| Hotline: 0983.970.780

Tăng cường chỉ đạo sản xuất lúa hè thu

Thứ Năm 19/04/2012 , 10:28 (GMT+7)

Bộ NN- PTNT vừa có Công điện gửi UBND TP trực thuộc TƯ vùng ĐBSCL, Tổng cục Thủy lợi, Cục Trồng trọt, BVTV, Chế biến- Thương mại Nông lâm thủy sản và nghề muối, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia về việc tăng cường chỉ đạo SX lúa hè thu (HT) năm 2012 ở ĐBSCL.

Bộ NN- PTNT vừa có Công điện gửi UBND TP trực thuộc TƯ vùng ĐBSCL, Tổng cục Thủy lợi, Cục Trồng trọt, BVTV, Chế biến- Thương mại Nông lâm thủy sản và nghề muối, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia về việc tăng cường chỉ đạo SX lúa hè thu (HT) năm 2012 ở ĐBSCL.

Công điện nêu: Diện tích vụ xuân hè (HT sớm) gieo trong tháng 2, tháng 3/2012 vẫn còn khá cao, khoảng 200.000 ha, đối với trà lúa này thời gian gieo sạ trùng với đợt lúa ĐX gặt rộ nên dễ bị nhiễm rầy di trú truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VL-LXL).

Hiện nay tại Đồng Tháp, tỉnh trồng nhiều lúa XH đã có tình trạng nhiễm bệnh. Đây là nguy cơ dịch bệnh sẽ lan truyền sang các trà lúa HT chính vụ gieo trong tháng 4 và tháng 5 của cả vùng như đã xảy ra trong năm 2006.

Vụ ĐX 2011-2012, diện tích gieo sạ giống lúa IR50404 tăng mạnh trong khi thị trường XK gạo cấp thấp bị giảm sút nên đã dẫn đến khó tiêu thụ lúa IR50404, giá thấp. Dù đã được cảnh báo nhưng diện tích lúa XH, HT sớm đã gieo ở nhiều địa phương vẫn còn sử dụng giống lúa IR50404.

Tình trạng mặn xâm nhập sớm và và sâu vào nội đồng có thể nghiêm trọng hơn các năm trước đồng thời với hạn đầu vụ sẽ ảnh hưởng đến SX.

Năng lực sấy lúa HT trong toàn vùng mới chỉ đạt 35-40%, nhiều tỉnh dưới 20%, vì vậy phơi sấy lúa HT sẽ là một trở ngại lớn; đặc biệt nếu thời tiết bất thuận như mưa nhiều, liên tục hoặc việc tiêu thụ lúa bị chậm.

Trước các diễn biến trên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị:

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ vùng ĐBSCL: Chỉ đạo Sở NN-PTNT, UBND các cấp khẩn trương triển khai thực hiện một số biện pháp sau:

-Ngăn chặn phòng trừ hiệu quả rầy nâu và bệnh VL-LXL.

-Kiện toàn củng cố và duy trì hoạt động Ban chỉ đạo phòng trừ rầy nâu, bệnh VL-LXL trên lúa các cấp.

-Đối với vùng đang có dịch xảy ra, khoanh vùng, vận động nhân dân nhổ huỷ cây lúa bệnh, đối với rầy nâu tuyệt đối không phun ngừa, không phun định kỳ. Chỉ phun thuốc trừ rầy trong trường hợp mật số rầy tăng cao quá 3 con/tép theo “4 đúng”, trường hợp mật số rầy thấp cần theo dõi chặt diễn biến, không phun thuốc tràn lan dễ gây bộc phát rầy nâu tạo cháy rầy trên lúa và phát tán lan truyền mầm bệnh sang các nơi khác.

Đối với trà lúa dưới 30 ngày nếu có rầy nâu di trú cần áp dụng biện pháp bơm nước ngập đọt lúa để che chắn rầy (từ 3-5 ngày), khi hết đợt rầy sẽ tháo nước và chăm sóc bình thường.

-Tổ chức chăm đồng thường xuyên, điều tra, phát hiện diện tích bị nhiễm rầy nâu, bệnh VL-LXL để chỉ đạo phòng trừ kịp thời, không để lây lan rộng. tăng cường giải pháp sử dụng nấm xanh để phòng trừ rầy nâu.

-Đối với vùng chưa gieo sạ, làm kỹ vệ sinh đồng ruộng, gieo sạ lúa Hè Thu tập trung, đồng loạt, né rầy theo đúng thời vụ được chính quyền địa phương quy định.

-Thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng tình hình dịch bệnh, dự báo dịch bệnh để hướng dẫn nông dân chủ động phòng trừ.

