| Hotline: 0983.970.780

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam:

Tạo đà cho quan hệ thương mại nông lâm thủy sản Việt Nam - Trung Quốc

Thứ Năm 14/12/2023 , 08:15 (GMT+7)

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quan hệ hai nước, đặc biệt trong vấn đề thương mại nông sản.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân tiếp đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân tiếp đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam và sẽ còn tiếp tục "mở cửa" cho thêm nhiều nông sản được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.

Vun đắp quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt Việt - Trung

Việt Nam - Trung Quốc là hai nước láng giềng hữu nghị, nhân dân 2 nước có mối quan hệ truyền thống lâu đời. Năm 2008, hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện nhằm mở rộng, bồi đắp và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt - Trung, đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước cũng như vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Từ đó đến nay, hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư Việt Nam - Trung Quốc ngày càng đi vào chiều sâu.

Trong thời gian qua, nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai Nhà nước thường xuyên có những chuyến thăm qua lại, qua đó góp phần nâng hợp tác toàn diện Việt Nam - Trung Quốc lên tầm cao mới, tin cậy chính trị được tăng cường, thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư giữa hai nước duy trì được đà tăng trưởng. Đặc biệt, lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, hai Chính phủ.

Trung Quốc 20 năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và hiện nay Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc).

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt 175,6 tỷ USD vào năm 2022, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,7 tỷ USD và nhập khẩu đạt 117,87 tỷ USD. Tiềm năng to lớn của thị trường Trung Quốc còn thể hiện qua quy mô GDP gần 20.000 tỷ USD, đứng thứ hai thế giới.

Với dân số gấp 14 lần Việt Nam và mức tăng trưởng GDP luôn ở mức cao, người tiêu dùng Trung Quốc luôn sẵn lòng đón nhận hàng nông sản đặc sắc của Việt Nam. Bên cạnh đó, người Trung Quốc có truyền thống văn hóa, tập quán tiêu dùng tương đồng với người Việt Nam và cũng đã có quan hệ kinh tế thương mại từ ngàn đời nay.

Trung Quốc cũng đã có thỏa thuận hợp tác song phương với Việt Nam, cũng như các hiệp định đa phương Việt Nam - Trung Quốc, cụ thể như: như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA); Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP). Giai đoạn tới, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh việc tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và xuyên Thái Bình Dương (CTCPP)… Quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc là một trong những mục tiêu ưu tiên trong chính sách kinh tế đối ngoại của Việt Nam.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc đang phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Ảnh: Chinhphu.vn.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc đang phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Ảnh: Chinhphu.vn.

Trung Quốc có nhu cầu lớn đối với nông sản chất lượng cao của Việt Nam

Tại Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị thượng đỉnh Thương mại - Đầu tư Trung Quốc - ASEAN (CABIS) lần thứ 20 tại TP Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc tháng 9/2023, trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường khẳng định, Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa thị trường cho hàng hóa Việt Nam, nhất là các mặt hàng nông, thủy sản chất lượng cao; mở rộng hơn nữa quy mô và nâng cao hiệu suất giao thương thông qua việc nâng cấp hạ tầng cửa khẩu, kết nối chính sách, xây dựng cửa khẩu thông minh, thúc đẩy thanh toán bằng đồng bản tệ....

Thủ tướng Lý Cường cho biết đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan của Trung Quốc tích cực trao đổi với Việt Nam để thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác cụ thể, cùng nhau xây dựng chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất ổn định. 

Điều này tiếp tục được khẳng định tại Kỳ họp lần thứ 12 Ủy ban Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc vừa diễn ra vào tháng 11/2023 tại Hà Nội.

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào cho biết, thị trường Trung Quốc có nhu cầu lớn và sẵn sàng chào đón nông sản chất lượng cao của Việt Nam. Thời gian tới, Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ tiếp tục phối hợp với Hải quan Trung Quốc để thúc đẩy mở cửa thị trường đối với nông sản Việt Nam.

Với dân số hơn 1,4 tỷ người, tầng lớp trung lưu ngày càng lớn, Trung Quốc là thị trường lớn cho nhiều loại mặt hàng nông lâm thủy sản chất lượng cao.

Trong khi đó, thị phần của nông sản Việt Nam tại đây còn tương đối nhỏ, chiếm chưa đến 5% tổng giá trị nhập khẩu nhóm hàng này của Trung Quốc. Đây cũng chính là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam gia tăng thị phần các mặt hàng nông lâm thủy sản chất lượng cao của mình tại thị trường Trung Quốc.

