| Hotline: 0983.970.780

Tàu vỏ thép 67 vừa đóng đã thành… cục sắt!

Thứ Sáu 05/05/2017 , 09:25 (GMT+7)

Bình Định hiện đang xảy ra hàng loạt trường hợp tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ còn trong thời gian bảo hành nhưng đã gỉ sét toàn bộ, đặc biệt là các hầm tàu không còn sử dụng được. 

Nguyên nhân do vật liệu thép được các đơn vị đóng tàu thực hiện không như trong hợp đồng, mà sử dụng thép kém chất lượng nên mới xảy ra cơ sự.
 

Thép Hàn Quốc đóng nhãn… Made in China

Chiếc tàu vỏ thép mang số hiệu BĐ 99567 TS (811 CV) chuyên hành nghề lưới vây của ngư dân Nguyễn Văn Mạnh (SN 1961) ở thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ, Bình Định) do Cty Việt – Hàn (Hà Nội) vẽ thiết kế và Cty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng, đến tháng 7/2017 mới đến thời hạn tái kiểm định, nhưng hiện chiếc tàu nói trên đã xuống cấp trầm trọng.

13-06-45_1
Mặt boong tàu mới đóng chưa đầy năm của ông Mạnh gỉ sét trông như chiếc tàu có từ thời cổ đại.

Theo ông Mạnh, nguyên nhân dẫn tới sự thể nói trên là do thép dùng để đóng tàu không được Cty TNHH Đại Nguyên Dương sử dụng thép chất lượng cao như trong hợp đồng, mà là thép kém chất lượng.

“Trong hợp đồng, chiếc tàu của tôi được đóng thép Hàn Quốc, thế nhưng trong quá trình tham gia giám sát việc đóng tàu tại nhà máy, con trai tôi phát hiện tàu của mình được đóng bằng thép Trung Quốc. Bức xúc, nó lên tiếng phản ánh và chụp hình những mẫu vật liệu thép của Trung Quốc để làm bằng chứng thì bị nhân viên nhà máy đóng tàu ngăn cản, hăm dọa”, ông Mạnh cho hay.

Kể chuyện bị hăm dọa khi phát hiện thép đóng tàu không đúng như hợp đồng tại Cty TNHH Đại Nguyên Dương, ngư dân Nguyễn Văn Khỏe (36 tuổi), con trai của ngư dân Nguyễn Văn Mạnh, nhớ lại: “Ba tôi đứng tên chủ tàu ký hợp đồng với Cty Đại Nguyên Dương, nhưng con tàu này sau này ba tôi sẽ giao tôi quản lý nên làm giấy ủy quyền để tôi ra trực tiếp giám sát việc đóng tàu.

Thật bất ngờ khi tôi phát hiện thép đóng tàu không phải của Hàn Quốc như hợp đồng, mà là của Trung Quốc. Tôi lấy điện thoại chụp ảnh để sau này báo cáo với ngành chức năng thì bị nhân viên nhà máy hăm dọa rất dữ, khiến tôi phải lẳng lặng trốn khỏi đất Nam Định”.

13-06-45_2
Đường xuống hầm máy tàu ông Mạnh bị sét ăn và tối như hũ nút.

Anh Khỏe kể: Khi anh vừa định leo lên con tàu của mình thì nhân viên nhà máy đóng tàu đã vặc: “Mày lên tàu làm gì?”. Khỏe bảo được ba là chủ tàu Nguyễn Văn Mạnh ủy quyền ra giám sát việc đóng tàu, có giấy tờ chính quyền địa phương xác nhận. Sau khi xem giấy ủy quyền, nhân viên nhà máy đóng tàu lại bảo: “Bọn tao chỉ làm việc với chính chủ, không làm việc với người được ủy quyền”.

Nói gì thì nói, Khỏe vẫn leo lên con tàu của mình. Khi ấy Khỏe phát hiện những vật liệu thép dùng để đóng con tàu này được gắn nhãn “made in China”, trong khi theo hợp đồng là phải được đóng thép của Hàn Quốc.

Khỏe lấy điện thoại ra chụp hình để làm bằng chứng thì bị nhân viên nhà máy ngăn lại. Khỏe phản ứng: “Trong hợp đồng thì con tàu của tôi được làm bằng thép Hàn Quốc, sao bây giờ nhà máy lại sử dụng thép Trung Quốc? Tôi chụp ảnh tàu của tôi sao mấy anh không cho?”. Khi ấy nhân viên nhà máy đóng tàu mắng Khỏe “bố láo”, rồi hăm dọa: “Bước xuống tàu ngay, nếu không bọn tao tra điện vào tàu cho mày chết khô trên tàu luôn. Mày không về được đến Bình Định đâu!”.

Vậy là ngay đêm đó Khỏe lẳng lặng lên xe rời khỏi đất Nam Định, không dám ghé về nhà nghỉ lấy tư trang, vì sợ 1 thân 1 mình nơi đất khách quê người lỡ có gì bất trắc xảy ra không biết kêu ai.

13-06-45_3
Hầm chứa nước ngọt gỉ sét kiểu này ai dám chứa nước để nấu ăn?

