| Hotline: 0983.970.780

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Thứ Hai 06/05/2024 , 10:23 (GMT+7)

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.

Bí thư Bùi Minh Hải coi giáo dục là nhiệm vụ quyết định, ảnh hưởng tới phát triển của huyện Mường Nhé.

Bí thư Bùi Minh Hải coi giáo dục là nhiệm vụ quyết định, ảnh hưởng tới phát triển của huyện Mường Nhé.

Không cho đất nghỉ

Là huyện rộng nhất tỉnh Điện Biên (hơn 156.000ha), cũng là nơi có diện tích rừng nhiều nhất (hơn 86.000ha), nhưng ít ai biết rằng Mường Nhé thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu đất sản xuất. 22 năm thành lập thì cũng là bấy nhiêu mùa hoa ban, cấp ủy và chính quyền Mường Nhé vò đầu bứt tai với 2 bài toán nan giải: tình trạng phá rừng làm nương và di cư tự do. Mà ngọn nguồn của cả hai, chung quy vẫn cứ là không có đất canh tác, bên cạnh nguyên nhân cố hữu là địa hình bị chia cắt, nằm cách xa trung tâm TP Điện Biên Phủ và mạng lưới giao thông chưa hoàn thiện.

Đất không thể tự sinh ra thêm, vậy thì muốn tăng diện tích gieo trồng không cách nào khác hơn ngoài thâm canh, gối vụ. Bí thư Huyện ủy Bùi Minh Hải tin như vậy. Chẳng thế mà chỉ vài tháng sau khi về Mường Nhé nhận nhiệm vụ, ông kêu gọi Thường vụ Huyện ủy khởi xướng phong trào “Không cho đất nghỉ”. Nghĩa là thay vì để người dân nay đây mai đó, vụ này thu hoạch xong thì đi tìm mảnh đất mới màu mỡ hơn, thì “định cư” họ lại. Việc canh tác trên đồi dốc, nương rẫy được thực hiện theo hướng bền vững, luân canh tăng vụ. Thay vì chỉ trồng 1 vụ lúa, người dân được hướng dẫn kỹ thuật trồng bổ sung hoa màu, làm tăng giá trị trên một diện tích canh tác.

“Mục tiêu lớn nhất vẫn là ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội, tránh di cư tự do”, ông Hải trải lòng.

Nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích thông qua tái cơ cấu giống, cây trồng cũng là một chủ trương lớn của ngành nông nghiệp Điện Biên nói chung. Ông Trần Văn Thượng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT thống kê, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi gần 3.000ha đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm kém hiệu quả sang các cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn, như cây ăn quả, cây dược liệu, rừng sản xuất... Cùng với đó, các địa phương cũng đẩy mạnh các chuỗi liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm giữa HTX, doanh nghiệp với người dân.

Người dân trồng quế tại xã Mường Toong. 

Người dân trồng quế tại xã Mường Toong. 

Trên cánh đồng Mường Thanh rộng hơn 4.000ha, vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp của tỉnh, từ năm 2021 đến nay, huyện Điện Biên đã triển khai dự án “Cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo hàng hóa chất lượng cao gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Điện Biên” với diện tích khoảng 350ha; và dự án hỗ trợ “Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống lúa mới vào sản xuất” với diện tích 150ha. Giá trị các sản phẩm chủ lực tăng lên, góp phần tăng giá trị nông, lâm, thủy sản thêm 3,5% trong năm 2023. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt 26 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm còn gần 37%.

Nhưng như thế vẫn là chưa đủ với mảnh đất cực Tây của Tổ quốc, bởi nhiều người dân vẫn còn tư tưởng chỉ trồng 1 vụ lúa để đủ ăn cho gia đình. Nền sản xuất chưa thoát khỏi cảnh tự cung tự cấp, chứ đừng nói đến quy mô hàng hóa, hay chuyển dịch sang làm kinh tế nông nghiệp. Thay đổi một nếp nghĩ rõ ràng không phải chuyện ngày một, ngày hai.

