| Hotline: 0983.970.780

Tập trung phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa

Thứ Năm 06/02/2020 , 14:10 (GMT+7)

Vụ ĐX 2019 - 2020 toàn tỉnh Quảng Trị gieo cấy được trên 25.000 ha lúa. Hiện cây lúa đang bước vào thời kỳ đẻ nhánh.

12-55-43_ky_su_phuong_tho_cung_ong_vui_dng_kiem_tr_benh_do_on_tren_ruong_htx_cm_n
Kiểm tra bệnh đạo ôn hại lúa

Đây là giai đoạn rất mẫn cảm với các đối tượng dịch hại, đặc biệt là bệnh đạo ôn trên lá đã xuất hiện...

Theo điều tra của Chi cục Trồng trọt và BVTV Quảng Trị, bệnh đạo ôn đã xuất hiện và gây hại với diện tích trên 15 ha trên địa bàn một số huyện, thị, thành phố như Đông Hà, Gio Linh, Cam Lộ. Xã Cam An, huyện Gio Linh gieo cấy 341 ha lúa, bệnh đạo ôn đã gây hại khoảng 10 ha, các giống lúa nhiễm hại nặng (như P6, HC95, HT1...).

Ông Phạm Văn Vui, Phó Giám đốc HTX Cam An cho biết, sau khi thăm đồng phát hiện các sâu bệnh hại, đặc biệt là bệnh đạo ôn trên lá, Ban Giám đốc HTX đã chỉ đạo kịp thời nông dân phun phòng trừ. Đến nay trên toàn bộ diện tích nhiễm bệnh đã được khống chế. Trong thời gian tới HTX khuyến cáo nông dân cần tích cực bám sát đồng ruộng, phát hiện và phòng trị sâu bệnh, góp phần bảo đảm năng suất, sản lượng vụ này.

Bệnh đạo ôn do nấm Pyricularia oryzae gây ra. Điều kiện thời tiết thuận lợi, nhiệt độ thấp, ẩm độ cao, đêm và sáng sớm có sương mù, trời âm u kết hợp với giai đoạn này bà con đang thực hiện các biện pháp chăm sóc như tỉa dặm, bón thúc phân là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại trên các trà lúa gieo sớm, các chân ruộng gieo dày, bón phân không cân đối, bón thừa đạm, nhất là trên đất cát hoặc trên đất có tầng canh tác mỏng.

Kỹ sư Phạm Thị Phương Thảo, Chi cục Trồng trọt và BVTV Quảng Trị cho biết: Bệnh đạo ôn có đặc điểm là bệnh xuất hiện tập trung trên lá lúa. Ban đầu có những chấm nhỏ như đầu kim, có mầu xám xanh giống như bị luộc nước sôi, sau đó chuyển sang màu nâu, lan dần ra thành những vết hình thoi trên lá, xung quanh màu nâu đậm, giữa màu xám trắng lá.

Khi bị bệnh nặng, nó làm lụi toàn bộ lá của cây lúa và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng của cây lúa sau này, làm giảm năng suất nếu không phát hiện sớm và xử lý kịp thời.

Trong thời gian tới là thời điểm giao mùa, thời tiết sẽ có nhiều diễn biến thất thường. Các địa phương cần chỉ đạo bà con nông dân theo dõi ruộng lúa để kịp thời phòng trừ và ngăn chặn sự lây lan của bệnh đạo ôn hại lúa nhằm bảo vệ vụ ĐX thắng lợi.

Để kịp thời phòng trừ và ngăn chặn sự lây lan trên diện rộng của bệnh đạo ôn hại lúa, kỹ sư Phạm Thị Phương Thảo khuyến cáo bà con cần thực hiện các biện pháp sau:

- Tăng cường kiểm tra trên tất cả các giống, lưu ý trên những vùng gieo, cấy các giống nhiễm như HC95, P6, nếp, HT1… vùng gieo dày, bón thúc đạm sớm, bón thừa đạm, phun nhiều chất kích thích sinh trưởng để phát hiện bệnh và chủ động phun trừ kịp thời.

- Trên những chân ruộng bị bệnh phải ngừng bón tất cả các loại phân và các chất kích thích sinh trưởng, tăng cao mức nước trong ruộng và phun sớm khi bệnh mới phát sinh với tỷ lệ khoảng 5% bằng các loại thuốc có hoạt chất Tricyclazole, Isoprothiolane, Fenoxanil + Isoprothiolane như: Beam 75 WP, Flash 75 WP, Ninja 35EC... theo liều lượng khuyến cáo, chú ý phải phun ướt đẫm lá, những ruộng bị nặng phải phun lần 2 sau lần 1 từ 5 - 7 ngày. Những ruộng đã nhiễm bệnh đạo ôn lá, sau phun thuốc khi bệnh ngừng phát triển mới được bón các loại phân.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.