| Hotline: 0983.970.780

'Tập đoàn' lợn bản địa Việt Nam

Thứ Tư 30/01/2019 , 13:50 (GMT+7)

Việt Nam có bộ giống lợn bản địa hết sức đa dạng, phân bố rộng rãi trên cả nước, với chất lượng thịt đặc biệt thơm ngon. Đây là tiềm năng rất lớn để phát triển thành các nhóm sản phẩm chăn nuôi đặc sản địa phương theo định hướng tái cơ cấu ngành chăn nuôi hiện nay.

Tuy nhiên, nếu không có chiến lược đầu tư để bảo tồn, các giống lợn bản địa có nguy cơ tuyệt chủng rất cao.
 

Nhóm lợn đen miền núi

Nhóm lợn đen này có hai loại màu: đen tuyền và đen - trắng. Loại đen trắng thân chủ yếu là màu đen, chân, trán, đuôi, hoặc dưới bụng có thể pha vạt trắng. Trong phạm vi “Dự án Biodiva”, khảo sát trong tổng số 1.324 con lợn bản địa tại Hà Giang, có 60,5% lợn đen tuyền, 39,5% là đen trắng (Võ Văn Sự, 2008). Về kích thước, nhóm lợn đen cũng có thể có mấy loại: to con như lợn Mường Tè, nhỏ con như lợn Sóc (Tây Nguyên).

14-35-20_nh1
Lợn ỉ mỡ, một trong những giống lợn quý đã bị tuyệt chủng

Đến nay tại Việt Nam, đã nhận dạng được các giống/quần thể lợn đen như sau: lợn Mường Khương (Lào Cai); lợn Lũng Pù (Hà Giang); lợn Táp Ná (Cao Bằng); lợn Bản (Sơn La); lợn 14 vú (Điện Biên); lợn Mường Tè; lợn Lửng (Phú Thọ); lợn Mẹo (Nghệ An); lợn Sau Na (Nghệ An); lợn Khùa (Quảng Bình); lợn Vân Pa (Quảng Trị); lợn Cỏ A Lưới (Thừa Thiên Huế); lợn Sóc (Đăk Lăk); lợn Chư Prông (Gia Lai).

Nhóm lợn đen có mặt ở các làng bản của các dân tộc thiểu số vùng núi kéo dài từ Lạng Sơn đến tận miền Tây Nam Bộ. Hầu như ở đâu có người thiểu số ở, ở đấy có loại lợn này. Chúng sống trong môi trường nuôi dưỡng và sinh thái khác nhau, đa phần được nuôi thả rông. Có nơi, lợn được thả rông khi hoa màu không còn trên nương (như xã Cao Sơn, Mường Khương, Lào Cai), hoặc nuôi nhốt hoàn toàn (như xã Táp Ná, huyện Thông Luông, Cao Bằng). Một số nơi, lợn được nuôi nhốt hoàn toàn như xã Bhlê – huyện Tây Giang – Quảng Nam).

Nhóm lợn đen miền núi có thể lẫn lai tạp với lợn rừng. Chúng cũng có một số đặc điểm dễ nhận thấy giống lợn rừng như có lông chụm ba, răng nanh. Những đàn lợn lai như thế đã được phát hiện tại Mường Tè (Lai Châu) và Đăk Lăk. Từ năm 2005, khi phong trào nuôi lợn rừng phát triển thì việc lai tạo xảy ra thường xuyên hơn. Ví dụ, ngay trong đàn lợn giống Vân Pa được Trường Trung học Nông nghiệp Quảng Trị nuôi dưỡng cũng có cả lợn rừng và con lai lợn rừng và lợn Vân Pa. Vì thế cần phải nuôi những đàn thuần để bảo tồn.

