| Hotline: 0983.970.780

Ưu tiên đầu tư xây dựng hồ đập ở vùng thiếu nước

Thứ Ba 19/10/2021 , 16:31 (GMT+7)

Cần khuyến khích huy động nguồn lực xã hội hóa xây dựng hồ đập trữ nước để bảo đảm an ninh nguồn nước...

Hồ thủy lợi Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa

Hồ thủy lợi Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa

Thiếu nước mùa khô, thừa nước mùa mưa

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng các tỉnh Nam Trung Bộ đang thực sự thiếu nước, đặc biệt là ở Khánh Hòa.

Khi tôi làm Bí thư Khánh Hoà, có một dịp nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường về tỉnh công tác. Chúng tôi lần mò đi suốt cả một ngày để khảo sát các hồ chứa thủy lợi.

Khi đến hồ Cam Ranh (huyện Cam Lâm), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp báo cáo “nếu nâng cao trình đập hồ Cam Ranh lên khoảng 3m so với hiện tại, với chi phí đầu tư khoảng 200 tỷ đồng thì có thể nâng dung tích trữ nước của hồ lên được 8 triệu m3 nước. Còn nếu làm hồ mới với dung tích trữ 8 triệu m3 phải mất 500 tỷ. Như vậy, có thể thấy rằng, đây là bài toán rất hiệu quả mà vẫn đảm bảo an toàn.

Trước đây và ngay cả bây giờ, Ninh Thuận nổi tiếng là vùng khô hạn nhất nước ta. Thế nhưng, thực tế thì Ninh Thuận không thiếu nước bằng Khánh Hòa. Bởi tổng dung tích trữ nước các hồ đập trên địa bàn tỉnh Ninh thuận hiện nay là hơn 1 tỷ m3 nước; còn tổng dung tích trữ nước các hồ đập của Phú Yên là khoảng 750 triệu m3, còn tổng dung tích trữ nước tất cả các hồ đập của Khánh Hòa mới chỉ được 250 triệu m3. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nước của Khánh Hòa là hơn 1 tỷ m3 nước mỗi năm.

Về mùa hạn, Khánh Hòa thiếu 800 triệu m3 nước, 14.000ha đất nông nghiệp phải bỏ hoang. Còn về mùa mưa thì thừa 3 tỷ m3 nước. Khánh Hòa có 40 con sông dài 10km trở lên, nhưng thiếu hồ chứa nên nước chảy ra biển hết.

Chúng tôi khảo sát thì thấy rằng, huyện miền núi Khánh Sơn có nguồn sinh thủy rất lớn, nhưng nước lại chảy sang Ninh Thuận chứ không chảy sang Khánh Hòa. Tôi và nguyên Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đã tính toán xây dựng công trình kéo nước từ Ninh thuận trở về vùng Cam Ranh cho Khánh Hòa, nhưng như thế thì tốn tiền quá, rất khó làm được. Cho nên những vùng có nguồn nước mà thiếu hồ thì phải ưu tiên đầu tư xây dựng trong giai đoạn này.

Nâng cấp, hiện đại hoá các công trình chủ động trữ nước

Về mục tiêu của dự thảo Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Chính phủ báo cáo Thường vụ Quốc hội, tôi thấy cần phải tiếp tục đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa các công trình chủ động trữ nước ngọt, cái này rất quan trọng.

Bởi hiện nay nước ta không thiếu nước nếu xét về tổng lượng, nhưng lại thiếu nước ở mùa hạn và thừa nước ở mùa mưa. Bên cạnh đó, cần đầu tư xây dựng các công trình kiểm soát mặn – ngọt ở các cửa sông lớn, nhất là vùng ĐBSCL để chủ động nguồn nước trong mọi tình huống.

Hồ chứa nước Ngàn Trươi (tỉnh Hà Tĩnh) có dung tích 775 triệu m3 nước. Đây là hồ chứa nước lớn nhất Bắc Trung Bộ và thứ 3 của Việt Nam, sau hồ Dầu Tiếng và Cửa Đạt. 

Hồ chứa nước Ngàn Trươi (tỉnh Hà Tĩnh) có dung tích 775 triệu m3 nước. Đây là hồ chứa nước lớn nhất Bắc Trung Bộ và thứ 3 của Việt Nam, sau hồ Dầu Tiếng và Cửa Đạt. 

Trong Đề án cũng phải nhấn mạnh giải pháp bổ sung, bảo vệ, khôi phục, khai thác có hiệu quả và tiết kiệm nguồn nước ngầm, nước dưới đất. Muốn làm được điều đó, cần phải tạo điều kiện để cho nước mưa, nước sông, nước mặt ngấm xuống đất.

Tôi có đọc một tài liệu của Úc, người ta đánh thuế cả những người xây nhà to quá, hoặc làm đường, làm công trình xây dựng mà bê tông hóa nền đất. Vì những công trình đó là tác nhân khiến nước mưa không ngấm xuống đất được. Đây là một giải pháp tổng thể, không chỉ Bộ NN-PTNT mà Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng rất nhiều Bộ, ngành phải tham gia vào mới giải quyết được vấn đề này.

Về mục tiêu mà Chính phủ đưa ra trong dự thảo Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước là: khoảng 50% tổng lượng nước thải sinh hoạt khu vực đô thị được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường, trong đó ít nhất 20% nước thải được xử lý và tái sử dụng. Tôi cho rằng, mục tiêu này cần phải cân nhắc lại vì Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030 được Đại hội 13 của Đảng thông qua đã đề ra rằng: “70% nước thải ở các lưu vực sông được xử lý và tái sử dụng”. Như vậy là rất thấp so với mục tiêu Đại hội 13 của Đảng đề ra.

Về giải pháp thưc hiện, cần ưu tiên nguồn lực đầu tư không chỉ là các công trình đặc biệt, công trình ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn mà cả vùng thiếu nước, vùng có nguồn nước nhưng ít hồ chứa, vì nếu không có gì để chứa thì nước sẽ chảy đi chỗ khác.

Chúng tôi thấy rằng cần thiết phải có một Nghị quyết của Quốc hội, trên cơ sở đó giao cho Chính phủ tổ chức thực hiện. Tôi nhất trí với quan điểm sẽ có một chương trình đầu tư công đến năm 2030, đồng thời khuyến khích huy động nguồn lực xã hội hóa để bảo đảm an ninh nguồn nước.

Ví dụ, tư nhân đứng ra làm hồ trữ nước để cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt, cho sản xuất, du lịch… thì người sử dụng nước phải trả phí để chủ đầu tư có điều kiện bù đắp được chi phí xây dựng công trình. Cái này rất quan trọng.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.