| Hotline: 0983.970.780

Tàu cá nằm bờ vì không ‘gồng’ nổi chi phí nhiên liệu

Thứ Hai 11/07/2022 , 10:55 (GMT+7)

So cùng kỳ năm ngoái, chi phí nhiên liệu tăng gấp đôi, trong khi sản lượng giảm sút mạnh. Do đó, hầu hết tàu cá ở Bình Định phải nằm bờ để tránh thua lỗ.

Khó khăn chưa từng thấy

Dù không có mưa bão, biển không động, nhưng theo quan sát của chúng tôi, hiện có rất nhiều tàu cá của ngư dân Bình Định đang neo đậu tại Cảng cá Quy Nhơn. Hỏi ra thì biết, có nhiều tàu nằm bờ đã 4 tháng nay, nguyên nhân do biển thì vắng cá, sản lượng đánh bắt không đạt, trong khi chi phí nhiên liệu (dầu) cho mỗi chuyến biển hiện nay so với cùng kỳ năm ngoái tăng đến gấp 2 lần; đó là chưa kể đá lạnh, các món hàng lương thực, thực phẩm cũng đều tăng cao theo giá dầu, nên dù được hỗ trợ tiền nhiên liệu nhưng thu nhập những chuyến biển không đủ bù chi. Do đó, hầu hết tàu cá của ngư dân Bình Định hiện đều đang nằm bờ để tránh thua lỗ.

Tàu cá của ngư dân Bình Định nằm bờ sắp lớp tại Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: V.Đ.T.

Tàu cá của ngư dân Bình Định nằm bờ sắp lớp tại Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: V.Đ.T.

Ngư dân Trần Đình Trảng, chủ tàu cá mang số hiệu BĐ 91243 TS chuyên hành nghề lưới vây đánh bắt cá ngừ sọc dưa ở phường Đống Đa (thành phố Quy Nhơn, Bình Định), năm nay mới 50 tuổi mà đã có đến 35 năm theo nghề biển, nhưng chưa bao giờ anh Trảng lâm tình cảnh khó khăn như thế này. “Đã 35 theo nghề biển nhưng chưa bao giờ tôi thấy biển vắng cá như năm nay. Đánh bắt đã không đạt sản lượng, dầu hiện nay tăng đến gần 30.000đ/lít, nên dù tàu đánh bắt xa bờ có nhận được tiền hỗ trợ nhiên liệu nhưng thu vẫn không đủ bù chi”, anh Trảng chia sẻ.

Theo ngư dân Trảng, những năm trước, mỗi mẻ lưới đánh bắt cá ngừ sọc dưa đạt đến 5-10 tấn, thế nhưng hiện nay đi đánh bắt cả 20 ngày mà chuyến biển nào khi cập bờ đạt sản lượng cao nhất là 10 tấn cá, có chuyến chỉ đạt 2-3 tấn. Trong khi số dầu cần cho mỗi chuyến là 5.000-6000 lít. Cùng kỳ năm trước, mua 5.000-6000 lít dầu chỉ tốn 100 triệu đồng, hiện nay giá dầu tăng cao ngất, nên 5.000-6000 lít dầu chủ tàu phải tốn đến 200 triệu đồng. Đó là chưa kể đá lạnh ướp cá, lương thực, thực phẩm đều tăng theo giá dầu, nên phí tổn mỗi chuyến biển tăng cao gấp đôi so với trước đây.

Hiện nay, sản lượng đánh bắt cá ngừ sọc dưa không đạt, nên thu nhập những chuyến biển không đủ bù chi phí. Ảnh: V.Đ.T.

Hiện nay, sản lượng đánh bắt cá ngừ sọc dưa không đạt, nên thu nhập những chuyến biển không đủ bù chi phí. Ảnh: V.Đ.T.

“Do chuyến biển nào cũng bị lỗ nên tàu cá của tôi đã phải nằm bờ suốt 4 tháng nay. Tàu nằm bờ gia đình không có thu nhập nên sinh hoạt vất vả lắm, thế nhưng không phải lo lỗ, lo nợ. Trước khi mở biển, hầu hết chủ tàu cá đều mượn tiền trước của chủ nậu để mua dầu, sắm lương thực, khi về bán cá trừ nợ. Thế nhưng biển lúc này vắng cá, chuyến nào về cũng lỗ, gánh nợ cứ lớn dần không gồng nổi”, ngư dân Trần Đình Trảng bộc bạch.