Từng làm nông nghiệp và có nhiều dịp đi thăm các mô hình ở những địa phương lân cận, Bí thư Hải thừa nhận, cần có một “cú hích” đủ lớn để bà con bỏ thói quen cũ. Nghĩa là khi cắt cây lúa là họ biết phải gieo hạt ngô vào gốc rạ, gốc rạ cấp ẩm, phân rã thành mùn cung cấp lại chất dinh dưỡng cho ngô. Khi ngô được thu hoạch, người nông dân lại phải linh hoạt trồng thêm khoai, cứ như vậy rồi gối sang vụ lúa. Quanh năm suốt tháng, lúc nào đất cũng được phủ bóng, có như vậy mới thoát được nghèo đói. Tất nhiên, trồng lúa chỉ giải quyết vấn đề miếng ăn trước mắt, còn lâu dài thì không ổn vì hiệu quả kinh tế thấp, lại tốn nhiều nhân công chăm bón.

1.000ha đất trồng lúa nương kém hiệu quả đã chuyển sang trồng ngô chưa đủ để khiến người đứng đầu Huyện ủy vui mừng. Ông vẫn khát khao đi tìm một loài cây chủ lực, theo kiểu nhắc đến Mường Nhé là nghĩ ngay đến chúng. Mắc ca từng là một gợi ý. Không riêng gì Mường Nhé mà cả mấy huyện nữa tại Điện Biên cũng sốt xình xịch vì “nữ hoàng quả khô” này. Nhưng qua mấy năm, vướng hết cái nọ đến cái kia, giờ nhiều vùng trồng mắc ca tại huyện trong cảnh bỏ hoang dù đã có quả bói. Ngoài mắc ca còn có sa nhân, thực tế là đã có nhiều xã thử nghiệm và tương đối thành công như Sín Thầu, Nậm Kè, Nậm Vì, Pá Mỳ… Tuy nhiên, sau Covid-19, giá sa nhân bấp bênh, từ chỗ 50.000 đ/kg, sa nhân tím rớt giá chỉ còn chưa đầy một phần ba, khiến người dân đứng ngồi không yên.

Trục chính giao thông vào huyện Mường Nhé được xây dựng khang trang. 

Trục chính giao thông vào huyện Mường Nhé được xây dựng khang trang. 

Anh Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện thừa nhận, có thời điểm sa nhân được xem là cây xóa đói giảm nghèo. Vừa tận dụng được diện tích dưới tán rừng, vừa tốn ít công chăm sóc, sa nhân có lúc đỉnh điểm phát triển tới hơn 200ha, chủ yếu tập trung quanh Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé. Nếu chăm sóc tốt, mỗi hecta sa nhân có thể cho thu hoạch 2 tấn quả, với giá như lúc trước dịch khoảng 50.000 – 70.000 đ/kg, thì mỗi hộ có thể thu nhập ngót nghét cả trăm triệu mỗi năm.

Thực tế, là từ năm 2015, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, UBND huyện Mường Nhé đã chỉ đạo các xã tập trung phát triển mạnh sa nhân, đồng thời bố trí nhiều mô hình điểm. Nhưng do phát triển ồ ạt, tiểu thương thu mua hạn chế sau dịch, nên giờ lại thành ra loay hoay.

Trở lại câu chuyện “cú hích” của Bí thư Hải, ông nêu một thực tế là diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp của Mường Nhé rất lớn, lên tới hơn 125.000ha nhưng khoảng một phần ba trong số này chưa có rừng. Nếu trừ đi thêm khoảng 10.000ha thuộc đất rừng đặc dụng, Mường Nhé cần phủ xanh hơn 30.000ha. Huyện biên giới khát những cây lâm nghiệp đa mục đích. Và đó cũng là lúc cây quế được gọi tên.

Bí thư Bùi Minh Hải bên cạnh đồng bào dân tộc tại khu vực trung tâm huyện Mường Nhé.

Bí thư Bùi Minh Hải bên cạnh đồng bào dân tộc tại khu vực trung tâm huyện Mường Nhé.

Hướng tới lâm nghiệp bền vững

Cây quế lên Mường Nhé không phải ngẫu nhiên. Từ những năm 2016, tại bản Pắc Ma, xã Mường Tè (tỉnh Lai Châu), cách ngã ba Chung Chải (Điện Biên) chừng 40km, cây quế đã bắt đầu bén rễ. Sau khoảng 4 năm trồng, quế bắt đầu cho thu tỉa cành lá, với số tiền ước khoảng 15-20 triệu đồng/ha. Nhiều hộ dân tại các xã lân cận thuộc Mường Nhé, như Leng Su Sìn, Sín Thầu, Sen Thượng… cũng tò mò đến xem thử, vì tin rằng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của hai bên khá tương đồng.