Sau một hồi yên lặng như để nuốt uất nghẹn, anh Khỏe bức xúc cho biết thêm: “Con tàu của gia đình tôi giờ như một cục sắt, hoen gỉ tùm lum, chỉ cần giậm mạnh chân lên sàn tàu là gỉ sét bong tróc rớt ra hốt cả thúng. Còn dưới các hầm tàu thì khỏi nói, đi lớ quớ là xước tay xước chân như chơi. Tàu mới đóng chưa đầy năm mà giờ nhìn cứ như tàu được đóng từ thời cổ đại”.
 

Hư hỏng tùm lum

Nhiều tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 tại Bình Định cũng lâm cảnh không hoạt động được, do hư hỏng nhiều bộ phận hoặc do thiết kế “trái khoáy” với nghề.

Ngư dân Lê Văn Mi ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), chủ tàu cá Lê Gia 03 BĐ 99569 TS, cho biết: “Sau khi tiếp nhận tàu cá từ Cty TNHH MTV Đóng tàu Nam Triệu, tôi đưa tàu từ Hải Phòng về cảng cá Đề Gi. Mới về đến cảng, dây lái trợ lực bị hỏng, không điều khiển được tàu, từ đó đến nay cứ hỏng liên tục. Tôi đã phải bỏ tiền túi 3 triệu đồng mua và thay dây lái trợ lực khác”.

13-06-45_4
Cửa vào buồng lái bong ốc không khép mở được.

Tàu vỏ thép mang tên Khánh Đỏ BĐ 99086 TS của ông Đinh Công Khánh ở cùng xã Cát Khánh cũng đang bị hư hỏng chưa khắc phục xong. “Tàu của tôi bị hỏng hộp số, nằm bờ hơn tháng nay, sửa mãi mà chẳng được. Không đi biển được, nhưng tôi phải mất mỗi ngày 100.000đ tiền thuê người giữ tàu và phí bến bãi. Ngân hàng cũng đã thông báo đến kỳ hạn trả nợ vay đóng tàu đợt 2 quý 2/2017 gần 300 triệu đồng”, ông Khánh nói.

Nói về thiết kế của chiếc tàu, ngư dân Nguyễn Văn Mạnh lắc đầu ngán ngẩm: “Thiết kế tàu hành nghề lưới vây kiểu này là không thể hoạt động được, mê lườn của chiếc tàu không đều, từ 1/3 chiếc tàu tính từ mũi tàu trở về sau bị hõm lên trên mặt nước, phía dưới trống, khoảng trống này đã khiến lưới bị vướng vào chân vịt mỗi khi lưới được bủa nên không hoạt động được. Thêm vào đó, các hầm tàu được thiết kế kín bưng như tàu hàng, nước trong hầm không thể thoát ra ngoài. Chuyến biển vừa cập bờ vào ngày 2/4 vừa qua tàu của tôi đánh bắt được 11 tấn hải sản, nhưng do hầm tàu bị úng nước nên hỏng mất 2 tấn”.

Sau khi được Bộ NN-PTNT cho phép cải hoán tàu để chuyển đổi nghề, ông Mạnh mời Cty Việt - Hàn (đơn vị vẽ thiết kế trước đó) vào vẽ lại thiết kế, nhưng đơn vị này đòi mỗi chủ tàu phải chi ra 45 triệu đồng/1 bản vẽ.

13-06-45_5
Một góc tàu của ông Mạnh đang được sửa chữa.

“Bản vẽ thiết kế cũ đã khiến tàu chúng tôi không hoạt động được là đã quá thiệt thòi cho ngư dân, nay chỉ vẽ lại mà công ty đòi lấy chừng ấy tiền thì tội cho ngư dân quá”, ông Mạnh bức xúc nói. Đấu tranh mãi, Cty Việt - Hàn “hạ giá” xuống còn 33 triệu đồng/1 bản vẽ. Số tiền không nhỏ, nhưng ngư dân đành nộp tiền để làm đủ thủ tục mua bảo hiểm phòng rủi ro, vậy nhưng mãi đến nay vẫn chưa nhận được bản thiết kế mới. “Đường cùng, nếu các ngành liên quan không giải quyết để tàu hoạt động được, tôi đành đánh tàu về tỉnh neo đậu chứ giữ tàu làm gì trong tình trạng này”, ông Mạnh bộc bạch.

“Đến nay trên địa bàn Bình Định đã có 56 tàu cá đóng theo Nghị định 67 đi vào hoạt động, trong đó có 47 tàu vỏ thép, 4 tàu gỗ và 5 tàu composite.

Theo kết quả kiểm tra của Sở NN-PTNT Bình Định về chất lượng một số tàu vỏ thép do Cty TNHH Đại Nguyên Dương đóng cho thấy: Vỏ tàu, mặt boong, cabin, trang thiết bị trên boong tàu đều gỉ sét, bong tróc, xuống cấp trầm trọng; máy chính hiệu Mitsubishi của 2 tàu bị hư hỏng; phần van ống gỉ sét, xuống cấp; hầm bảo quản không thoát được nước; hệ thống lạnh hoạt động không ổn định; két dầu bị hỏng gây chảy dầu; máy dò cá có đầu dò hỏng không hoạt động được.

Kiểm tra một số tàu vỏ thép do Cty Nam Triệu đóng cho thấy: Thân vỏ một số tàu bị gỉ sét, hà bám nhiều; máy chính của 9 tàu hiệu Mitsubishi bị hư hỏng; máy phát điện của 3 tàu hoạt động không ổn; hầm bảo quản không giữ được lạnh; một số tàu làm nghề lưới chụp có gọng bị han gỉ, đứt gãy”.

 

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm