| Hotline: 0983.970.780

Tây Nguyên có nhiều lợi thế trở thành vùng sản xuất cây ăn quả trọng điểm

Thứ Sáu 22/05/2020 , 09:03 (GMT+7)

Với lợi thế về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng, Tây Nguyên có nhiều điều kiện để phát triển cây ăn quả nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

TS Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật   Nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Ảnh: Kim Sơ.

TS Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật
Nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Ảnh: Kim Sơ.

Thực tế, những năm qua diện tích cây ăn quả không ngừng mở rộng và đa dạng về chủng loại.

NNVN đã phỏng vấn TS Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên.

Theo ông, thế mạnh phát triển cây ăn quả của Tây Nguyên là gì? 

Có thể nói, Tây Nguyên mang đầy đủ các điều kiện thuận lợi về tự nhiên, kinh tế xã hội để phát triển các loại cây ăn quả có giá trị cao như: sầu riêng, bơ, cây có múi...

Trước tiên là điều kiện về khí hậu và đất đai ở Tây Nguyên rất phù hợp để phát triển các loại cây ăn quả.

Các sản phẩm trái cây trồng trên vùng đất Tây Nguyên thường có năng suất và chất lượng cao, không thua kém các vùng trồng cây ăn quả truyền thống ở vùng miền Tây và Đông Nam bộ.

Lợi thế tự nhiên này còn cho phép sản xuất trái cây với chi phí thấp hơn so với các vùng khác.

Ngoài ra, những loại trái cây như sầu riêng trồng tại Tây Nguyên do đặc điểm khí hậu, thời tiết nên có thời vụ thu hoạch “lệch pha” so với vùng miền Tây và Đông Nam bộ, đây cũng là lợi thế về giá và thị trường.

Cây sầu riêng đem lại hiệu quả kinh tế rất cao cho người dân Tây Nguyên. Ảnh: Kim Sơ.

Cây sầu riêng đem lại hiệu quả kinh tế rất cao cho người dân Tây Nguyên. Ảnh: Kim Sơ.

Thứ hai là với chủ trương, định hướng quy hoạch gần đây của Nhà nước và chính quyền các địa phương liên quan đến khuyến khích đa dạng hóa sản phẩm trên các vườn cà phê nhằm gia tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, cây ăn quả được lựa chọn để phát triển và đã cho thấy hiệu quả cao.

Song song với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã có những chương trình hỗ trợ phát triển cây ăn quả ở Tây Nguyên thông qua việc đầu tư cho Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên nghiên cứu tuyển chọn giống và hoàn thiện các quy trình thâm canh cây ăn quả, quy trình trồng xen các cây ăn quả chủ lực ở Tây Nguyên và các chương trình khuyến cáo ra sản xuất.

Cuối cùng, một trong những lợi thế về lâu dài là với việc biến đối khí hậu và xâm nhập mặn hiện nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ mất dần lợi thế của vùng trồng cây ăn quả trọng điểm và Tây Nguyên sẽ được xem là vùng thay thế tiềm năng.

Hiện các loại cây ăn quả ở Tây Nguyên đã dần hình thành các vùng trồng tập trung và đã được xuất khẩu sang nhiều nước, mang lại lợi nhuận cao cho người sản xuất.

Bơ là cây ăn quả thế mạnh của Tây Nguyên đem lại thu nhập cao. Ảnh: Kim Sơ.

Bơ là cây ăn quả thế mạnh của Tây Nguyên đem lại thu nhập cao. Ảnh: Kim Sơ.

Ông đánh giá như thế nào về thực trạng phát triển cây ăn quả tại Tây Nguyên những năm qua?

Trong những năm gần đây, với các nguyên nhân chủ quan và khách quan, mà chủ yếu là liên quan đến việc xuống giá của các cây trồng truyền thống như cà phê, hồ tiêu và sự lên giá của các loại cây ăn quả nhất là sầu riêng, bơ, chuối, chanh leo… mà diện tích cây ăn quả ở các địa phương vùng Tây Nguyên có sự phát triển mạnh mẽ về diện tích.

Có thể lấy tỉnh Đăk Lăk làm ví dụ: Diện tích trồng cây ăn quả của địa phương này đến cuối năm 2018 đã đạt trên 20.500ha, tăng gấp hơn 2,3 lần so với năm 2014.

Các loại cây có diện tích tăng mạnh gồm: sầu riêng, bơ, chuối... Diện tích tăng kèm với sản lượng đã mang lại những hiệu quả trước mắt rất tốt về kinh tế cũng như xã hội, môi trường.

Tuy nhiên việc phát triển quá nhanh này vẫn tiềm ẩn những yếu tố thiếu bền vững như các vấn đề về quy hoạch vùng trồng, kỹ thuật phù hợp, chế biến, kết nối chuỗi giá trị, thị trường...

Thực tế, do lợi nhuận cao người dân đã ồ ạt trồng không theo quy hoạch dẫn đến nguy cơ dư thừa và người nông dân phải trả cái giá rất đắt, thưa ông?

Đúng là trong vài năm trở lại đây, nhiều địa phương nông dân đã ồ ạt mở rộng diện tích cây ăn quả không theo quy hoạch chung.

