Vừa qua, lễ hội Xo May với nhiều hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Tày đã được tổ chức sôi nổi tại xã Mường Lai, huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái).
Xo May trong tiếng Tày có nghĩa là cầu may. Lễ hội được tổ chức thường niên tại đình Nà Ngàm (xã Mường Lai), đây là ngôi đình cổ còn lưu giữ được những giá trị văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng dân tộc Tày. Ngôi đình thờ ba vị thần Núi là Pú Đán Khao (thần núi Đá Trắng), Pú Đán Đeng (thần núi Đá Đỏ), Pú Đán Đăm (thần núi Đá Đen).
Tham dự lễ hội, người dân và du khách được giao lưu, thưởng thức diễn xướng văn hóa đặc trưng thông qua điệu múa Dậm Thuông – một điệu múa cổ của cộng đồng người Tày với sự tham gia của trên 300 diễn viên quần chúng. Theo quan niệm của người Tày, điệu Dậm như một hình thức để cảm tạ và cầu mong sự no ấm, may mắn cho một năm mới an lành, lúa thóc, trâu bò đầy nhà.
Ngoài ra, trong không gian lễ hội du khách còn được tham gia, trải nghiệm các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian như kéo co, đánh quay, chọi dê, đi cà kheo, thi giã bánh dày, bắt lươn trong chum, tham quan, lựa chọn sản phẩm của người Tày trong các gian hàng nông sản OCOP, trang phục, đồ dùng sinh hoạt truyền thống.
Đặc biệt, trong lễ hội xuân Giáp Thìn, người dân địa phương đã tái hiện lễ đón dâu của người Tày, một nghi lễ đặc biệt, mang đậm màu sắc văn hoá được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Theo truyền thống, để có một lễ đón dâu hoàn chỉnh, ngoài những lễ vật được nhà trai mang sang nhà gái thì nhà trai cũng phải lựa chọn ông trưởng đoàn, người Tày gọi là “Quan làng” có tài ăn nói, biết hát khắp cọi để đối đáp giao duyên với nhà gái. Chỉ khi hát đối đáp lại được nhà gái thì mới được trải chiếu hoa ngồi và làm các thủ tục khác để đón dâu.
Việc tái hiện tục lệ này nhằm phần quảng bá nét đẹp truyền thống của đồng bào Tày, giáo dục, truyền dạy giá trị văn hoá cho thế hệ trẻ.