Ngành than vẫn là "trụ cột"
Năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, bất ổn do tình hình thế giới và khu vực, nhất là chính sách "Zero Covid" của Trung Quốc, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn, nhưng bằng sự chỉ đạo quyết liệt và những giải pháp kịp thời, linh hoạt, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành các mục tiêu đề ra. Trong đó nổi bật là số thu ngân sách nhà nước ước đạt 56.500 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2021.
Trong tổng số thu ngân sách nhà nước năm 2022, thì có 42.000 tỷ đồng thu nội địa, đạt 100% kế hoạch năm và thu xuất nhập khẩu đạt 14.500 tỷ đồng, tăng 45% so với kế hoạch.
Một số doanh nghiệp trọng điểm của tỉnh có số thu ngân sách nhà nước lớn được kể đến như: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, cả năm nộp trên 14.000 tỷ đồng, bằng 105% dự toán, bằng 106% so với năm 2021, chiếm 33% tổng thu ngân sách nhà nước cả tỉnh; Tổng Công ty Đông Bắc nộp cả năm trên 2.000 tỷ đồng, bằng 101% dự toán, chiếm 4,8% tổng thu ngân sách nhà nước cả tỉnh; các nhà máy nhiệt điện nộp cả năm gần 1.700 tỷ đồng, bằng 91% dự toán, chiếm 3,9% tổng thu ngân sách nhà nước cả tỉnh; các công ty xăng dầu nộp thuế bảo vệ môi trường, cả năm nộp 1.255 tỷ, bằng 56% dự toán, chiếm 3% tổng thu ngân sách nhà nước cả tỉnh.
Đặc biệt, khi các hoạt động bình thường trở lại sau đại dịch Covid-19, nhu cầu sử dụng than tăng mạnh, trong khi nguồn cung than hiếm nên giá than nhập khẩu tăng cao. TKV và Tổng Công ty Đông Bắc đã tăng lượng than nhập khẩu để pha trộn phục vụ nhu cầu sản xuất điện, nhờ đó số thu ngân sách nhà nước từ mặt hàng than nhập khẩu tăng mạnh.
Một năm Quảng Ninh "bội thu"
Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tỉnh Quảng Ninh tăng 10,28%, đứng thứ 4 trong vùng Đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 13/63 các tỉnh, thành phố trong cả nước. Quy mô nền kinh tế đạt 269.000 tỷ đồng, tăng 17,4% so với năm 2021; GRDP bình quân đầu người ước đạt 197,6 triệu đồng/người.
Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được tỉnh chú trọng triển khai, niềm tin của doanh nghiệp đối với chính quyền được củng cố. Công tác đảm bảo an sinh xã hội được tập trung, hỗ trợ kịp thời người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các nhiệm vụ khác như quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, tài nguyên và môi trường, chuyển đổi số được thúc đẩy, tăng cường; công tác GPMB, triển khai các dự án trọng điểm, động lực được tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ… Từ đó, nhân lên niềm tự hào, củng cố niềm tin, tạo ra khí thế mới, động lực mới đưa Quảng Ninh tiếp tục phát triển ở tầm cao mới.
Điểm nổi bật là Quảng Ninh đã hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP, là năm thứ 7 liên tục tăng trưởng 2 con số; thu ngân sách có tính bền vững hơn, đứng thứ 6 cả nước về thu ngân sách. Cùng với đó, các mục tiêu phát triển kinh tế, tăng trưởng gắn với phát triển văn hóa, xã hội, con người, thu hẹp khoảng cách chênh lệch vùng miền, giàu nghèo… đã được tỉnh thực hiện hiệu quả thông qua việc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững theo tiêu chí chung của quốc gia để bước vào giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đô thị hóa văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí và chất lượng cuộc sống nhân dân...
Năm 2022 cũng là năm Quảng Ninh dành sự quan tâm đối với lĩnh vực văn hóa, giáo dục, con người thông qua việc đưa Bệnh viện Lão khoa và Phục hồi chức năng vào hoạt động; khởi công nâng cấp Bệnh viện Phổi; chuẩn bị quỹ đất và nguồn lực đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh với tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng, được nhân dân đánh giá rất cao.
Năm 2022, Quảng Ninh đã đưa vào khai thác nhiều công trình giao thông động lực như đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, Cầu Tình Yêu, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương có số Km cao tốc lớn nhất cả nước hiện nay, tạo đột phá về hạ tầng giao thông chiến lược, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế, mở ra không gian phát triển và tạo ra nguồn lực mới rất to lớn. Với các dự án này, một lần nữa đã khẳng định tinh thần, ý chí tự lực, tự cường mang bản sắc riêng của Quảng Ninh.