Từ đầu năm đến nay, có 59 tàu cá cá vỏ thép 67 hoạt động hiệu quả; trong đó có 33 tàu, gồm 26 tàu vỏ thép và 7 tàu vỏ composite có lãi từ 20 - 500 triệu đồng/chuyến biển.
Ngư dân Nguyễn Ngọc Châu, chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99169 TS vui mừng sau chuyến biển đánh bắt hiệu quả |
Theo ngư dân Đặng Văn Khoa ở xã Cát Thành, huyện Phù Cát, chủ tàu cá vỏ thép mang số hiệu BĐ 99979 TS (829CV) chuyên làm nghề mành chụp và câu cá ngừ đại dương, thay thế tàu vỏ gỗ bằng tàu vỏ thép trong đánh bắt xa bờ là lựa chọn đúng đắn. Bởi, tàu vỏ thép công suất lớn, có thể vượt sóng gió trùng khơi trong điều kiện thời tiết xấu, khiến ngư dân rất an tâm khi làm việc trên tàu; lại cũng nhờ công suất lớn nên tàu di chuyển tìm ngư trường rất nhanh nên đánh bắt đạt hiệu quả cao. Dù chiếc tàu được đầu tư đóng mới lớn tiền, đến 16,3 tỉ đồng, nhưng sau 1 thời gian hoạt động có hiệu quả, theo tính toán của ông Khoa việc hoàn trả nợ vay ngân hàng là nằm trong tầm tay.
“Tàu vỏ thép được trang bị máy móc hiện đại, chịu được sóng to gió lớn, nên chúng tôi yên tâm hoạt động ở các ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa. Hiệu quả đánh bắt của tàu vỏ thép cũng cao hơn tàu vỏ gỗ rất nhiều. Từ tháng 4/2017, bình quân mỗi chuyến biển, gia đình tôi có thu nhập 300 triệu đồng”, ông Khoa cho biết.
Ở thôn An Đông, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), tàu cá vỏ thép mang số hiệu BĐ 99169 TS (880CV) hành nghề mành chụp của ngư dân Nguyễn Ngọc Châu còn hoạt động hiệu quả hơn. Trao đổi với chúng tôi, ông Châu bộc bạch: “Từ tháng 3/2017 đến nay, tàu của tôi đã đi được 10 chuyến biển, bình quân mỗi chuyến thu nhập 500 triệu đồng, có chuyến trúng luồng cá tàu của tôi tôi thu được 1,2 tỷ đồng”.
Tàu cá vỏ thép mang số hiệu BĐ 99478 TS có tên là Đức Triều (829CV) của ngư dân Nông Thành Điền ở xã Cát Thành (huyện Phù Cát) được ngành nông nghiệp Bình Định đánh giá là hoạt động hiệu quả nhất trong số những tàu cá vỏ thép 67 của ngư dân tỉnh này. Nhận tàu từ Cty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang (Khánh Hòa) vào cuối năm 2016, đến nay, tàu cá của ông Điền luôn có những chuyến biển bội thu.
Theo tâm sự của ngư dân Điền, sau khi nhận tàu, trong năm 2017 ông đã mở 10 chuyến biển, sau khi trừ chi phí và chia cho những thuyền viên đi bạn trên tàu, mỗi chuyến ông Điền còn lãi từ 200 - 300 triệu đồng.
“Từ đầu năm 2018 đến nay, nhiên liệu tăng cao hơn so năm trước, nhưng mỗi chuyến biển tôi vẫn có lãi trên dưới 100 triệu đồng. Nhờ làm ăn thuận lợi nên kinh tế gia đình tốt hơn, việc hoàn trả nợ vay đóng tàu được thực hiện nghiêm túc”, ông Điền nói.
Theo ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của Chính phủ đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp Bình Định hiện đại hóa đội tàu, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân tăng hiệu quả khai thác, nâng cao thu nhập, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Tàu cá vỏ thép Đức Triều mang số hiệu BĐ 99478 TS của ngư dân Nông Thành Điền được đánh giá là chiếc tàu 67 hiệu quả nhất Bình Định |
Cũng theo ông Phúc, nhằm hỗ trợ ngư dân phát triển ngành nghề khai thác thủy sản, ngành nông nghiệp Bình Định đang tiếp tục giúp bà con tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư đóng mới tàu cá; phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh thực hiện chính sách bảo hiểm thuyền viên, bảo hiểm thân tàu.
Đồng thời tổ chức đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới và theo dõi, giám sát tình hình sản xuất của các tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 để hỗ trợ các chủ tàu sản xuất có hiệu quả, đảm bảo trả nợ cho ngân hàng.
Hỗ trợ lắp đặt trên tàu cá của ngư dân các trang thiết bị thông tin liên lạc do Bộ NN-PTNT phân bổ. Hướng dẫn ngư dân thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
“Để ngư dân sản xuất hiệu quả hơn, đối với các tàu cá thiết kế và phương án sản xuất không phù hợp hoặc hoạt động không hiệu quả, ngành nông nghiệp Bình Định sẽ tư vấn cho ngư dân chuyển đổi nghề, xây dựng phương án sản xuất phù hợp, đồng thời kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Bình Định xem xét, hướng dẫn các ngân hàng thương mại tính toán, cơ cấu lại các khoản nợ trong trường hợp tàu cá chuyển đổi nghề”, ông Phúc nói. |