14-35-20_nh2
Lợn ỉ gộc, giống lợn bản địa có chất lượng thịt thơm ngon rất được ưa chuộng

Là vật nuôi cơ bản và cung cấp thịt chính cho vùng miền núi, đặc biệt là cho dân tộc thiểu số, được nuôi thả rông. Tuy nhiên từ khoảng năm 2005 đến nay, người miền xuôi đã bắt đầu có phong trào nuôi các giống lợn này để làm cái nền lai với lợn rừng tạo lợn rừng lai. Bên cạnh đó, cũng có một số người nuôi thuần lợn này tại đồng bằng. Giá các loại lợn này thường cao gấp đôi lợn công nghiệp. Lợn đen bản địa miền núi sinh sản ít (chỉ 7-8 con/lứa). Tăng trọng của lợn đen bản địa chỉ 3-5 kg/tháng, trong khi lợn công nghiệp là 0,8-1 kg/ngày. Thức ăn của lợn công nghiệp là thức ăn công nghiệp, đắt tiền, bị chi phối bởi thị trường ngoài nước và xu hướng ngày càng tăng cao dần. Trong khi đó, thức ăn cho lợn bản địa là các loại phế phụ phẩm nên chi phí SX thấp.

Lợn thịt công nghiệp tỉ lệ nạc cao, nhưng bị cho là “xác, không có mùi vị, không ngậy”. Còn lợn đen bản địa ăn có mùi thơm, ngậy do mỡ đặc trưng. Mỡ lợn bản địa được cho là có axit béo không no, nên ăn không ngấy và nhiều người con thích “ăn vã”, ngược với các loại lợn công nghiệp. Trước đây, lợn đen miền núi bản địa từng bị lợn ngoại cạnh tranh vì cần đáp ứng nhu cầu số lượng và giá cả. Ngày nay, xu hướng lại lại đảo chiều. Nhưng làm thế nào để tăng lượng thịt lợn bản địa lên mà vẫn giữ được chất lượng sản phẩm là một vấn đề.
 

Các nhóm lợn khác

- Nhóm lợn hung (nâu) miền núi: Lợn này có màu lông hung, nâu. Trong phạm vi “Dự án Biodiva” (Võ Văn Sự, 2008), đã phát hiện lợn này tại Hà Giang. Trong tổng số 1.418 con lợn bản địa (lợn đen + lợn đen trắng và lợn hung) tại Hà Giang, có 76 con (5%) thuộc loại lợn hung. Đặc điểm của lợn hung là tỉ lệ nạc cao hơn lợn đen miền núi. Về di truyền, chúng giống nhau với nhóm lợn đen miền núi mặc dù khác nhau khá lớn về hai đặc điểm màu lông và tỉ lệ nạc. Trong quần thể lợn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), lợn Khùa (Quảng Bình) cũng có loại lợn này. Năm 2011 Viện Chăn nuôi đã có một đề tài nghiên cứu khai thác giống lợn này tại Hà Giang. Lai Châu cũng đã có một vài bài báo đề nghị bảo tồn loại lợn này tại Sìn Hồ. Theo khảo sát, tỉ lệ nạc ở loại lợn hung này ở Hà Giang cao hơn lợn đen cùng vùng và giá bán tại các địa phương cũng cao hơn lợn đen miền núi từ 15-20%.

14-35-20_nh3
Giống lợn Ba Xuyên

- Lợn ỉ: Có hai giống: Lợn ỉ mỡ (còn gọi là mặt nhăn, lợn bọ hung) và lợn ỉ gộc (còn gọi là ỉ pha, lợn ỉ sống bương). Thống kê năm 1969, cả hai giống này vẫn còn 2 triệu. Tuy nhiên đến nay, chỉ còn lợn ỉ gộc nuôi tại Thanh Hóa với tổng số 50 con. Đặc điểm của giống lợn ỉ là dễ nuôi, mỡ thơm, thịt ngon nhưng ít thịt. Lợn ỉ có màu đen, rất có thể là anh em của các giống lợn miền núi và đang có nguy cơ mất giống rất cao.

- Lợn Ba Xuyên: Giống này thực ra cũng là con lai giữa lợn Berkshire và Bồ Xụ (còn lợn Bồ Xụ là giống gì thì không ai rõ). Trước đây, giống lợn này có khá nhiều ở vùng miền Tây Nam Bộ. Hiện nay, chúng chỉ còn nuôi bảo tồn tại huyện Kế Sách (Sóc Trăng) và người dân nuôi tại huyện Tri Tôn (An Giang). Đàn lợn tại Tri Tôn còn khoảng 400 con nhưng bị lai tạp. Số đực giống hiện rất ít (khảo sát tại xã Ô Lâm, Tri Tôn, An Giang chỉ có hai con đực, lợn cái được lai với lợn công nghiệp). Lợn này đang đứng trên bờ tuyệt chủng do không được nhân thuần mà cái được lai với lợn đực ngoại.

