Công ty Phúc Sinh với hai sản phẩm chủ lực hạt tiêu và quế, tiếp tục thúc đẩy lĩnh vực xuất khẩu gia vị của Việt Nam. Không chỉ dẫn đầu, Công ty Phúc Sinh còn có đơn vị thành viên là Công ty Phan Minh Thông cũng lọt vào top 20 doanh nghiệp xuất khẩu gia vị sang thị trường châu Âu trong năm 2023.
Nghĩa là, cộng gộp cả Công ty Phúc Sinh và Công ty Phan Minh Thông, thì thị phần mà doanh nghiệp tiêu biểu này đã xuất khẩu sang châu Âu năm 2023 lên đến 16,5%.
Theo Văn phòng SPS Việt Nam, 4 sản phẩm gia vị của Việt Nam gồm mùi tây, rau mùi, húng quế, bạc hà xuất khẩu vào châu Âu sẽ không còn bị áp dụng các biện pháp kiểm soát chính thức và khẩn cấp. Đây là thành quả đạt được sau thời gian tích cực đàm phán, cam kết đảm bảo chất lượng từ phía doanh nghiệp và cơ quan quản lý của Việt Nam. Việc nới lỏng kiểm soát từ phía châu Âu không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí và thời gian phải chờ lấy mẫu kiểm tra mà còn tạo điều kiện cho các sản phẩm rau gia vị của Việt Nam cạnh tranh hơn tại thị trường này.
Năm 2023, Hà Lan vẫn là thị trường lớn nhất trong khối EU của các sản phẩm rau quả gia vị của Việt Nam. Thị trường lớn thứ hai là Đức. Các nước tiếp theo lần lượt là Pháp, Tây Ban Nha, Ba Lan. Trong các mặt hàng rau quả xuất khẩu sang châu Âu năm 2023, chanh leo là sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao nhất. Tiếp đến là xoài, rau, củ, quả, nấm các loại và thanh long.
Số liệu thống kê Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu hạt tiêu chiếm tỉ lệ 95% tổng giá trị xuất khẩu của nhóm sản phẩm gia vị. Các sản phẩm gia vị như gừng, sả, tỏi, hoa hồi và một số loại gia vị khác có giảm chút ít nhưng giá trị xuất khẩu vẫn ở mức cao.
Về thị trường xuất khẩu, gia vị của của Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu đã giảm ở hầu hết các thị trường chính. Trong đó Đức và Hà Lan là 2 thị trường lớn nhất đều giảm, do khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu.
Châu Âu đang ngày càng quan tâm đến tính xác thực và độ tinh khiết của thực phẩm, đặc biệt là đối các loại gia vị do đây là sản phẩm dễ bị pha trộn và gian lận. Ủy ban châu Âu kêu gọi các nhà khai thác, nhập khẩu cần lập tức thực hiện các biện pháp để khắc phục tình trạng nhiễm tạp chất có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, cũng như cho chính ngành gia vị và thảo mộc.
Tuy nhiên, thị trường gia vị, thảo mộc đang gia tăng nhanh và có sự tính cạnh tranh cao, đặc biệt với các loại gia vị đóng gói hỗn hợp. Kể từ thời kỳ đại dịch Covid-19, người tiêu dùng châu Âu ngày càng ý thức hơn về sức khỏe, lựa chọn thực phẩm lành mạnh hơn và thử nghiệm nhiều loại gia vị và thảo mộc tốt cho sức khỏe. Trong khi đó, hiện nay châu Âu vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu gia vị và hỗn hợp gia vị để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Bộ Công Thương đánh giá, hiện nay ngành hồ tiêu và gia vị Việt Nam chỉ mới khai thác khoảng 40% - 50% lợi thế. Để khai thác tối đa lợi thế, doanh nghiệp nước ta cần tăng cường hiểu biết về thị trường nhập khẩu. Ví dụ, trước tác động của biến đổi khí hậu, gần đây châu Âu đã ban hành Luật Chống phá rừng, tất cả những sản phẩm đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp từ các nước đi vào châu Âu phải thỏa mãn yêu cầu không phá rừng và không làm cho rừng suy thoái.
Thị trường gia vị khô toàn cầu được dự báo sẽ phát triển với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 4,7% từ năm 2023 đến năm 2033 do một số yếu tố tác động. Thứ nhất, nhu cầu ngày càng tăng về hương vị bản địa và hương vị lạ trong ngành công nghiệp thực phẩm, khi người tiêu dùng tìm kiếm những trải nghiệm hương vị mới và các lựa chọn ẩm thực đa dạng, nhu cầu về nhiều loại gia vị đã mở rộng.
Thứ hai, xu hướng về thói quen ăn uống lành mạnh hơn với các thành phần thực phẩm tự nhiên cũng đã ảnh hưởng đến thị trường gia vị khô do nhiều loại gia vị khô có các đặc tính chống oxy hóa và chống viêm.
Thứ ba, người tiêu dùng đang ngày càng tìm kiếm các lựa chọn gia vị tự nhiên và hữu cơ giúp tăng thêm hương vị đồng thời tránh các chất phụ gia nhân tạo.
Doanh nhân Phan Minh Thông, Chủ tịch Công ty Phúc Sinh khẳng định: “Triển vọng tăng trưởng của ngành xuất khẩu gia vị Việt Nam trong năm 2024 rất khả quan. Ngay những ngày đầu năm mới, chúng tôi đã có những đơn hàng từ châu Âu”.