| Hotline: 0983.970.780

Vỡ mộng tàu vỏ thép 67, nhiều ngư dân lâm nợ

Thứ Năm 04/05/2017 , 13:20 (GMT+7)

Phải gánh nợ đến hàng chục tỷ đồng để được sở hữu 1 chiếc tàu cá vỏ thép nhằm đánh bắt hiệu quả và an toàn hơn, nhưng khi đi vào hoạt động thì "chiếc tàu trong mơ” này không những không mang lại hiệu quả mà còn gây thêm nợ.

06-02-34_2
Tàu cá vỏ thép nằm “nối đuôi” tại Cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát, Bình Định) vì không hoạt động được.

Đó là tình cảnh mà nhiều ngư dân ở Bình Định đang phải gánh chịu!
 

Vừa đóng xong đã phải… lên đà

Ngư dân Nguyễn Văn Mạnh (SN 1961) ở thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ) hợp đồng với đơn vị đóng tàu là Cty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng chiếc tàu cá vỏ thép với tổng kinh phí 15,2 tỷ đồng hành nghề lưới vây. Trong thời gian đóng tàu, ông Mạnh đã về tận nhà máy tham gia giám sát. Theo kinh nghiệm hơn 40 năm bám biển, ông Mạnh nhận thấy con tàu được thiết kế không phù hợp, ông góp ý nhưng không được ghi nhận.

“Đơn vị đóng tàu bảo rằng ngư dân chúng tôi chỉ được góp ý sửa chữa những phần trên boong tàu, phần khoang tàu nhà máy cứ căn cứ vào bản thiết kế mà làm. Mình nói bằng kinh nghiệm thực tế, còn họ căn cứ vào giấy tờ thì mình phải chịu thôi chứ biết làm sao”, ông Mạnh than thở.

Điều ông Mạnh lo lắng không sai, chiếc tàu cá vỏ thép mang số hiệu BĐ 99567 TS (811 CV) của ông trông đẹp mắt là vậy nhưng không hoạt động được. Hạ thủy và chạy về đến vùng biển quê nhà vào ngày 22/8/2016, ông Mạnh mở chuyến biển đầu tiên, ra đến khơi lưới bủa đến đâu đều bị cuốn hết vào chân vịt đến đó, không đánh bắt được.

Ông Mạnh đành đánh tàu về chấp nhận lỗ chuyến biển ấy. Không cam lòng cho tàu nằm bờ, ông quyết định cải hoán lại con tàu và chuyển đổi qua nghề lưới chụp để làm ăn. Tốn thêm 1,5 tỷ và mất thêm gần 5 tháng, mãi đến cuối tháng 1/2017 tàu của ông Mạnh mới đánh bắt chuyến biển nghề lưới chụp đầu tiên tại vùng biển đảo Phú Quý (Bình Thuận).

06-02-34_3
Tàu cá vỏ thép nằm “nối đuôi” tại Cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát, Bình Định) vì không hoạt động được.
“Bằng kinh nghiệm hơn 40 năm làm nghề, tui nhận thấy từ nửa thân tàu trở về đuôi tàu kết cấu không phù hợp với nghề lưới vây, bủa lưới xuống là bị cuốn vào chân vịt. Để tàu nằm bờ thì lấy tiền đâu trả nợ vay ngân hàng, tui phải chạy vạy vay mượn đến 1,5 tỷ đồng mua sắt thép, vật liệu về thuê thợ cơ khí cải hoán lại con tàu để chuyển sang nghề lưới chụp nhưng vẫn không hoạt động được”, ông Mạnh bức xúc.

Chuyến biển ấy bánh lái chiếc tàu lại bị sóng đánh văng ra ngoài, phải tấp tàu vào đảo khắc phục, lại lỗ. Chuyến biển thứ 3 tàu đánh bắt có cá, ông Mạnh chưa kịp mừng thì trên đường chạy vào bờ, không biết các khoang tàu được đóng kiểu gì mà nước không thoát ra ngoài được, nước ứ đọng ngập các hầm muối cá làm hỏng hết sản phẩm đánh bắt được, lại thêm 1 chuyến biển lỗ tổn.

Cùng 1 đơn vị đóng tàu là Cty TNHH Đại Nguyên Dương, hạ thủy cùng ngày với tàu của ông Mạnh, chiếc tàu cá vỏ thép BĐ 99004 TS (811 CV) của ngư dân Nguyễn Văn Lý (SN 1963) ở thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ, Bình Định) cũng đang lâm tình cảnh tương tự. “Đóng xong chiếc tàu cá vỏ thép tui còn nợ ngân hàng 13,6 tỷ đồng, cứ ngỡ sẽ làm ăn khấm khá. Nào ngờ 4 chuyến biển đầu tiên nó đã “hại” tui bị lỗ gần 500 triệu đồng. Chuyến này về tui phải chạy vạy tiền cải hoán lại tàu để chuyển nghề chứ làm kiểu này chỉ có chết”, ông Lý tâm sự.