- Nhóm lợn lang: Nhóm lợn này gồm lợn Móng Cái; lợn Hạ Lang (Hạ Lang - Cao Bằng); lợn Hương (Cao Bằng). Đặc điểm chung của các loại lợn này là có các khoang yên ngựa trên thân, đẻ nhiều và tỉ lệ mỡ cao. Lợn Móng Cái là giống khá nổi tiếng, phân bố từ Móng Cái, rải khắp miền Bắc đến tận núi cao ở Mèo Vạc (Hà Giang) và Giang Tây (Quảng Nam). Có ít nhất 5 cơ sở nuôi loại này: Trại lợn giống Móng Cái Đầm Hà (Quảng Ninh); trại lợn Tràng Bạch (Quảng Ninh); trại lợn Tràng Duệ (Hải Phòng); HTX Dịch vụ chăn nuôi Hoàng Quang Trung (Bắc Giang); Cty Chăn nuôi Bắc Giang (Bắc Giang); trại lợn Móng Cái Ái Tử (Quảng Trị). Giống lợn này được nghiên cứu nhiều và các nhà nhân giống Viện Chăn nuôi đã gây một số dòng cao sản và có nhiều dự án phát triển giống này.

14-35-20_nh4
Giống lợn Móng Cái

Trước đây, lợn Móng Cái có nhiều cá thể đẻ trên 20 con/ổ. Nhưng hiện tại không còn những cá thể, số con trên một ổ chỉ 10-13 con. Chọn lọc mạnh nhằm để lại những cá thể nuôi số con thích hợp với năng lực chăn nuôi đã gây nên tình trạng này. Xu hướng này ngược với thế giới khi mà họ đang muốn tăng số con đẻ/ổ bởi việc cải thiện các tính trạng khác không còn mang lợi nhuận tối đa và hầu như đã tới “ngưỡng”.

TS VÕ VĂN SỰ

Lợn đen bản địa đang có nguy cơ mất do bị giết thịt quá nhiều và không có kế hoạch bảo tồn, phát triển. Điều này có thể thấy rõ như đàn lợn Vân Pa (Quảng Trị) hoặc lợn đen ở xã Hòa Hải (Hương Khê, Hà Tĩnh) đã bị mất đi nhanh chóng khi có đường cao tốc mở ra, hoặc dân dưới xuôi đến làm kinh tế và nuôi lợn công nghiệp thay vì lợn bản địa của người dân tộc thiểu số từng nuôi. Lợn đen miền núi cũng có nguy cơ bị chết do bệnh tật hoặc bị lai cấp tiến với các giống khác, khiến nguy cơ giảm sự đa dạng. Chúng cũng có nguy cơ bị lai tạp với các giống lợn công nghiệp hoặc với lợn rừng.

Hiện nay, tại các địa phương cũng không có thống kê về giống lợn đen bản địa, mà chỉ nắm được về tổng số đàn. Vì vậy, nhiệm vụ cần làm là phải phân biệt các giống này và tổ chức bảo tồn và khai thác. Sự hao hụt nhìn chung cho các giống lợn bản địa có nguyên nhân lớn do sự tranh chấp với các giống ngoại vì năng suất giống lợn ngoại cao hơn hẳn giống nội. Một số giống lợn bản địa hiện đã bị mất như heo Đen Pha (Tây Nguyên), lợn Thuộc Nhiêu (Long An), lợn ỉ mỡ.

 

Xem thêm
Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Phòng trừ sâu đục lá cà chua Nam Mỹ

SƠN LA Thiệt hại do sâu đục lá cà chua Nam Mỹ gây ra có thể lên tới 80 - 100% nếu không có các biện pháp quản lý hiệu quả.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...