| Hotline: 0983.970.780

Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước thoái vốn gấp 4,6 lần giá trị sổ sách

Chủ Nhật 09/01/2022 , 22:01 (GMT+7)

Trong năm 2021, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo thoái vốn tại 6 doanh nghiệp với tổng giá trị sổ sách 574,7 tỷ đồng, thu về 2.637,7 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Ngày 8/1, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Ủy ban và 19 Tập đoàn, Tổng công ty. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái dự và chỉ đạo hội nghị.

Dự Hội nghị, về phía các cơ quan Trung ương có: Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể; Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Nguyễn Long Hải, và một số lãnh đạo các Bộ, ban, ngành liên quan.

Về phía Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có: Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh; các Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng, Nguyễn Ngọc Cảnh; cùng đại diện các Vụ, Văn phòng, Trung tâm Thông tin; lãnh đạo 19 Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Ủy ban.

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết, trong năm 2021, Ủy ban đã triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội; Chỉ thị số 19/CT-TTg  ngày 16/7/2021 của Thủ tướng về phát động thi đua phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và kế hoạch 05 năm 2021 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Bên cạnh đó, Ủy ban đã hỗ trợ, thúc đẩy các Tập đoàn, Tổng công ty tích cực đổi mới phương thức làm việc, nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị, điều hành; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nhiều Tập đoàn, Tổng công ty trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư. Ủy ban cũng tiến hành sắp xếp lại, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và hỗ trợ cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19.

Ủy ban cũng chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan xây dựng báo cáo với Bộ Chính trị về một số vấn đề như: Cơ chế xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi thanh toán khoản bù giá cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn; Cơ chế tài chính cho các dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam; Xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương.

Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết công tác của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết công tác của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Do dịch Covid-19, nhiều Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Ủy ban, nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy, thu hẹp thị trường. Không ít doanh nghiệp giảm mạnh doanh thu, lợi nhuận, thậm chí thua lỗ lớn, giảm vốn chủ sở hữu.

Tuy nhiên, tại Hội nghị tổng kết năm 2021, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá: các Tập đoàn, Tổng công ty đã thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và góp phần phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, về sản xuất kinh doanh, tổng doanh thu ước đạt 816.015 tỷ đồng (bằng 107% so với năm 2020); tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt 34.119 tỷ đồng; tổng nộp ngân sách ước đạt 62.443 tỷ đồng.

Trong đó, 13/19 Tập đoàn, Tổng công ty  hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 14/19 Tập đoàn, Tổng công ty  hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế; 14/19 Tập đoàn, Tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách; 5 Tập đoàn, Tổng công ty đạt lợi nhuận cao so với kế hoạch và so với năm 2020; 4 Tập đoàn, Tổng công ty nộp ngân sách cao so với kế hoạch và so với năm 2020.

Ủy ban đã chỉ đạo hoàn thành cổ phần hóa Tổng công ty Phát điện 2, phương án thoái vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại Tổng công ty Phát điện 3, quyết toán cổ phần hóa Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; Tái cơ cấu vốn đầu tư của Tổng công ty Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam tại các công ty thành viên;

Hoàn thành phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ của Tổng công ty Hàng không Việt Nam; Sắp xếp, tổ chức lại, thành lập các đơn vị hạch toán phụ thuộc của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty Viễn thông MobiFone;

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, nhờ sự đoàn kết, đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước, phản ứng linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Việt Nam thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ quan trọng.

Trong những kết quả đó, có sự đóng góp của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Ủy ban. "Những kết quả đã đạt được là cơ sở, nền tảng để chúng ta có thể lạc quan và kỳ vọng một bức tranh kinh tế tươi sáng hơn trong năm 2022", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận những đóng góp của Ủy ban trong việc phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội như: ủng hộ Quỹ vacxin phòng, chống Covid-19 2.565 tỷ đồng; triển khai nhiều hoạt động từ thiện; huy động cơ sở vật chất, kỹ thuật tại chỗ, hỗ trợ nhân lực, vật lực trong công tác phòng, chống dịch bệnh của cả nước.

Theo Phó Thủ tướng, Ủy ban và các doanh nghiệp đã triển khai nhiều dự án đầu tư trọng điểm, có tính kết nối, lan tỏa, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng trong đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, Ủy ban đã kịp tham mưu cho Chính phủ các giải pháp xử lý phù hợp đối với 5/12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả.

“Tuy mới hoạt động 3 năm, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã nhanh chóng ổn định tổ chức, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao, ngày càng chuyên nghiệp, trưởng thành”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao kết quả mà Ủy ban và Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc đã đạt trong năm 2021. Đồng thời, ông định hướng công tác năm 2022 với Ủy ban, là phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong việc rà soát các quy định pháp luật còn gây vướng mắc; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của Ủy ban.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được lãnh đạo Chính phủ giao Ủy ban, là xây dựng Chiến lược tổng thể đầu tư phát triển của các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc thẩm quyền. Đặc biệt cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đối với các Tập đoàn, Tổng công ty, nhất là công tác giám sát tài chính, giám sát đầu tư. Ngoài ra, ông chỉ đạo Ủy ban, thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả.

“Với quyết tâm, nỗ lực, năng động, sáng tạo của toàn thể đội ngũ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 Tập đoàn, Tổng công ty sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao năm 2022 tốt hơn nhiều so với năm 2021, xứng đáng với vị trí then chốt, đầu đàn của kinh tế nước nhà”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái bày tỏ tin tưởng.