Đem chuyện hỏi ông Đặng Văn Châu, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lai Châu, mới biết quế đã phủ xanh hơn 200ha đất xã Mường Tè. Trên phạm vi toàn huyện Mường Tè, cây quế đóng rễ ở toàn bộ 13 xã, với tổng cộng hơn 2.000ha, trong đó trên 50% diện tích đã bắt đầu cho thu tỉa cành, lá. Địa phương tiếp tục khuyến khích phát triển quế và lấy cây trồng này làm mũi nhọn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho bà con vùng cao, đồng thời phấn đấu đến năm 2025 trồng 4.000ha và tăng lên khoảng 10.000ha đến năm 2030 tại Mường Tè. Câu chuyện liên kết, cả trong sản xuất lẫn bao tiêu đầu ra đã được tỉnh bên kia bờ sông Đà tính đến.

Ông Trần Văn Thượng: Tái cơ cấu nông nghiệp Điện Biên đã thu được nhiều kết quả quan trọng.

Ông Trần Văn Thượng: Tái cơ cấu nông nghiệp Điện Biên đã thu được nhiều kết quả quan trọng.

Trăn trở vấn đề này, Bí thư Bùi Minh Hải đã cử nhiều đoàn công tác tới Mường Tè, Nậm Nhùn, thậm chí mời cả chuyên gia của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đến thực địa. Thế rồi, những diện tích đất nương bạc màu, đất đồi trọc bắt đầu được chuyển đổi sang trồng quế. Ban đầu là người dân trồng tự phát, tại các xã như Mường Toong, Phu Luông, Mường Lói… Đến nay, khoảng 2.000ha đất tại huyện Mường Nhé đã được chuyển đổi sang trồng quế.

Ông Thào Seo Sình, bản Huổi Ping, xã Mường Toong là một trong những hộ đầu tiên mạnh dạn đầu tư vào loại cây này. Từng xuống tận Lào Cai mua hơn 1.000 cây giống về thử nghiệm trên diện tích khoảng 3ha nương ngô kém hiệu quả, ông thừa nhận đi đầu nên cái gì cũng bỡ ngỡ, từ chuyện làm bầu ươm hạt, chăm sóc cây, đến lo chuyện nước tưới. Nhưng nếu không “liều một lần” thì cả đời ông Sình, lẫn các con, các cháu vẫn quanh quẩn bữa no, bữa đói, mót từng hạt thóc, hạt ngô và trông chờ vào “nước trời” (mưa).

Xã Mường Toong là một trong điểm được huyện Mường Nhé bố trí ổn định dân cư theo Đề án 79. Từ những năm đầu thập niên 2000, người Mường Toong, cả cũ lẫn mới, đều phải vật lộn với chuyện khai khẩn đất hoang. Trồng lúa thì hiệu quả thấp mà trồng ngô thì bấp bênh, rồi còn chuyện giống má, phân bón, thuốc trừ sâu… Nhìn lại cả chặng đường mười mấy năm ấy, để ông Sình cũng như nhiều người khác tự động viên bản thân. Trồng quế có khó cũng chỉ mất khoảng 2-3 năm đầu tiên. Khi cây khép tán, mọi việc nhàn hơn, đặc biệt là không mất công phát cỏ. Bước sang năm thứ 4 trở đi, người dân có thu nhập từ việc tỉa cành cây bán dần.

Trong lúc chờ đến năm thứ 10 để thử nghiệm chất lượng vỏ quế - thành phẩm chính, có giá trị cao nhất – ông Sình tiếp tục mở rộng diện tích trồng thêm 2ha nữa. Một số thương lái đã tìm đến đặt mua cây nhưng gia đình ông chưa muốn bán, muốn chăm sóc thêm để bán với giá cao hơn.

Xung quanh gia đình nhà ông Sình, hơn 40 hộ dân khác tại bản Huổi Ping cũng đưa quế về trồng. HTX đầu tiên tại bản được thành lập, với 7 thành viên ban đầu, có trách nhiệm ươm và phân phối cây giống, hỗ trợ kỹ thuật trồng và tìm đầu ra cho sản phẩm. Một số hộ, trong đó có nhà ông Sình, thậm chí nghĩ đến việc trích một phần doanh thu từ bán quế lứa đầu để mua máy chiết xuất tinh dầu, đem lại lợi ích bền vững.