Ngư dân Nguyễn Văn Mạnh cho biết thêm: “Cách đây gần 1 tháng, Trung tâm đăng kiểm tàu cá vào kiểm tra và cho rằng tàu của tui đã xuống cấp trầm trọng dù chỉ mới đóng chưa đầy 1 năm, đề nghị tui đưa tàu lên đà sửa chữa, chứ ra biển với con tàu kém chất lượng thế này nguy hiểm quá. Nhưng lúc ấy tàu của tui đã nạp nhiên liệu, lấy đá hết rồi, đành phải đi. Với lại tui có hỏi thăm, nếu đưa tàu lên đà sửa chữa tại Cam Ranh (Khánh Hòa) thì phải mất thêm 495 triệu đồng, đang nợ ngân hàng ngập đầu, mấy chuyến biển liền bị lỗ tổn thì giờ tui biết lấy tiền đâu ra”.
 

Tàu vỏ thép “nối đuôi” nằm bờ

Tại Cảng cá Đề Gi nằm trên địa bàn xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) hiện có nhiều chiếc tàu cá vỏ thép đang nằm bờ để sửa chữa suốt nhiều tháng nay.

06-02-34_1
Tàu cá vỏ thép BĐ 99016 TS của ngư dân Lê Văn Thãi đang nằm bờ tại Cảng cá Đề Gi, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định) để sửa chữa một số thiết bị hư hỏng.
“Sở NN-PTNT đang tổng hợp kết quả kiểm tra chất lượng tàu cá vỏ thép đóng theo NĐ 67/CP, mời chính quyền các địa phương có tàu vỏ thép bị hư hỏng, các chủ tàu, đơn vị đóng tàu và Trung tâm đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản) cùng tiến hành kiểm tra, làm việc trực tiếp về việc bảo hành, sửa chữa từng trường hợp tàu cá bị hư hỏng, đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật theo quy định để ngư dân yên tâm khai thác”, ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.

Ngư dân Lê Văn Thãi, chủ tàu cá vỏ thép Lê Gia 01 BĐ 99016 TS (940 CV) hành nghề lưới vây, thổ lộ: “Sau khi nhận tàu từ Cty TNHH MTV đóng tàu Nam Triệu (Hải Phòng) về vào cuối năm 2016, tui mở chuyến biển đầu tiên nhưng thất bại, do thiết bị hầm bảo quản sản phẩm không đảm bảo, khiến cho đá lạnh tiêu hao nhiều, nên phải cho tàu vào bờ sớm, bị thua lỗ hơn 200 triệu đồng.

Sau đó, nhà máy đóng tàu cử thợ vào sửa chữa mất 2 tuần mới xong. Ngày 2/4 vừa qua, tui vận hành tàu để chuẩn bị mở chuyến biển thứ 3 thì hộp số và kim phun dầu của tàu lại bị hỏng, đến ngày 18/4 mới khắc phục xong. Ngày hôm sau tui cho tàu chạy thử thì phát hiện thêm bô và sơn hàn giải nhiệt của tàu bị hư hỏng”.

Còn có trường hợp khi nhận tàu, thấy thiết bị trên tàu không được trang bị đầy đủ như trong hợp đồng, nhưng ngư dân cứ đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” nhận tàu về để làm ăn.

Ngư dân Nguyễn Văn Mạnh chua chát: “Con tàu của tui có tổng kinh phí đóng mới là 15,2 tỷ đồng, tàu đóng kiểu gì mà vỏ tàu bị bóp lại, không thể đặt 3 máy như trong hợp đồng (1 máy chính 2 máy phát điện), tui đành trả lại 1 máy phát điện nên giá thành con tàu tuột xuống còn 14,5 tỷ. Bóng đèn cũng không được lắp đủ 120 bóng mang nhãn hiệu Hàn Quốc, mà chỉ được lắp có 80 bóng nhưng lại là của Trung Quốc. Biết vậy nhưng phải nhận tàu về đi làm kiếm ăn chứ nếu khiếu nại chiếc tàu bị “giam” thêm thì cũng chết”.

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, 7 tàu cá được đóng tại Cty TNHH MTV Đóng tàu Nam Triệu cho thấy, máy chính nhãn hiệu Mitsubishi của 6 tàu bị sự cố hư hỏng; máy phát điện trên 3 tàu cũng hoạt động không tốt; hầm bảo quản sản phẩm không giữ được lạnh; một số tàu thân vỏ tàu bị gỉ sét. Ngoài ra, có 4/5 tàu cá của ngư dân tiếp nhận từ Cty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đã bị gỉ sét, hư hỏng và xuống cấp trầm trọng.

Cần đánh giá lại năng lực chuyên môn các cơ sở đóng tàu

“Hiện có 11 ngư dân vay vốn từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn Bình Định đóng tàu đã quá hạn nhưng vẫn không trả được nợ.

Việc trả nợ không đúng kỳ hạn, dẫn đến toàn bộ dư nợ sẽ bị chuyển sang nhóm nợ quá hạn, đồng nghĩa với việc ngư dân sẽ không được Nhà nước hỗ trợ lãi suất.

Do vậy, chúng tôi đề nghị Ban chỉ đạo thực hiện NĐ 67/CP của tỉnh có văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT khảo sát, đánh giá lại năng lực tài chính, chuyên môn của các cơ sở đóng tàu và công bố kết quả cho các đơn vị có liên quan biết để tư vấn cho ngư dân, tránh tình trạng ngư dân thiếu thông tin khi lựa chọn cơ sở đóng tàu, dẫn đến chất lượng tàu không đạt yêu cầu, vừa tốn chi phí đầu tư, vừa mất thời gian sửa chữa”, ông Nguyễn Trà Dương, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Định.

 

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.