Tàu cá càng đi biển càng lỗ

Ngư dân Phan Thành Long, chủ tàu cá mang số hiệu BĐ 91333 TS (708CV) chuyên hành nghề lưới vây thưa ở phường Trần Phú (thành phố Quy Nhơn, Bình Định), cho biết: Hiện nay, cá ngừ sọc dưa có giá chỉ 20.000đ/kg, nếu chuyến biển đánh bắt được 7 tấn cá, với giá cá 20.000đ/kg chủ tàu sẽ có khoản thu nhập 140 triệu đồng. Trong khi tiền mua 5.000-6000 lít dầu đã 200 triệu, đó là chưa kể tiền mua đá lạnh, lương thực, thực phẩm cho thuyền viên ăn suốt chuyến biển. Tàu lưới vây cần thuyền viên rất nhiều, từ 12-14 người, trước khi mở biển, chủ tàu ứng trước cho thuyền viên ít nhất mỗi người 5 triệu đồng, mất 60-80 triệu đồng nữa. Tính tất tần tật chi phí tổn cho mỗi chuyến biển đến hơn 300 triệu đồng, trong khi bán 7 tấn cá ngừ sọc dưa chỉ có 140 triệu đồng, chủ tàu lỗ 160 triệu đồng.

Hiện giá dầu tăng cao gần 30.000đ/lít nên ngư dân không 'gồng' nổi mức chi phí tăng gấp đôi. Ảnh: V.Đ.T.

Hiện giá dầu tăng cao gần 30.000đ/lít nên ngư dân không “gồng” nổi mức chi phí tăng gấp đôi. Ảnh: V.Đ.T.

“Tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn mỗi chuyến biển được hỗ trợ nhiên liệu 100 triệu đồng, cộng cả tiền bán 7 tấn cá 140 triệu đồng nữa chủ tàu vẫn còn lỗ 50-60 triệu đồng. Đó là nói chuyện tàu đánh bắt được 7 tấn cá, chứ nếu đánh bắt chỉ được 3-4 tấn thì mức lỗ còn to hơn, chuyến nào đánh bắt được trên 10 tấn cá mới đủ tổn, mà chuyện đó giờ hiếm lắm. Do đó, hiện nay tàu cá của tôi cũng nằm bờ không dám đi đánh bắt”, ngư dân Phan Thanh Long, cho hay.

Theo phân tích của ngư dân Long, hiện nay đang mùa gió Nam nên cá ngừ sọc dưa đang trong thời kỳ sinh sản, nên biển vắng cá. Khi bước sang mùa gió Bấc, khi ấy cá đã lớn mới xuất hiện nhiều trên biển, đánh bắt mới mong đạt sản lượng. Hầu hết tàu cá đánh bắt cá ngư sọc dưa của ngư dân Bình Định hiện đang nằm bờ, chờ mua gió Bấc đến mới ra khơi.

Tàu nằm bờ nhiều, cá về bờ ít, thu mua thủy sản không đủ lượng hàng để xuất nên doanh nghiệp tốn thêm chi phí lưu kho. Ảnh: V.Đ.T.

Tàu nằm bờ nhiều, cá về bờ ít, thu mua thủy sản không đủ lượng hàng để xuất nên doanh nghiệp tốn thêm chi phí lưu kho. Ảnh: V.Đ.T.

“Cả năm ngoái tàu BĐ 91333 TS của tôi đi đánh bắt được 20 chuyến biển, mỗi chuyến đánh bắt được 20-25 tấn cá. Năm nay đã gần nửa tháng 7 mà tàu của tôi mới chỉ đánh bắt được có 4 chuyến, từ nay đến cuối năm đi dày lắm cũng chỉ được 6 chuyến nữa, thấp hơn năm ngoái 10-12 chuyến biển, thất thu lớn”, ngư dân Phan Thành Long chia sẻ.

“Hiện nay, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng tàu cá và hàng hóa qua Cảng cá Quy Nhơn chỉ đạt khoảng 70%, chứng tỏ năm nay tàu cá nằm bờ rất nhiều; trong khi năm nay dịch Covid-19 đã được khống chế, không như năm ngoái dịch đang hoành hành. Nguyên nhân do giá dầu tăng cao, kéo theo mọi chi phí hậu cần tăng theo, khiến chi phí chuyến biển tăng hơn so trước đây đến 40-50%, tàu nào cập bờ cũng than lỗ, may lắm là huề vốn. Khi tàu cá nằm bờ nhiều thì dịch vụ hậu cần cũng “chết” theo, hàng hóa tiêu thụ cho các tàu cá năm nay cũng giảm hơn so năm ngoái đến 40%. Dịch vụ thu mua thủy sản cũng khốn đốn không kém, cá về bờ ít, sản lượng thu mua không đủ chuyến nên không đủ lượng hàng để xuất, phải lưu kho, mà lưu kho thì phải tốn thêm phí lưu kho”, ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Bình Định, cho hay.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.