Phó Thủ tướng trao Huân chương Độc lập cho Viễn thông Hà Nội (Tập đoàn VNPT), Công ty CP Lương thực Thực phẩm Safoco (Tổng công ty Lương thực niềm Nam) và Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Hàng hải (Tổng công ty Hàng hải Việt Nam).

Phó Thủ tướng trao Huân chương Độc lập cho Viễn thông Hà Nội (Tập đoàn VNPT), Công ty CP Lương thực Thực phẩm Safoco (Tổng công ty Lương thực niềm Nam) và Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Hàng hải (Tổng công ty Hàng hải Việt Nam).

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho biết thêm, Ủy ban đã chỉ đạo thoái vốn nhà nước tại 6 doanh nghiệp với tổng giá trị sổ sách 574,7 tỷ đồng, thu về 2.637,7 tỷ đồng (gấp 4,6 lần)...

Một số Tập đoàn, Tổng công ty có giá trị đầu tư thực hiện khá lớn là: Tập đoàn Điện lực Việt Nam ước đạt 18.194 tỷ đồng (90,1% kế hoạch), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam ước đạt 5.095 tỷ đồng (97,2% kế hoạch), Tổng công ty Viễn thông MobiFone ước đạt 6.245 tỷ đồng (79,1% kế hoạch), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước ước đạt 6.895 tỷ đồng (70% kế hoạch), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam ước đạt 3.235 tỷ đồng (65% kế hoạch), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ước đạt 19.600 tỷ đồng (44% kế hoạch).

Những dự án trọng điểm về năng lượng như: Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Thủy điện Ialy mở rộng, Nhiệt điện Quảng Trạch I; một số dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không: Long Thành, nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất, nhà ga hành khách T2 Cát Bi, mở rộng sân bay Điện Biên... cũng được hoàn thành.

Về định hướng trong năm 2022, Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh kiến nghị Chính phủ ban hành các quy định cụ thể về: cơ chế, nội dung và trách nhiệm phối hợp giữa các Bộ, ngành trong việc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành kinh tế - kỹ thuật trung và dài hạn.

Với 19 Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc, ông Hoàng Anh yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, công khai tài chính, công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước; bảo toàn, phát triển vốn và các nguồn lực Nhà nước giao; đầu tư phù hợp cơ chế kinh tế thị trường, bảo đảm hiệu quả, phát triển bền vững.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp; lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương đổi mới, hiện đại hóa quản trị doanh nghiệp theo cơ chế kinh tế thị trường; rà soát, phát hiện và kiên quyết xử lý dứt điểm các doanh nghiệp thua lỗ, dự án đầu tư không hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong kinh doanh, cổ phần hóa, thoái vốn và quản lý, sử dụng vốn nhà nước.

Bà Phạm Thị Thu Hồng - Tổng Giám đốc Công ty CP Lương thực Thực phẩm Safoco nhận Danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.

Bà Phạm Thị Thu Hồng - Tổng Giám đốc Công ty CP Lương thực Thực phẩm Safoco nhận Danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trao Huân chương Độc lập Hạng Nhất cho Viễn thông Hà Nội (Tập đoàn VNPT); Huân chương Độc Lập hạng nhì cho Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Safoco (Tổng công ty Lương thực niềm Nam) và Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Hàng hải (Tổng công ty Hàng hải Việt Nam).

Bà Phạm Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Lương thực Thực phẩm Safoco nhận Danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, Chính phủ với những nỗ lực của Safoco suốt thời gian qua.

Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Safoco tiền thân là Phòng Lương thực Quận 10 trực thuộc Công ty Lương thực TP. HCM được thành lập vào tháng 6/1975. Năm 1985, đổi tên thành Cửa hàng Lương thực Thực phẩm quận 10. Năm 1990, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 1997 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Năm 2004, xí nghiệp vinh dự được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Năm 2005, xí nghiệp chuyển từ doanh nghiệp Nhà nước sang công ty cổ phần, với tên gọi như hiện nay, với vốn điều lệ và giá trị đầu tư ban đầu là 22 tỷ đồng. Sau 5 năm kể từ khi chuyển đổi sang mô hình cổ phần, Safoco xây dựng nhà máy với năng lực sản xuất 15.000 tấn/năm, quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000, đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng chủng loại trên thị trường trong và ngoài nước.

Năm 2008 Công ty vinh dự được nhận Huân chương Độc lập hạng Ba của Chủ tịch nước. Đến năm 2021, công ty nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì. Hiện Công ty Safoco là một trong những đơn vị chế biến thực phẩm khô lớn của cả nước, xuất hiện trong các hệ thống siêu thị lớn, và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền tại Việt Nam, các nước thuộc Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ, khối EU.

Xem thêm
Yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho ớt xuất khẩu Đài Loan

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm ghi chú phương pháp thử, đơn vị thử nghiệm.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Bức tranh 'Chiến dịch Điện Biên Phủ' nhiều kỷ lục đến với người dân Thủ đô

Đây là bức tranh toàn cảnh đầu tiên tại Việt Nam, có quy mô lớn nhất Đông Nam Á với 4 trường đoạn tái hiện lịch sử hào hùng, bi tráng của dân tộc.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.