Những tấm gương như của Thào Seo Sình tiếp thêm động lực cho Mường Nhé, địa phương được tỉnh Điện Biên chọn thí điểm đề án phát triển lâm sản ngoài gỗ. Cuối năm 2022, huyện quyết định bố trí 3 tỷ đồng tiền ngân sách đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để thúc đẩy người dân, doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi giá trị vào ngành hàng này. Với mục tiêu phát triển quế lên khoảng 40.000ha vào năm 2030, trên địa bàn 4 huyện Mường Nhé, Nậm Pồ và Nậm Nhùn, Mường Tè (Lai Châu), người dân sẽ hưởng lợi ích kép: vừa thu tỉa cành, lá, vừa hưởng chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu Pờ Mỳ Lế (thứ 3 từ trái qua) luôn chủ trương cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân.

Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu Pờ Mỳ Lế (thứ 3 từ trái qua) luôn chủ trương cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân.

Vừa qua, 6 tỉnh Bắc Trung bộ được World Bank chi trả hơn 50 triệu USD tiền bán tín chỉ carbon càng thôi thúc huyện Mường Nhé phát triển lâm nghiệp bền vững để khai thác và tham gia vào thị trường này. Muốn vậy, công tác giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp và bảo vệ rừng cần được đẩy mạnh.

Đến nay, huyện đã hoàn thành kế hoạch đo đạc tại thực địa, lập bản đồ địa chính trên hơn 30.000ha, đồng thời giao đất, cấp giấy chứng nhận cho hơn 2.000 chủ rừng với diện tích hơn 20.000ha (đạt 66%). Thời gian tới, Mường Nhé sẽ kết hợp đẩy mạnh giao và cấp đất lâm nghiệp chưa có rừng với trồng quế và một số loài cây lâm nghiệp đa mục đích khác, nhằm tăng độ che phủ cũng như giúp bà con hưởng lợi thêm từ các dịch vụ môi trường rừng.

Cất cánh nơi cửa khẩu

Những ngày cuối tháng Tư, đến Điện Biên thấy như một công trường khổng lồ. Hôm 19/4 vừa rồi, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô thị sát từng công trình trọng điểm: Tuyến đường 10,5m nối cổng phụ Sân vận động tỉnh tới đường Võ Nguyên Giáp; Sân vận động tỉnh; Ngã tư Cục Thuế tỉnh đi xã Tà Lèng; Tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ từ nút giao đường Võ Nguyên Giáp, Cầu A1 đến nút giao đường Trần Đăng Ninh; Hệ thống chiếu sáng cầu Mường Thanh; Công trình quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm…

Không khí nhộn nhịp ấy lan cả lên phía Bắc. Tỉnh lộ 131, đoạn từ Ma Thì Hồ đến Phi Lĩnh, được mở rộng để cắt cua; Con đường độc đạo từ trung tâm Mường Nhé lên A Pa Chải cũng được đầu tư, những đoạn xuống cấp được cấp phối đá dăm. Thấp thoáng dưới những bóng nhà thấy bà con người Mông, người Thái, người Hà Nhì treo cờ đỏ sao vàng, mừng ngày lễ lớn của đất nước. Mừng đấy nhưng cũng thấp thỏm không ít bởi trong sự vươn lên chung của đời sống kinh tế - xã hội, nếu bỏ qua sự hỗ trợ của Chương trình 134, 135 trước đây, hay hiện nay là các Chương trình mục tiêu quốc gia, yếu tố nội lực của bản thân Mường Nhé được bao nhiêu phần.

Người dân Mường Nhé tất bật chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Người dân Mường Nhé tất bật chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Bí thư Mường Nhé trầm ngâm giây lát, rồi kể cho tôi nghe về thực trạng đi học tại huyện. Dù vẫn duy trì tỷ lệ lên lớp, lên cấp, nhưng số lượng học sinh đến lớp cứ rơi rụng dần. Cấp tiểu học, huyện có khoảng 7.400 học sinh, nhưng đến THCS chỉ còn 3.600, nghĩa là giảm một nửa. Học tới THPT, vì thế, trở thành “của hiếm” tại huyện biên giới. Người đứng đầu Huyện ủy gọi đó là cái vòng luẩn quẩn của tư duy, nghĩa là đa số vẫn coi học không thật cần thiết, bởi học xong vẫn phải đi làm thuê, vẫn phải lập gia đình.

