| Hotline: 0983.970.780

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho nông dân

Thứ Năm 28/05/2015 , 09:21 (GMT+7)

Một lần nữa tình hình SX nông nghiệp và tiêu thụ nông sản những tháng đầu năm gặp khó khăn lại được đưa ra bàn thảo trong phiên họp thường kỳ tháng 5 của Chính phủ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, tại phiên họp Chính phủ, các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận, phân tích làm rõ các hạn chế, khó khăn nổi lên thời gian qua như SXNN gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ; hạn hán diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi, nhất là Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Tiêu thụ một số mặt hàng nông sản nhiều lúc ách tắc, nhất là gạo, cao su, trái cây, ảnh hưởng đến đời sống nông dân. XK của khu vực trong nước giảm 2,7%; khách quốc tế đến Việt Nam giảm 12,6% so với cùng kỳ năm 2014...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý không chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được khi tình hình thế giới còn khó khăn, diễn biến khó lường mà cần tiếp tục phấn đấu để đạt các chỉ tiêu năm 2015 đã trình Trung ương, Quốc hội.

Thủ tướng yêu cầu thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô. Theo dõi sát diễn biến lạm phát, giá dầu và biến động kinh tế thế giới để có điều chỉnh chính sách phù hợp, kịp thời.

Các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình hạn hán ở miền Trung và Tây Nguyên, triển khai kịp thời các phương án bảo đảm phát triển SXNN và ổn định cuộc sống của người dân. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho nông dân, nhất là tiêu thụ nông sản, thúc đẩy SXNN theo hướng hiện đại.

Về tái cơ cấu nền kinh tế, Thủ tướng đề nghị tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu để bảo đảm thực hiện theo đúng lộ trình. Đồng thời tiếp tục xử lý các khó khăn, vướng mắc trong tái cơ cấu DN nhà nước.

Thủ tướng nêu rõ, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, chủ động tham gia đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác.

Chuẩn bị tốt các điều kiện để khai thác hiệu quả các cơ hội, thuận lợi và khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức của hội nhập nhằm thúc đẩy mạnh XK.

Trả lời báo chí về các giải pháp được Chính phủ bàn trong việc tiêu thụ nông sản cho nông dân thời gian tới, ông Nguyễn Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết: Chúng ta sẽ tiếp tục đàm phán để ký hiệp định thương mại tự do nhằm đốc thúc việc XK. Thành công vừa rồi ký được với Hàn Quốc đã tháo gỡ nhiều rào cản cho XK nông sản. Tới đây sẽ ký với Liên minh Á - Âu, và đang cố gắng để gia nhập TPP.

Cùng với đó sẽ tổ chức nhiều cuộc xúc tiến thương mại, thị trường nội địa, miền núi, hải đảo xa xôi để giải quyết đầu ra nông sản. Việc đã làm nhưng sẽ tiếp tục làm mạnh hơn đó là cung cấp thông tin về các sản phẩm cho thị trường.

Về vấn đề tiêu thụ vải thiều hiện nay, ông Hải cho hay là đã bàn bạc với các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương tổ chức kết nối với các tỉnh phía Nam để tiêu thụ. Cùng với đó là tổ chức các đoàn đến hỗ trợ người dân, địa phương, có mặt tại các cửa khẩu để làm tốt hơn việc tiêu thụ vải.

Về tình hình biển Đông hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết: Đây là vấn đề rất hệ trọng của quốc gia. Quan điểm của Chính phủ, nhất quán trước sau như một là giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Chính phủ đã gửi công hàm đến Liên hiệp quốc và lưu hành tới các nước thành viên.

Với Trung Quốc những quan hệ nào đồng thuận thì chúng ta tiếp tục duy trì và phát huy. Cái nào còn bất đồng thì tiếp tục đấu tranh bằng luật pháp quốc tế trên tinh thần giữ nguyên hiện trạng và không làm phức tạp thêm tình hình. Ngoại giao của các nước G7 cũng bày tỏ sự quan ngại. Tổng Thư ký Liên hiệp quốc cũng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những gì đang diễn ra trên biển Đông.

“Việc Trung Quốc bồi đắp trên biển Đông không chỉ ảnh hưởng riêng Việt Nam mà còn tác động tới vấn đề an ninh hàng hải trên biển Đông liên quan đến nhiều nước”, Bộ trưởng Nên nói. 

Phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết, thời gian qua, về tổng thể ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định; các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp đang được triển khai quyết liệt.

Song ngành nông nghiệp cũng gặp những khó khăn nhất định, trong đó lớn nhất là tình hình hạn hán kéo dài ở miền Trung và Tây Nguyên, một số mặt hàng nông sản khó tiêu thụ,… đã gây ra những tác động tiêu cực đối với ngành nông nghiệp.

Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện sâu rộng, hiệu quả hơn nữa các giải pháp đã được đề ra về tái cơ cấu nông nghiệp; đồng thời đẩy nhanh quá trình hình thành các vùng chuyên canh, SX lớn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở những vùng khô hạn cho phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhữơng; thúc đẩy ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào SXNN nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản;… 

 

Xem thêm
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh chính sách tín dụng đối với lâm sản, thủy sản

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ động chỉ đạo các giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sản xuất, thúc đẩy, tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tặng 72.000 chai nước suối cho người dân vùng hạn, mặn

ĐBSCL Lực lượng Công an 2 tỉnh Kandal và An Giang phối hợp với chính quyền địa phương trao tận tay người dân bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn 72.000 chai nước suối.