Những năm qua, TP Hà Nội đã tập trung phát triển chăn nuôi lợn theo hướng chuyên canh, tập trung, hình thành các vùng chăn nuôi có năng suất, chất lượng cao thông qua các chuỗi sản xuất.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho người dân Thủ đô khi Tết Nguyên đán đang đến gần, Hà Nội chỉ đạo các doanh nghiệp tăng cường sản xuất thịt mát, thịt cấp đông.
Thịt lợn cấp đông
Theo thống kê tại 13 xã ở các huyện ngoại thành chăn nuôi lợn trọng điểm, Hà Nội hiện có 1.086 trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ngoài khu dân cư với 1,8 triệu con lợn, tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt trên 320 nghìn tấn/năm. Tuy vậy, hiện nay, giá lợn hơi tại cổng trại thấp hơn giá sản xuất (giá bán tại cổng trại bình quân khoảng 34.000đ/kg).
Với giá bán này, các hộ chăn nuôi đang thua lỗ, dẫn đến việc chủ hộ có thể lơ là không quan tâm tới việc chăm sóc, phòng chống dịch bệnh và có nguy cơ bán tháo đàn lợn, gây mất ATVSTP.
Nguyên nhân tình trạng trên là do cung - cầu đang mất cân đối, trong khi nhu cầu tiêu dùng của người dân cơ bản vẫn là thịt nóng nên đã tồn không nhỏ số lượng lợn đủ điều kiện để xuất chuồng nhưng do giá thấp nên người dân không muốn xuất lợn hoặc xuất rất chậm.
Qua khảo sát, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho rằng, thực tế là nhu cầu tiêu thụ thịt mát, thịt cấp đông của các cửa hàng tiện ích ở các khu dân cư, các siêu thị và người tiêu dùng là rất lớn song đây vẫn là cách làm mới chưa được các DN sơ chế, giết mổ gia súc, gia cầm quan tâm và tiếp cận.
Để đảm bảo ATVSTP khi nhu cầu về thịt lợn vào dịp Tết của người dân tăng cao, ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đề xuất giải pháp cấp bách là sản xuất theo chuỗi liên kết từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm chăn nuôi phải được kiểm soát chặt chẽ từ con giống - quy trình chăn nuôi - giết mổ công nghiệp.
“Việc sản xuất thịt mát, thịt cấp đông theo quy chuẩn quốc tế sẽ xóa bỏ tình trạng sản phẩm chăn nuôi phải giết mổ tiêu thụ trong ngày. Bên cạnh đó, mạng lưới tiêu thụ phải phát triển hiện đại, đảm bảo vệ sinh, chất lượng sản phẩm và sẽ thay thế mạng lưới tiêu thụ truyền thống, tiến tới không còn hình thức kinh doanh sản phẩm sống tại các chợ cóc”, ông Tường nhấn mạnh.
Để làm được việc này, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đề nghị các DN, các tác nhân của Chuỗi liên kết sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo ATVSTP lấy tháng 1/2017 là tháng giới thiệu sản phẩm thịt mát, thịt cấp đông tới người tiêu dùng Thủ đô.
Trao đổi với PV, ông Tường cho rằng, các DN đầu mối của sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo ATVSTP cần mở rộng quy mô của chuỗi, giãn cung tăng cầu để tiêu thụ hết sản phẩm của chuỗi.
Đối với các siêu thị, cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể cần hưởng ứng cách làm mới nhằm giới thiệu tới người tiêu dùng sử dụng thịt mát và thịt cấp đông, việc này sẽ giúp cho sự phát triển của chính hệ thống kênh tiêu thụ hiện đại này.
Đồng thời, Trung tâm sẽ phối hợp với các cơ quan truyền thông để tuyên truyền về quy trình sử dụng, lợi ích của việc sử dụng thịt mát, thịt cấp đông và trực tiếp tư vấn cho các DN cách làm, tổ chức các hội nghị kết nối với tác nhân sản xuất để các DN có vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng.
Cũng theo ông Tường, Trung tâm sẽ nhận trách nhiệm là đơn vị đầu mối để kết nối các cơ quan chức năng liên quan, các tổ chức cá nhân, các cơ quan thông tấn, báo chí nhằm giúp đỡ, tuyên truyền nhân dân hưởng ứng.
Việc tuyên truyền, quảng bá tới công chúng những nhãn hiệu và sản phẩm sản xuất đúng quy trình thịt mát, thịt cấp đông vào dịp Tết có vai trò rất quan trọng.
Các DN hưởng ứng và đăng ký tham gia chuỗi sản xuất thịt mát, thịt cấp đông theo quy chuẩn quốc tế gửi thông tin đăng ký về Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội ở số 102 Tô Hiệu, quận Hà Đông để triển khai thực hiện. |