Tăng trưởng xanh (Green Growth), là khái niệm rất gần với kinh tế xanh. Ban đầu, nhiều nhà nghiên cứu thậm chí sử dụng hai cụm từ này và cả "xanh hóa nền kinh tế" để thay thế lẫn nhau. Tuy nhiên, nội hàm của các khái niệm này có một số khác biệt.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Tăng trưởng xanh là hiệu quả trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong việc giảm thiểu ô nhiễm và các tác động môi trường, đồng thời linh hoạt trong khả năng thích ứng với các hiểm họa thiên nhiên, quản lí môi trường và vốn tự nhiên khi phòng chống thiên tai.
Còn theo Tổ chức Hợp tác Phát triển kinh tế (OECD), tăng trưởng xanh là thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, đồng thời đảm bảo rằng các tài sản tự nhiên tiếp tục cung cấp các nguồn tài nguyên và dịch vụ môi trường mà dựa vào đó sức khỏe của con người được cải thiện.
Như vậy, tăng trưởng xanh nhấn mạnh tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn đảm bảo hài hòa với môi trường sinh thái, trong khi kinh tế xanh chú trọng nhiều hơn tới các giới hạn của môi trường, hạnh phúc của con người và công bằng xã hội. Nói cách khác, kinh tế xanh mang ý nghĩa bao trùm hơn, nhưng trong bối cảnh nhiều nơi trên thế giới vẫn còn nghèo đói thì tăng trưởng xanh là điều kiện cần để tiến tới kinh tế xanh.
Khái niệm tăng trưởng xanh được đề cập chính thức tại Hội nghị Bộ trưởng về Môi trường và Phát triển năm 2005 tại Seoul (Hàn Quốc). Tuy xuất hiện sau khái niệm kinh tế xanh, nhưng hiện nay tăng trưởng xanh lại được biết đến nhiều hơn. Nguyên nhân bởi khái niệm này sớm được cụ thể hóa trong các thỏa thuận song phương, đa phương, từ đó hình thành nên các chiến lược và hành động cụ thể của các quốc gia.
Một số chính sách tiêu biểu về tăng trưởng xanh ở các nước, như: Năm 2008, Hàn Quốc dành 80% trong khoảng 38,1 tỉ USD thuộc gói kích cầu kinh tế để thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh quốc gia. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011 - 2015), Trung Quốc đã dành 140 tỉ USD cho đầu tư xanh. Một số nước khác như Australia, UAE, Nhật Bản, Đan Mạch và Na Uy đã tham gia với Hàn Quốc tạo nên một tổ chức liên chính phủ trong lĩnh vực tăng trưởng xanh.
Tăng trưởng xanh đã được xác định là trọng tâm trong chính sách phát triển quốc gia của nhiều nước trên thế giới trong nỗ lực hướng tới sự phát triển một cách bền vững. Hiện có 47 quốc gia tuân thủ Tuyên bố năm 2009 của OECD về Tăng trưởng xanh.
Tháng 5/2011, OECD đã chuyển giao Chiến lược Tăng trưởng xanh cho nguyên thủ và bộ trưởng của hơn 40 quốc gia. Họ hoan nghênh và coi chiến lược này như một công cụ hữu ích để mở rộng tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, thông qua sử dụng bền vững hơn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sử dụng năng lượng hiệu quả. và định giá các dịch vụ hệ sinh thái. Tuyên bố Tăng trưởng xanh được coi như một phần trong ứng phó với khủng hoảng kinh tế.
Để đo lường tăng trưởng xanh, OECD sử dụng nhiều chỉ số đánh giá, trong đó những thành tố chính là ô nhiễm không khí, năng suất cacbon, tài nguyên đất, đổi mới xanh, thuế môi trường. Chẳng hạn, Trung Quốc được xếp vào hạng khá trong nỗ lực đổi mới xanh, khi nước này có trung bình khoảng 2,5 triệu bằng sáng chế về môi trường mỗi năm trong giai đoạn từ 2014 - 2016. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn bị đặt dấu hỏi về tăng trưởng xanh khi tăng diện tích xây dựng thêm 77% và tăng dân số gần 20% trong giai đoạn từ 1990 - 2014.
Hiện nay, mối quan tâm lớn nhất của cộng đồng thế giới trong tăng trưởng xanh là các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhóm giải pháp chính được nhiều quốc gia ưu tiên là sử dụng năng lượng tái tạo, các bon thấp, đầu tư khôi phục hệ sinh thái, giải quyết sinh kế người dân gắn với phục hồi môi trường…
Từ góc nhìn, tăng trưởng xanh được mỗi quốc gia cụ thể hóa bằng một chiến lược khác nhau. Có nơi phát triển các bon thấp, nhằm giảm phát thải và giảm tiêu thụ năng lượng. Có nơi lại gắn tăng trưởng xanh với mục tiêu phát triển đô thị thông minh, sinh thái… hình thành thêm một số khái niệm mới như đô thị tăng trưởng xanh.
Dù vẫn còn một số ý kiến trái chiều, đa số các nước trên thế giới đều nhất trí, rằng tăng trưởng xanh gồm 3 lĩnh vực: Tối ưu hóa nguồn tài nguyên và môi trường; các chính sách “Xanh”, và cơ hội phát triển đạt được từ việc xanh hóa nền kinh tế.
Trên cơ sở 3 trụ cột trên, các nước thường đề ra 3 nhóm nhiệm vụ chính trong tăng trưởng xanh: (1) Giảm cường độ phát thải nhà kính và tăng tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo; (2) Tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển sâu, giảm sử dụng tài nguyên thiên nhiên, tăng cường các ngành công nghiệp sinh thái và dịch vụ môi trường, đổi mới công nghệ; (3) Nâng cao đời sống người dân thông qua việc tạo thêm việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ xanh và xây dựng lối sống hòa hợp với môi trường.
Những năm gần đây, khái niệm "kinh tế tuần hoàn" được nhắc đến như một sự bổ khuyết cho tăng trưởng xanh. 3 nội hàm cơ bản của kinh tế tuần hoàn, là: Tái tạo các hệ thống tự nhiên; tối ưu hóa lợi tức của tài nguyên bằng cách tuần hoàn các sản phẩm và vật liệu nhiều nhất có thể; và thiết kế chất thải và ô nhiễm. Một cách khái quát, tăng trưởng xanh chú trọng nhiều tới ngăn chặn suy thoái môi trường, còn kinh tế tuần hoàn quan tâm tới tuần hoàn vật liệu, và đặt mục tiêu cụ thể là tái tạo các hệ thống tự nhiên.
Trong các diễn giải của UNEP, WB và OECD, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn là những thành tố cần có để xây dựng kinh tế xanh. Một cách hình tượng, có thể coi tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn là những “viên gạch” cùng làm nên “nền móng” là kinh tế xanh. Trên nền này, “ngôi nhà” có tên "phát triển bền vững" mới được xây dựng. Đây cũng là định hướng cho sự phát triển nói chung của hầu hết các quốc gia.
Do đặc điểm riêng của từng quốc gia, quy mô nền kinh tế, cũng như các lựa chọn, ưu tiên xây dựng trong từng thời điểm cụ thể, số lượng “viên gạch” tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn cần để xây "nền móng" kinh tế xanh có thể khác nhau. Chẳng hạn, Bhutan ưu tiên cải thiện mức độ hạnh phúc của người dân cao hơn cả phát triển kinh tế và công nghệ. Tuy nhiên, tựu trung lại, kinh tế xanh là nền tảng không thể thiếu để hướng tới phát triển bền vững.