Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Để chủ động phòng chống sạt lở bờ sông hiệu quả, Đồng Tháp cũng vừa kiến nghị với Bộ NN-PTNT xem xét hỗ trợ kinh phí các dự án trong giai đoạn 2021 – 2025, với danh mục 8 công trình, tổng kinh phí 2.185 tỷ đồng gồm: Xử lý sạt lở cấp bách bờ sông Tiền khu vực phường An Lạc, TP Hồng Ngự. Khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ sông Tiền - xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh. Khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ sông Tiền khu vực xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh.
Dự án với mục tiêu đảm bảo nước sạch nông thôn trong điều kiện biến đổi khí hậu tỉnh Đồng Tháp. Hoàn chỉnh hệ thống cấp nước sạch nông thôn khu vực khó khăn và biên giới. Phòng chống sạt lở bờ sông bảo vệ dân cư tại các khu vực xung yếu trên địa bàn tỉnh (khu vực xã Long Thuận và Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự). Hồ chứa nước ngọt Gáo Giồng. Nâng cấp hệ thống công trình thuỷ lợi phục vụ tưới tiêu tiên tiến, tiết kiệm nước...
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tình trạng xảy ra sạt lở trên sông Tiền, sông Hậu tập trung nhiều nhất ở 4 huyện, thị xã, thành phố như: Huyện Thanh Bình, Cao Lãnh, Hồng Ngự và TP Cao Lãnh. Theo dự báo của ngành chuyên môn trong thời gian tới, sạt lở 2 bên bờ sông sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Nguy cơ sạt lở có khả năng xảy ra mở rộng tại 35 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thị xã, thành phố.
Đặc biệt, khu vực xảy ra sạt lở mạnh ở các đoạn bờ sông thuộc khu vực các xã Long Khánh, Long Thuận, Thường Phước 1 (huyện Hồng Ngự), phường An Lạc (thị xã Hồng Ngự); các xã Tân Quới, Tân Bình, An Phong (huyện Thanh Bình); các xã Hòa An, Tịnh Thới, Tân Thuận Đông (TP Cao Lãnh), xã An Hiệp (huyện Châu Thành) và hai xã Tân Mỹ, Mỹ An Hưng B (huyện Lấp Vò).
Để khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp vừa phê duyệt dự án phòng, chống sạt lở bờ sông để bảo vệ dân cư tại các khu vực xung yếu trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (khu vực xã Long Thuận và Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự).
Mục tiêu đầu tư của dự án nhằm chủ động phòng, chống sạt lở bờ sông Cái Vừng, tại khu vực xã Phú Thuận A và xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự. Kịp thời đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, giúp ổn định đời sống của hơn 1.200 hộ. Bảo vệ tuyến giao thông huyết mạch liên xã và các cơ sở hạ tầng trong khu vực, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Tổng chiều dài xử lý sạt lở là 2.005m. Bao gồm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 chiều dài xử lý sạt lở 714m, bao gồm 3 đoạn kè có tổng chiều dài 714 m. Còn giai đoạn 2, chiều dài xử lý sạt lở 1.291m (bao gồm 2 đoạn kè).
Mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có Quyết định số 942/QĐ-UBND.HC phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nâng cấp tuyến đê bao, kè chống sạt lở, xây dựng hệ thống cống dọc sông Tiền, TP Cao Lãnh (giai đoạn 2).
Mục tiêu đầu tư dự án nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, ngăn nước lũ dâng cao gây ngập lụt, xói lở bờ sông, bảo vệ dân cư đô thị, bảo vệ nhà cửa, tính mạng và tài sản của người dân, cơ sở sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhà trẻ, trường học, bệnh viện, chợ, trung tâm thương mại. Các hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khác và các vùng sản xuất nông nghiệp, đô thị của TP Cao Lãnh.
Dự án tổng chiều dài khoảng 7,4 km nối tiếp với tuyến đê bao đã được nâng cấp trong giai đoạn 1. Điểm đầu từ chân cầu Cao Lãnh thuộc Phường 6, TP. Cao Lãnh đến nút giao với Quốc lộ 30 thuộc thị trấn Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh. Dự án có tổng mức đầu tư 795,896 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 là 570 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 225,896 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Sở NN - PTNT Đồng Tháp gửi cho UBND tỉnh Đồng Tháp, sự cố công trình xảy ra sạt lở một đoạn chân kè thuộc khu vực chợ Bình Thành dài 60m (từ mặt cắt MC740 - MC800) đã bị trượt ra sông. Qua kiểm tra của thợ lặn, toàn bộ thảm đá, vải địa và bao tải cát tiếp giáp dầm khóa chân kè đã trượt ra lòng sông, cách dầm khóa chân kè khoảng 40m.
Các hố xoáy tại khu vực trên đang diễn biến phức tạp và có xu hướng khoét sâu thêm, nguy cơ gây mất an toàn cho công trình kè. Đây là lần thứ 2 công trình kè chống sạt lở có tổng chi phí đầu tư 109 tỷ đồng rơi vào vòng xoáy nguy hiểm.
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Tháp có ra quyết định số 1006, công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở bờ sông Tiền (khu vực chợ Bình Thành, huyện Thanh Bình), đoạn nguy cấp nhất với chiều dài 850m. Mức đầu tư của công trình kè hơn 90 tỷ đồng, trong đó kinh phí Trung ương hỗ trợ 75 tỷ và ngân sách địa phương 15 tỷ đồng.