| Hotline: 0983.970.780

Tăng cường quản lý dịch bệnh trên tôm nuôi

Thứ Ba 31/05/2022 , 10:54 (GMT+7)

Hiện thời tiết phức tạp ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm nước lợ, từ đó dễ phát sinh dịch bệnh, do vậy cần tăng cường quản công tác quản lý tại các vùng nuôi.

Thời tiết bất lợi cho tôm nuôi

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, do ảnh hưởng thời tiết nên một số diện tích nuôi tôm nước lợ ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch (TX Đông Hòa) xảy ra dịch bệnh.

Người nuôi cần theo dõi thời tiết để chủ động ứng phó tôm nuôi nhằm tránh thiệt hại. Ảnh: KS.

Người nuôi cần theo dõi thời tiết để chủ động ứng phó tôm nuôi nhằm tránh thiệt hại. Ảnh: KS.

Ông Trần Văn Thắng, người nuôi tôm ở phường Hòa Hiệp Nam (TX Đông Hòa), cho biết, gia đình ông có 1 ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Từ đầu năm đến nay, ông thả 2 vụ tôm. Vụ đầu ông thả 50 vạn giống, sau 2 tháng thả nuôi thì tôm dính bệnh nên đành xuất bán non, lỗ khoảng 20 triệu.

Sau khi xảy ra dịch bệnh, ông Thắng đã xử lý, cải tạo ao nuôi rồi thả nuôi vụ thứ hai. Đến nay tôm nuôi đã khoảng 2 tháng, nhưng tình hình thời tiết hiện rất bất lợi cho tôm nuôi. Cụ thể, trời đang nắng gay gắt nhưng thường xuyên xuất hiện mưa dông, làm cho sức đề kháng của tôm nuôi kém, bắt mồi yếu nên chậm phát triển.

Theo phòng Kinh tế TX Đông Hòa, từ đầu năm đến nay, toàn thị xã thả khoảng 850 ha tôm, trong đó có khoảng 35 ha tôm nuôi bị bệnh chủ yếu đỏ thân và hoại tử gan tụy cấp. Nguyên nhân do những tháng đầu năm 2022 thời tiết lạnh kéo dài, ảnh hưởng đến sức đề kháng của tôm làm cho tôm nuôi bỏ ăn, phát triển kém, phát sinh bệnh trên tôm nuôi.

UBND TX Đông Hòa đã chỉ đạo các địa phương có nuôi trồng thủy sản và các phòng ban chuyên môn hướng dẫn người nuôi tiếp tục theo dõi, chăm sóc và phòng bệnh trên tôm nuôi. Cùng với đó, địa phương này đang triển khai các biện pháp xử lý, tiêu độc các hồ nuôi có tôm bị bệnh, tiếp tục theo dõi, khống chế không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

 Thời tiết còn phức tạp

Theo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III, trong thời gian tới, thời tiết tiếp tục diễn ra phức tạp, nhất là trong giai đoạn chuyển mùa trong tháng 5 và tháng 6 sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của tôm nước lợ, dễ dẫn tới dịch bệnh, đặc biệt bệnh đỏ thân, bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm nuôi.

Vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ở hạ lưu sông Bàn Thạch (TX Đông Hòa). Ảnh: NC.

Vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ở hạ lưu sông Bàn Thạch (TX Đông Hòa). Ảnh: NC.

Để hạn chế tác động xấu do biến động thời tiết, người nuôi cần theo dõi thường xuyên tình hình thời tiết, yếu tố môi trường nước ao nuôi trong giai đoạn chuyển mùa như pH, độ mặn, ôxy hòa tan, nhiệt độ, màu tảo…để có các biện pháp xử lý kịp thời tránh ảnh hưởng đến tôm nuôi.

Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ quan trắc, cảnh báo diễn biến môi trường các vùng nuôi, khuyến cáo các giải pháp xử lý phù hợp.

Đối với các địa phương có nuôi trồng thủy sản, cần thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi phù hợp hướng dẫn ngư dân biện pháp xử lý môi trường, phòng trị bệnh và chăm sóc thủy sản nuôi. Khi phát hiện thủy sản nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc bị nhiễm bệnh, người nuôi cần báo cáo cho chính quyền địa phương hoặc Trạm Chăn nuôi và Thú y biết để có biện pháp xử lý kịp thời, tuyệt đối không xả nước, chất thải chưa qua xử lý hoặc xác thủy sản chết, bị bệnh ra môi trường.

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thả nuôi khoảng 1.760 ha thủy sản các loại, tăng 6,2% so cùng kỳ năm trước. Trong đó diện tích thả tôm sú khoảng 220 ha, còn diện tích thả tôm thẻ chân trắng khoảng 1.145 ha. Đến nay, đã có gần 40 ha tôm thẻ chân trắng nuôi khoảng 20-40 ngày tuổi bị bệnh đỏ thân và hoại tử gan tụy cấp. Ngành chức năng đã hướng dẫn các biện pháp xử lý, tiêu độc hồ nuôi có tôm bị bệnh theo quy định nhằm không để dịch bệnh lây lan sang diện rộng.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.