| Hotline: 0983.970.780

Tập trung nâng cấp, sữa chữa hồ đập đảm bảo an toàn cho vùng hạ du

Thứ Năm 28/10/2021 , 13:59 (GMT+7)

Nhiều hồ đập xuống cấp ở Quảng Nam đang được khẩn trương nâng cấp, sữa chữa để đảm bảo tích nước và an toàn cho vùng hạ du khi có mưa lũ xảy ra.

Nhiều hồ chứa xuống cấp, hư hỏng

Thủy lợi có vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, trong đó ngoài hệ thống kênh mương dẫn nước thì các hồ chứa là nơi thực hiện nhiệm vụ tích nước, điều tiết phù hợp trong những thời điểm hạn hán hoặc mưa lớn, góp phần gia tăng hiệu quả sản xuất, hạn chế rủi ro.

Các hồ chứa trong thuộc dự án WB8 ở Quảng Nam đang được khẩn trương thi công. Ảnh: L.K.

Các hồ chứa trong thuộc dự án WB8 ở Quảng Nam đang được khẩn trương thi công. Ảnh: L.K.

Tại Quảng Nam, địa phương này có số lượng hồ đập tương đối lớn với 73 hồ lớn nhỏ. Tuy nhiên, đa phần những hồ chứa này đều đã được xây dựng cách đây khoảng 30 – 40 năm nên đã bắt đầu có những dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp. Do đó, các đơn vị chức năng của tỉnh luôn chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát và tu bổ kịp thời, đảm bảo không có sự cố nghiêm trọng xảy ra.

Hằng năm, qua quá trình kiểm tra, các hồ chứa có dấu hiệu mất an toàn đều được tỉnh Quảng Nam bố trí nguồn kinh phí để sửa chữa, tu bổ. Do đó, qua nhiều năm các hồ chứa ở tỉnh này vẫn thực hiện tốt vai trò tích nước, điều tiết, cắt giảm lũ cho vùng hạ du, chưa có sự cố nghiêm trọng nào xảy ra. Mặc dù địa phương này mỗi năm đều phải đối mặt với nhiều cơn bão, lũ.

Cùng với đó, Quảng Nam cũng đang chú trọng đến việc ứng dụng Khoa học - Công nghệ trong việc chỉ đạo, điều hành các hồ chứa cũng như hỗ trợ cho người dân đảm bảo an toàn. Khi mùa mưa lũ về, mực nước ở các hồ chứa thủy điện, thủy lợi luôn được giám sát và cập nhật thường xuyên để Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh này có những chỉ đạo ứng phó phù hợp.

Ngoài ra, ngành chức năng tỉnh Quảng Nam cũng đang xây dựng App Phòng chống thiên tai và Phần mềm sơ tán dân. Thông qua 2 ứng dụng  này, người dân ở vùng hạ du có thể nắm bắt được những thông tin về tình hình thiên tai, những chỉ đạo của các cấp ngành cũng như xả lũ điều tiết nước của các hồ chứa. Từ đó có thể chủ động di chuyển đến địa điểm an toàn được đánh dấu trên bản đồ một cách chính xác và nhanh nhất.  

Năm 2016, Việt Nam nhận được 1 khoản tín dụng từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA)/ Ngân hàng Thế giới (WB) để tài trợ thực hiện Dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) nhằm bảo vệ người dân và tài sản ở vùng hạ du. Tỉnh Quảng Nam cũng là 1 trong số những tỉnh được hỗ trợ kinh phí từ dự án này.

Theo đó, toàn tỉnh có 14 hồ lớn nhỏ thuộc dự án WB8 với kinh phí thực hiện hơn 229 tỷ đồng, trong đó vốn ODA gần 220 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2016 – 2022. Dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư.

Sau 1 thời gian rà soát, thẩm định, đến tháng 10/2018, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và báo cáo an toàn đập; tháng 11/2018 phê duyệt quyết định lựa chọn nhà thầu. Dự án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 bắt đầu từ tháng 12/2019 đến quý IV năm 2021 và giai đoạn 2 bắt đầu từ quý 1 năm 2021, dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2022.

Thi công tràn xả lũ tại hồ Hố Giang (Quảng Nam). Ảnh: L.K.

Thi công tràn xả lũ tại hồ Hố Giang (Quảng Nam). Ảnh: L.K.

Theo Đại diện Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, do được xây dựng lâu năm theo phương pháp đắp đập đất truyền thống nên đa số các hồ năm trong dự án trước thời điểm nâng cấp, sữa chữa đều có những hư hỏng chung như: 1 số đập tràn bằng đá xay, vữa qua thời gian đã bị mục rữa; phần bê tông của cống lấy nước bị hư hỏng, cửa cống hoen gỉ dẫn đến rò rỉ nước; thấm thân đập và nền đập. Bên cạnh đó, nhiều hạng mục của các hồ chứa này thiết kế không phù hợp với quy chuẩn hiện nay.

Đảm bảo điều kiện an toàn hồ đập trong mưa lũ

Ông Nguyễn Đức Hải, Trưởng phòng Kế hoạch – Kỹ thuật, Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, các giai đoạn sửa chữa, nâng cấp hồ đập trên địa bàn thuộc Dự án WB8 đang triển khai theo đúng kế hoạch.

Giai đoạn 1 gồm 6 hồ là hồ Đồng Nhơn, Hố Mây, Đập Đá, Hố Lau, Hóc Két, Hóc Bầu đến nay đã triển khai thi công đạt khoảng 90%  giá trị gói thầu. Trong đó hồ Đồng Nhơn, Hóc Két và Hóc Bầu đã cơ bản hoàn thành. Các hồ còn lại hoàn thành trong quý IV năm 2021.

Đối với giai đoạn 2 gồm các hồ Hố Trầu, Thái Xuân, Đá Vách, Thắng Lợi, Cao Ngạn, Hố Giang, Hương Mao và Hố Chình đã triển khai thi công khối lượng đạt 45%.  Tiến độ giải ngân cả 2 giai đoạn đến nay đạt 142 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 140 tỷ đồng.

Còn đối với gói thầu thi công xử lý mối, khoan phụt và thiệt bị các hồ Hố Trầu, Thái Xuân, Đá Vách, Thắng Lợi, Cao Ngạn, Hố Giang, Hương Mao, Hố Chình đã trao hợp đồng vào quý I năm 2021 đến nay đã triển khai thi công đạt 70% khối lượng hợp đồng. Dự kiến sẽ hoàn thành thi công vào tháng 12/2021.

Những hạng mục trọng yếu sẽ được ưu tiên thi công hoàn thành trước mùa mưa lũ để đảm bảo an toàn tích nước. Ảnh: L.K.

Những hạng mục trọng yếu sẽ được ưu tiên thi công hoàn thành trước mùa mưa lũ để đảm bảo an toàn tích nước. Ảnh: L.K.

Ông Đỗ Văn Tùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi tỉnh Quảng Nam cho biết: “Trong số 17 hồ chứa lớn do đơn vị quản lý thì có 5 hồ thuộc Dự án WB8 đang trong quá trình sữa chữa, nâng cấp. Những hồ này vẫn đang trong quá trình thi công, phải qua năm 2022 mới hoàn thành. Trong đó, cơ bản các hồ chứa đã hoàn thành phần mái thượng lưu và cống lấy nước; phần mái hạ lưu đang thi công. Hiện các hồ này đều đảm bảo an toàn và có thể tích được đầy nước trong mùa mưa lũ năm nay”.

Theo ông Hải, trong giai đoạn 2 theo dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 3/2022 nhưng có 1 số hồ mới thi công được khoảng 35 - 40% khối lượng như hồ Thái Xuân (35%), hồ Hố Trầu (40%). Tuy nhiên, các hồ này hầu như đã hoàn thành các hạng mục trọng yếu như gia cố mái thượng lưu, tràn xả lũ và cống lấy nước. Do đó, đáp ứng đủ các điều kiện an toàn, có thể tích nước đủ dung tích thiết kế trong mùa mưa bão năm nay.

“Đối với phần mái thượng lưu, chúng tôi tiến hành gia cố bằng bê tông và đá lát. Những hồ hư hỏng cống lấy nước thì giải pháp là luồn ống thép vào trong lòng cống cũ sau đó bơm bê tông chèn khe giữa cống cũ và ống thép. Ngoài ra, trong quá trình thi công, chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý hồ chứa, không làm ảnh hưởng đến lịch thời vụ.

Với các hạng mục còn lại chưa hoàn thành như phần mái hạ lưu đập, nhà điều hành, hệ thống điện vận hành, đường quản lý không phải là các hạng mục trọng yếu nên sẽ xây dựng sau. Tuy nhiên, một số hồ vẫn còn gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng nên Ban quản lý đang tích cực phối hợp với các địa phương để xử lý, đảm bảo hoàn thành đúng thời gian dự kiến”, ông Hải nói.

Đại diện Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam thông tin thêm, ước tính sau khi hoành thành sữa chữa, nâng cấp 14 hồ chứa trong dự án WB8 thì vẫn còn dư kinh phí được bố trí. Do đó, tỉnh Quảng Nam đang xin được bổ sung sữa chữa thêm 3 hồ nữa gồm hồ Đồng Tiễn, hồ Dùi Chiêng và hồ Trung Lộc với mức kinh phí khoảng 52 tỷ đồng.

Đến thời điểm này, Quảng Nam đã bước vào mùa mưa lũ. Vậy nên, mới đây, UBND tỉnh này đã ban hành công văn về việc chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước thuỷ điện mùa mưa lũ năm 2021. Theo đó, để tăng cường cảnh báo cho người dân vùng hạ du, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các chủ hồ chứa kiểm tra hệ thống loa cảnh báo. Việc kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống loa cảnh báo phải có sự phối hợp, xác nhận của địa phương. Bên cạnh sử dụng phương thức, hình thức cảnh báo qua hệ thống loa ở vùng hạ du, đề nghị các chủ hồ làm việc với các cấp chính quyền xã, thôn, Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện,... phối hợp trong công tác thông tin, truyền tin cảnh báo vận hành, điều tiết trong mùa mưa lũ để người dân biết và ứng phó.

Xem thêm
Ngày 17/1 trở thành Ngày Truyền thống tỉnh Bến Tre

Tỉnh Bến Tre vừa tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Ngày Truyền thống tỉnh Bến Tre 17/1.

Nghị quyết 57 tạo động lực cho khoa học nông nghiệp

Theo PGS.TS Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, mục tiêu nâng đầu tư cho KHCN lên 2% GDP sẽ tạo động lực lớn cho giới nghiên cứu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ba người đàn ông ở thung lũng trong mơ

Tròn mười năm tôi mới trở lại thung lũng trong mơ ấy, nếu không có Tạ Xuân Anh - cán bộ Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Ninh Bình dẫn vào thì đã lạc đường.