m2. Nhờ có nguồn nước suối sạch chảy qua nên gia đình ông đã đầu tư sửa sang ao và nuôi cá bỗng hơn 10 năm qua.
Theo ông Chiền, thịt cá bỗng săn chắc, giá trị dinh dưỡng cao. Thịt cá bỗng có thể chế biến được thành nhiều món ngon như cá nướng, hấp, gỏi hoặc nấu cháo.
Cá bỗng ăn tạp từ ngô, lúa, khoai, sắn đến lá cây hay thịt gia cầm, song chúng rất chậm lớn nếu nuôi theo hình thức tự nhiên. Một năm cá bỗng chỉ tăng được khoảng 1kg nếu chỉ cho ăn các loại thức ăn có sẵn ngoài tự nhiên. Khi xuất bán, loài cá này có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với loại cá khác. Tùy vào kích cỡ, dưới 3 kg có giá trung bình 300.000 đồng/kg, loại từ 3 kg trở lên có giá từ 500.000 - 600.000 đồng/kg. Cá càng nặng, nuôi càng lâu năm thì giá trị càng cao.
Để sản phẩm đầu ra có chất lượng tốt và giá bán cao, ông Chiền lựa chọn nuôi theo hướng tự nhiên. Thức ăn cho cá được ông tận dụng các loại sẵn có trong vườn nhà như các loại rau cỏ, tinh bột của gia đình tự trồng được. Mỗi năm gia đình ông xuất bán từ 100 - 200 kg cá thương phẩm, thu từ 70-80 triệu đồng.
Cũng giống như nhà ông Chiền, gia đình ông Hoàng Tinh Sản ở cùng thôn cũng có gần 400 m2 ao nuôi cá, mỗi lứa nuôi từ 400 - 500 con cá bỗng.
Qua 10 năm nuôi cá bỗng, mỗi năm gia đình ông Sản có nguồn thu nhập ổn định gần 60 triệu đồng, cùng với các nguồn thu nhập từ vườn đồi khác đã giúp gia đình ông thoát nghèo.
Ông Sản chia sẻ, người dân ở đây có sẵn nguồn nước nên chủ yếu nuôi cá bỗng, nuôi các loại con khác thì không hiệu quả. Nhà ông vừa mua thêm 200 con cá giống về đang ươm nuôi ở ao nhỏ, khi cá phát triển có chiều dài khoảng 3 - 4cm sẽ thả xuống ao lớn.
Theo các hộ dân nuôi cá lâu năm, loài cá bỗng có nguồn gốc từ sông Chảy, là dòng cá “tiến vua”, sống thân thiện với con người và tuổi thọ cao nên người Tày dùng để thiết đãi khách quý hoặc vào những dịp đặc biệt như lễ, tết. Hơn chục năm trở lại đây, để đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều nông dân ở các xã Lâm Thượng, Tân Lập, Khánh Thiện, Mường Lai, Khai Trung… đã phát triển nghề nuôi cá bỗng để nâng cao thu nhập.
Nhiều ngôi làng ở Lục Yên, khi du khách đến đây đều ấn tượng khi bên cạnh những ngôi nhà sàn truyền thống mang đậm văn hóa, kiến trúc của người Tày, hầu hết các hộ dân đều dùng khoảng đất trống trước nhà để đào ao nuôi cá. Cá bỗng chỉ ưa sống ở vùng nước sạch nên các hộ đều lấy nước từ các khe núi dẫn về để nuôi. Trong nền ao thường không có bùn, chủ yếu là đá và liên tục có nước chảy lưu thông.
Ông Trần Quốc Tuấn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lục Yên, cho biết, để giúp người dân phát triển bên vững nghề nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi cá bỗng nói riêng, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hỗ trợ người dân lựa chọn nguồn giống bảo đảm chất lượng, nuôi trồng gắn với an toàn sinh học và hướng dẫn các biện pháp để phòng bệnh, chăm sóc cá bố mẹ. Áp dụng hình thức nuôi thâm canh xen ghép nhiều loại cá, tạo sự phong phú về chủng loại.
Cùng với đó, tích cực chuyển giao công nghệ và hoạt động khuyến ngư thông qua việc tổ chức đào tạo, tập huấn; khuyến khích người dân chủ động cải tạo, vệ sinh ao hồ, chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang nuôi cá theo hướng thâm canh.
Huyện Lục Yên (Yên Bái) có khoảng 400 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản; trong đó có nhiều khe suối có nguồn nước mát, sạch. Đây chính là lợi thế để nghề nuôi cá bỗng tiếp tục phát triển theo hướng hàng hóa với quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng khó khăn.