Ví dụ như cây sầu riêng do hiệu quả kinh tế rất cao nên thời gian qua đã phát triển rất mạnh ở các tỉnh Tây Nguyên. Chỉ tính riêng tỉnh Đăk Lăk, đến cuối năm 2018 diện tích sầu riêng đã đạt hơn 6.000 ha, vượt hơn 1.000 ha so với định hướng quy hoạch của tỉnh đến năm 2021 là 5.000 ha.

Những năm qua cây sầu riêng đã phát triển rất 'nóng' tại Tây Nguyên. Ảnh: KS.

Những năm qua cây sầu riêng đã phát triển rất "nóng" tại Tây Nguyên. Ảnh: KS.

Việc phát triển quá nhanh diện tích sầu riêng nói riêng và cây ăn quả nói chung trong điều kiện hiện nay sẽ có những rủi ro rất lớn vì sầu riêng và một số loại cây ăn quả chủ yếu để phục vụ xuất khẩu và vì vậy có những yêu cầu ngặt nghèo về giống, quy chuẩn chất lượng sản phẩm, định danh vùng trồng, nếu các vùng trồng không đáp ứng được yêu cầu trên sẽ khó xuất khẩu, nhất là chúng ta vẫn chưa được phép xuất khẩu chính ngạch đối với sản phẩm sầu riêng vào thị trường lớn nhất thế giới hiện nay là Trung Quốc.

Ngoài ra, các vấn đề công nghệ sau thu hoạch, kết nối chuỗi giá trị vẫn chưa có giải pháp hoàn thiện và vì vậy, phát triển số lượng quá lớn sẽ đặt ra thách thức trong việc lưu giữ và tiêu thụ sản phẩm trong một khoảng thời gian ngắn, vấn đề cân bằng cung - cầu và giá cả…

Vậy, để phát triển cây ăn quả bền vững tại Tây Nguyên thì giải pháp là gì?

Như tôi đã nói ở trên, với tiềm năng rất lớn, cây ăn quả sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới ở khu vực Tây Nguyên.

Nếu chúng ta làm đúng, phát triển một cách bền vững thì hiệu quả của nó đem lại sẽ rất lớn. Phát triển và đẩy mạnh xuất khẩu hoa quả nói chung cũng là định hướng của ngành nông nghiệp trong tương lai.

Và để làm được điều đó, người sản xuất cần chú ý các vấn đề sau: Tham khảo và tuân thủ định hướng quy hoạch phát triển cây ăn quả của các địa phương.

Đây là những căn cứ khoa học dựa trên các thế mạnh về khí hậu, đất đai cho các tiểu vùng khí hậu khác nhau trên cơ sở cân nhắc sự cân bằng về cung cầu của các sản phẩm.

Để phát triển cây ăn quả bền vững tại tây Nguyên cần nhiều giải pháp khoa học đồng bộ. Ảnh: KS.

Để phát triển cây ăn quả bền vững tại tây Nguyên cần nhiều giải pháp khoa học đồng bộ. Ảnh: KS.

Thực hiện đúng các khuyến cáo kỹ thuật về giống, canh tác, bảo vệ thực vật của các cơ quan chuyên môn. Nếu được thì phát triển theo hướng nông lâm kết hợp, hướng sản xuất hữu cơ.

Điều này sẽ đảm bảo các điều kiện cần để sản xuất ra các sản phẩm đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm phục vụ nội tiêu cũng như xuất khẩu.

Đây cũng là điều kiện tiên quyết để các diện tích trồng được chứng nhận các chứng chỉ GAP và được cấp mã số vùng trồng, thuận tiện khi xuất khẩu chính ngạch sau này.

Các vùng trồng cây ăn quả cần được tổ chức sản xuất theo tổ hợp tác, hợp tác xã để cùng thực hiện một quy trình chung, tạo ra số lượng sản phẩm theo hướng hàng hóa, xây dựng hệ thông thương hiệu, xuất xứ; kết nối với đầu ra, đặc biệt là với các doanh nghiệp xuất khẩu, tiến tới cần tự nâng cao năng lực để có thể xuất khẩu trực tiếp.

Xin cảm ơn ông!

Cần quy hoạch vùng sản xuất cây ăn quả phù hợp

Theo số liệu của Cục Trồng trọt, tính đến cuối năm 2019, diện tích cây ăn quả của Tây Nguyên đạt 73,9 nghìn ha, chiếm 7% diện tích cả nước.

Hiện nay một số cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao như sầu riêng (Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông), cây bơ (Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai) đang được nông dân mở rộng diện tích, đặc biệt trồng xen trong vườn cà phê cho hiệu quả kinh tế cao.

Hiện diện tích sầu riêng đạt 22,7 nghìn ha, sản lượng 148,1 nghìn tấn; bằng 38,8% diện tích và 26,9% sản luợng cả nước. Diện tích cây bơ đạt 15,5 nghìn ha, sản lượng 86,5 nghìn tấn, bằng 78,1% diện tích và 81,9% sản luợng cả nước.

Ngoài ra, một số vùng sản xuất chanh leo (Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông) đã hình thành với diện tích 5,3 nghìn ha, sản lượng 108,6 nghìn tấn.

Cục Trồng trọt khuyến cáo, việc mở rộng diện tích các loại cây ăn quả khá nóng trong thời gian qua tại các tỉnh Tây Nguyên cần phải đánh giá và quy hoạch vùng sản xuất cho phù hợp đồng thời phát triển các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, sản xuất an toàn gắn với phát triển sơ chế, chế biến, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...