Sự hồi phục của kinh tế Trung Quốc sau đại dịch cùng sự hỗ trợ về mở cửa thị trường đã tạo cho xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc tăng trưởng ấn tượng trong năm 2023.

Điều này được thể hiện rất rõ ở qua số liệu thống kê và kim ngạch xuất nhập khẩu của 11 tháng năm 2023, cụ thể: kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc 11 tháng năm 2023 đạt 11,1 tỷ USD, tăng trưởng 18% so với cùng kỳ và chiếm thị phần xuất khẩu cao nhất 23,2%. Trung Quốc hiện chiếm gần 54% tổng giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam; trong đó tới 90% sản lượng trái vải xuất khẩu, 80% sản lượng thanh long xuất khẩu, hơn 90% sản lượng sắn và sản phẩm chế biến từ sắn.

Có được kết quả tích cực trên là do do Trung Quốc bãi bỏ chính sách Zero Covid, giảm bớt và đi đến bãi bỏ các biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ, giúp giải phóng nhu cầu tiêu dùng khổng lồ của thị trường, đồng thời giúp quá trình thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa, nhanh chóng, thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc tiếp tục cấp phép xuất khẩu chính ngạch cho các loại trái cây mới của Việt Nam vào Trung Quốc thời gian qua đã phát huy tác dụng tích cực. Các nghị định thư về trái cây đã ký với Trung Quốc trong các năm trước đã giúp hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay có nhiều thuận lợi.

Hiện nay, 14 loại nông sản của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, gồm: Thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, thạch đen, chanh dây, sầu riêng, khoai lang và yến sào. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã cấp phép xuất khẩu cho 12 mặt hàng rau quả, sữa, 805 cơ sở chế biến thủy sản, 40 cơ sở bao gói cua, tôm hùm sống và 5 cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ chân trắng; 128 loài/loại sản phẩm và 48 loài thủy sản.

Việc mở cửa thị trường cho các mặt hàng rau quả, đặc biệt là sầu riêng tươi đã giúp xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc tăng trưởng ấn tượng trong năm 2023.

Tính đến hết tháng 11/2023, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 11,1 tỷ USD, tăng trưởng 18% so với cùng kỳ và chiếm thị phần xuất khẩu cao nhất 23,2%. Trong đó, đáng chú ý nhất là mặt hàng sầu riêng tươi là loại trái cây có giá trị kinh tế cao và rất được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.

Nửa đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng tăng đột biến, đạt 876 triệu USD, tăng tới 832 triệu USD so với con số 44,2 triệu USD của cùng kỳ năm trước (theo Tổng cục Hải quan Việt Nam).

Xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc đang có được những kết quả ấn tượng là dấu hiệu hết sức tích cực trong bối cảnh thương mại của Việt Nam nói chung gặp nhiều khó khăn trong năm 2023. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi hàng hóa nông sản là nhóm hàng truyền thống và liên quan đến cuộc sống của hàng triệu hộ nông dân của Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tiến hành Hội đàm. Ảnh: Chinhphu.vn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tiến hành Hội đàm. Ảnh: Chinhphu.vn.

Việt Nam nâng cao chất lượng nông sản theo hướng đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng ngày càng cao của thị trường Trung Quốc

Việt Nam là đất nước có nhiều tiềm năng về nông nghiệp nói chung và các loại nông sản nói riêng, trong đó có nhiều loại đặc sản rất được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Với vị trí địa lý rất thuận tiện cho việc giao thương buôn bán và là lợi thế cạnh tranh về logistics so với các quốc gia khác. Các mặt hàng nông sản tươi sống như rau, quả, thủy sản… vận chuyển từ Việt Nam sang Trung Quốc có thời gian ngắn nên khi đến tay người tiêu dùng vẫn giữ được chất lượng và độ tươi ngon tự nhiên.

Thị trường Trung Quốc mang lại nhiều cơ hội nhưng cạnh tranh sẽ rất cao. Các thương hiệu Việt Nam cần phải chứng minh cho người tiêu dùng Trung Quốc thấy được chất lượng vượt trội của nông sản Việt Nam cùng với đó là độ tin cậy trong buôn bán. Do đó, Việt Nam có nhiều biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu, từ đó giữ vững và từng bước mở rộng thị phần xuất khẩu tại thị trường này, cụ thể:

Thứ nhất, thường xuyên cập nhật thông tin về nhu cầu thị trường và các quy định của phía Trung Quốc về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh.

Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT đã phối hợp cùng các đối tác Trung Quốc và các địa phương tổ chức các hội nghị, hội thảo để tuyên truyền về các thay đổi về chính sách của thị trường Trung Quốc nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, xuất bản nhiều cẩm nang hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản.

Thứ hai, quản lý chặt chẽ chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo đúng các quy định của phía Trung Quốc.

Thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã phân cấp cụ thể việc quản lý cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng cho các địa phương chủ động thực hiện công tác này từ khâu tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra, thẩm định cũng như cấp các mã số vùng trồng, cơ sở đóng và duy trì giám sát các điều kiện tại các khu vực đã được cấp mã số vùng trồng.

Các cơ quan chuyên môn của Việt Nam đã tích cực hướng dẫn, tập huấn chuyên môn cho người dân, doanh nghiệp về các quy định nhập khẩu của Trung Quốc.

Đồng thời, tăng cường hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc cấp, quản lý và sử dụng mã số tại các địa phương; phối hợp với các bộ, ngành và địa phương trong thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; các đơn vị kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa và thông tin về vùng trồng, cơ sở đóng gói liên quan tới lô hàng; phát hiện, xử lý nghiêm và tuyệt đối không cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cho các lô hàng không tuân thủ quy định. Nhìn chung, các doanh nghiệp và nông dân Việt Nam đã nhanh chóng tuân thủ và đáp ứng được các yêu cầu và quy định mới của phía Trung Quốc.

Thứ ba, tăng cường đàm phán xuất khẩu chính ngạch, đảm bảo nông lâm thủy sản xuất khẩu được chuẩn hóa, đồng bộ về chất lượng, bao bì, nhãn mác, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, có logo, nhãn hiệu, thương hiệu quốc gia.

Nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Bộ NN-PTNT Việt Nam đã phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để hoàn thiện và ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dưa hấu xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc; Bản ghi nhớ các yêu cầu đối với việc xây dựng vùng sạch bệnh Lở mồm long móng có sử dụng vắc xin.

Ngoài ra, hai bên đang phối hợp chặt để hoàn thiện các thủ tục và sớm ký Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, dược liệu… một số loại trái cây có thế mạnh của Việt Nam sang Trung Quốc.

Thứ tư, chuẩn hóa thương mại biên mậu, phối hợp thường xuyên với phía Trung Quốc xử lý ách tắc trong lưu thông. Tại Diễn đàn hợp tác nông nghiệp Trung Quốc - ASEAN lần thứ 7 vào tháng 9/2023 tại TP Nam Ninh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến và lãnh đạo Chính quyền nhân dân khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác nông nghiệp giữa hai bên, với mục tiêu thúc đẩy và phát triển mối quan hệ hợp tác trong nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng như xúc tiến thương mại và đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bản ghi nhớ đã xác định rõ các nội dung hợp tác cụ thể: Tăng cường hợp tác trong nông nghiệp và phát triển nông thôn; đẩy nhanh thông quan hàng hóa nông thủy sản; đẩy mạnh phát triển thương mại và đầu tư về nông thủy sản; hình thành cơ chế phục vụ doanh nghiệp và thị trường. Đây là hình mẫu để Bộ tiếp tục nhân rộng quan hệ thương mại nông lâm thủy sản với các địa phương khác của Trung Quốc trong thời gian tới.

Cuối cùng là tăng cường sự kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc thông qua Hiệp hội doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam và Trung Quốc. Trong chuyến công tác hồi cuối tháng 5/2023 tại 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam, Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đã thống nhất chủ trương với lãnh đạo Quảng Tây và Vân Nam về xúc tiến thành lập 2 Hiệp hội doanh nghiệp nông sản Việt Nam - Quảng Tây và Việt Nam - Vân Nam. Các hiệp hội này được thành lập sẽ là sân chơi kết nối các doanh nghiệp của hai bên, từ đó, góp phần hình thành chuỗi cung ứng nông sản.

Xem thêm
Nông nghiệp Hà Nội được nhiều người biết đến nhờ thông tin tuyên truyền

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp của Thủ đô năm 2023 đã đạt tốc độ tăng trưởng 2,74%.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Phát hiện thi thể không nguyên vẹn dưới chân cầu Long Biên

Cảnh sát xác định nạn nhân là nam giới đã chết khoảng hơn 1 tháng, thi thể đã bị phân hủy, khô lại, không còn nguyên vẹn và hiện chưa rõ danh tính.

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.