-Quản lý chặt chẽ việc kinh doanh thuốc BVTV, ngăn chặn tăng giá thuốc, kinh doanh thuốc không đúng chất lượng; tăng cường quản lý nội dung quảng cáo, tiếp thị thuốc BVTV mang tính lạm dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tổ chức điều tra cơ cấu giống lúa đã gieo sạ để nắm chắc diện tích giống IR50404 đã gieo, đối với diện tích còn lại, giao trách nhiệm cho chính quyền xã hướng dẫn nông dân hạn chế hoặc không gieo giống IR50404, ngành nông nghiệp tuyên truyền sâu rộng, liên tục khuyến cáo trồng các loại giống lúa ngắn ngày, phẩm chất tốt để thay thế giống IR50404, đảm bảo trong phạm vi toàn tỉnh giống IR50404 không vượt quá 10%.

-Khẩn trương tu sửa các công trình thủy lợi, cống, bờ bao, nạo vét kênh mương, củng cố trạm bơm… để chủ động chống xâm nhập mặn và chống hạn đầu vụ.

Về biện pháp tăng năng lực sấy lúa HT:

-Mô hình sấy thành công là sấy dịch vụ quy mô 20-40 tấn/mẻ sử dụng máy sấy tĩnh vi ngang, sấy quy mô lớn với hệ thống máy sấy tháp 200-500 tấn/ngày ở các nhà máy xay xát. Cần phát triển các mô hình sấy này đồng thời bổ sung các nhà máy sấy ở các HTX, cánh đồng mẫu lớn, các nhà máy sấy nằm ở các vùng SX làm vệ tinh cho các nhà máy xay xát, doanh nghiệp xuất khẩu.

Các địa phương tiếp tục thực hiện chính sách của Trung ương (Quyết định 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản) và có chính sách của địa phương như tỉnh An Giang hỗ trợ xây dựng nhà máy sấy lúa bằng cho vay không tính lãi, thu hồi vốn gốc trong 3 năm. An Giang là tỉnh dẫn đầu về sấy lúa hiện nay với năng lực sấy lúa Hè Thu đã đạt 70%.

Đối với các cơ quan thuộc Bộ NN-PTNT

Tổng cục Thủy lợi: Theo dõi diễn biến xâm nhập mặn, hạn ở ĐBSCL. Kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng chống xâm nhập mặn, hạn.

Cục BVTV: Phối hợp với các địa phương, bố trí cán bộ đến các vùng đang xảy ra dịch bệnh, vùng nguy cơ cao tham gia chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng trừ dịch bệnh, không để lân lan trên diện rộng.

Tổ chức tốt công tác dự báo tình hình rầy nâu, bệnh VL-LXL, xét nghiệm tỷ lệ rầy nâu mang mầm bệnh, thông báo kịp thời cho các địa phương và nông dân biết để chủ động phòng trừ. Thực hiện công tác báo cáo diễn biến dịch bệnh hàng ngày cho đến cuối vụ.

Cục Trồng trọt: Phối hợp với các địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ xuống giống tập trung, đồng loạt, né rầy, theo dõi sự phát triển của lúa để kịp thời biện pháp kỹ thuật, hướng dẫn bón phân cân đối.

Phối hợp với các địa phương nắm chắc diễn biến cơ cấu giống lúa, khuyến cáo các giống lúa ngắn ngày, phẩm chất tốt để nông dân sử dụng.

Tiếp tục chỉ đạo phát triển cánh đồng mẫu lớn ở các địa phương.

Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối: Tổ chức điều tra năng lực sấy lúa HT ở ĐBSCL, hệ thống sấy lúa và công nghệ sấy lúa phù hợp theo các quy mô, đề xuất các chính sách để gắn kết máy sấy lúa với các cơ sở xay xát, các kho tồn trữ lúa.

Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ để phát triển máy sấy lúa.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: Phối hợp với các cơ quan khuyến nông các cấp truyền thông, tập huấn nông dân về sử dụng giống lúa chất lượng cao, biện pháp tổng hợp phòng trừ rầy nâu, bệnh VL-LXL, chỉ đạo thực hiện tốt dự án khuyến nông “3 giảm 3 tăng”, 1 phải 5 giảm trong sản xuất lúa.

Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ ở ĐBSCL và Thủ trưởng các đợn vị liên quan trực thuộc Bộ thực hiện các nội dung trên và báo cáo thường xuyên về Bộ NN-PTNT tình hình thực hiện Công điện này.

Xem thêm
Lợn cấp cho hộ nghèo bị chết nghi do dịch tả lợn châu Phi

GIA LAI Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Pah nghi lợn bị chết do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đơn vị đã phối hợp lấy mẫu xét nghiệp để kết luận nguyên nhân.

Bắt giữ xe khách chở 1,2 tấn nội tạng lên Điện Biên tiêu thụ

1,2 tấn nội tạng chứa trong 9 thùng xốp được chủ xe khách chở từ huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội lên Điện Biên đã bị bắt giữ tại Hòa Bình.

Tập huấn nhân rộng mô hình khuyến nông cộng đồng

AN GIANG Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông An Giang tổ chức 3 lớp tập huấn nhân rộng mô hình khuyến nông cộng đồng.

Giới thiệu nhiều vật tư, công nghệ, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp

TP.HCM Ngày 13/11, tại TP.HCM đã khai mạc Triển lãm quốc tế Sản phẩm, thiết bị, vật tư và phân bón nông nghiệp (Growtech 2024).