“Người dân đành rằng còn nghèo cái túi nhưng không thể nghèo cả cái đầu”, Bí thư Hải nhấn mạnh, kèm thêm lý giải tại sao phải nâng sự quan tâm, đầu tư với giáo dục thêm một bước. Bởi thế hệ học sinh hôm nay chính là chủ nhân của Mường Nhé, của Điện Biên trong 10, 20 năm nữa.

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy mãi. Ngay cả ở hiện tại, vị bí thư nguyên là Giám đốc Sở NN-PTNT cũng kêu gọi tư duy phát triển huyện theo hướng ngược lại, nghĩa là Mường Nhé không chỉ có khó khăn về đường sá, có khổ sở, thiếu thốn về vật chất, hạ tầng, mà vùng cực Tây này còn quỹ đất rộng rãi, tương đối sạch và rất phù hợp với phát triển cây lâm nghiệp, cây dược liệu. Đó là những lợi thế ít nơi có được.

Phát huy điểm mạnh, kêu gọi nhà đầu tư, doanh nghiệp đến với Mường Nhé cần quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cũng như sự thay đổi về nhận thức và dân trí nâng cao của cộng đồng.

Dẫn tôi ra con đường đôi rộng 6 làn xe, chạy dọc trung tâm huyện, Bí thư Bùi Minh Hải bảo, không ít người bất ngờ về con đường này. Trong thâm tâm, hầu như ai cũng nghĩ, rằng một huyện vùng cao biên giới sẽ gần như khó có cơ sở hạ tầng khang trang, đủ sức cung cấp dịch vụ, logistics cho các chuyến container lên A Pa Chải, khi lối mở này nâng cấp lên thành cửa khẩu quốc tế. Phát huy những sản phẩm nông, lâm nghiệp chiến lược, đồng thời khai thác triệt để lợi thế cửa khẩu, đó vừa là nhiệm vụ bắt buộc để bù đắp những bất lợi về vị trí địa lý cho Mường Nhé, vừa là con đường ngắn nhất, duy nhất để huyện vùng cao cất cánh.

Một trong những thách thức trong việc bảo vệ rừng tại Mường Nhé là tại các khu vực giáp ranh, cụ thể là 3 điểm: bản Cây Sặt, xã Huổi Lếch với bản Nậm Ngà, xã Tà Tổng (huyện Mường Tè); xã Quảng Lâm và Nậm Kè với xã Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ); xã Leng Su Sìn và Sen Thượng với xã Mù Cả (huyện Mường Tè).

Trong đó, khu vực tại bản Cây Sặt phức tạp hơn cả. Do việc chia tách tỉnh vào năm 2004, bản Nậm Ngà (Mường Tè) còn hơn 80 hộ dân sinh sống và canh tác sản xuất trên địa giới hành chính thuộc xã Huổi Lếch (Mường Nhé), dẫn tới tình trạng rừng thuộc quản lý của huyện Mường Nhé nhưng người lại thuộc huyện Mường Tè.

Xem thêm
Bầu bổ sung 4 Ủy viên Bộ Chính trị khóa 13

Trung ương bầu bổ sung ông Lê Minh Hưng, Đỗ Văn Chiến, Nguyễn Trọng Nghĩa và bà Bùi Thị Minh Hoài vào Bộ Chính trị.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Cần có các giải pháp tiếp cận thị trường nông sản tổng quan hơn'

Đây là ý kiến kết luận của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Trưởng Ban Chỉ đạo chất lượng, ATTP và phát triển thị trường, tại phiên họp lần thứ nhất của ban.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dự án hơn 200 tỷ đồng bị hư hỏng phần kè do thi công ẩu

Hạng mục công trình kè biển chắn sóng chạy dọc đường ven biển huyện Hoằng Hóa chưa bàn giao đã xuống cấp. Nguyên nhân do chất lượng công trình không đảm bảo.