| Hotline: 0983.970.780

Đặc sắc sầu riêng Khánh Sơn đã ngon còn chín 'lệch pha' tất cả các nơi

Thứ Năm 07/05/2020 , 06:00 (GMT+7)

Với thổ nhưỡng, khí hậu ưu đãi đã tạo ra sầu riêng Khánh Sơn cơm vàng, hạt lép, chất lượng đặc biệt. Nhiều tỷ phú sầu riêng xuất hiện, có hộ thu 20 tỷ.

Sầu riêng Khánh Sơn bắt đầu thu hoạch vào khoảng tháng 7 hàng năm và kết thúc vào cuối tháng 8. Ảnh: Mai Phương.

Sầu riêng Khánh Sơn bắt đầu thu hoạch vào khoảng tháng 7 hàng năm và kết thúc vào cuối tháng 8. Ảnh: Mai Phương.

Mùa trái chín “lệch pha” với sầu riêng các nơi

Khánh Sơn là huyện miền núi cách TP Nha Trang khoảng 100km về phía tây nam tỉnh Khánh Hòa. Là huyện ngăn cách với đồng bằng bởi đèo Khánh Sơn, cao đến 600m so với mực nước biển, ở ranh giới xã Cam Phước Tây (Cam Lâm) và xã Ba Cụm Bắc (Khánh Sơn).

Do nằm trong vùng chuyển tiếp giữa cao nguyên Lâm Đồng và Duyên hải miền Trung nên khí hậu ở Khánh Sơn đặc trưng là nhiệt đới gió mùa, ôn hòa.

Thêm vào đó, thổ nhưỡng ở đây rất phù hợp để phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Nhất là các loại cây ăn trái như măng cụt, bưởi da xanh, quýt, chôm chôm, chuối…

Đặc biệt thương hiệu sầu riêng cơm vàng hạt lép Khánh Sơn có chất lượng đặc sắc, được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp chứng nhận sở hữu nhãn hiệu vào tháng 3/2011.

Theo phòng NN-PTNT Khánh Sơn, hiện sầu riêng Khánh Sơn có rất nhiều loại gồm Monthong, Ri6, Chín Hóa…

Tuy nhiên “ăn ngon số 1” là loại sầu riêng Monthong, với trọng lượng trung bình 4 - 5 kg/trái, cá biệt có nhiều trái đạt từ 7 - 8 kg.

Người tiêu dùng đánh giá là ngon hơn hẳn sầu riêng ở nhiều vùng khác, vì vị ngọt thanh, múi to, thơm béo, lại cơm vàng, hạt lép, với tỷ lệ trọng lượng cơm lên đến 30 - 40%/quả.

Ông Nguyễn Văn Điệu, cán bộ Trạm khuyến nông huyện Khánh Sơn giải thích, với đặc điểm nhiệt độ trên địa bàn chênh lệch ngày và đêm cao (8 – 9 độ) nên quá trình tích lũy chất khô trong quả sầu riêng được tăng cường.

Cùng với đó các khoáng chất trung vi lượng sẵn có trong đất đã tạo hương vị đặc trưng cho sầu riêng Khánh Sơn.

Bên cạnh đó, sầu riêng Khánh Sơn có lợi thế ra hoa, kết trái “lệch pha” với những nơi khác nên không bị cạnh tranh.

Cụ thể, mùa sầu riêng Khánh Sơn bắt đầu thu hoạch vào khoảng tháng 7 hàng năm và kết thúc vào cuối tháng 8. Tức là sầu riêng Khánh Sơn thu hoạch muộn hơn sầu riêng miền Tây, Đông Nam bộ tầm 1 – 2 tháng và sớm hơn Tây Nguyên 1 tháng.

Cũng theo ông Điều, sau 20 năm cây sầu riêng bén duyên trên vùng đất Khánh Sơn thông qua các chương trình hỗ trợ khác nhau, các đơn vị chức năng của huyện đã liên hệ với Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam đưa các giống sầu riêng như Ri6, Chín Hóa, Monthong về sản xuất thử nghiệm trên diện tích khoảng 10ha.

Kết quả sau 4 - 5 năm cây đã ra hoa, đậu quả và có những vườn cho năng suất 50 quả/cây, tức khoảng 80-100kg/cây/năm, không thua kém với một số vùng trọng điểm sầu riêng ở khu vực Nam bộ trên cùng giống so sánh. Hơn nữa chất lượng sầu riêng nơi đây được thị trường đánh giá là ngon hơn hẳn so với sầu riêng ở nhiều vùng khác trên cả nước.

Với quá trình trồng thử nghiệm thành công, huyện Khánh Sơn đã quyết định xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát triển cây sầu riêng giai đoạn 2006-2010, nhằm mục đích đưa cây trồng này trở thành một trong những cây trồng chủ lực. Từ đó, diện tích sầu riêng Khánh Sơn ngày càng mở rộng.

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Khánh Sơn, cho biết, đến nay toàn huyện có hơn 1.000ha sầu riêng, tập trung rải rác 7 xã và 1 thị trấn. Trong đó hơn 400ha trong thời kỳ kinh doanh, với tổng sản lượng hàng năm khoảng 3.500 tấn.

Người tiêu dùng đánh giá sầu riêng Khánh Sơn ngon hơn hẳn sầu riêng ở nhiều vùng khác. Ảnh: MP.

Người tiêu dùng đánh giá sầu riêng Khánh Sơn ngon hơn hẳn sầu riêng ở nhiều vùng khác. Ảnh: MP.

Luôn “cháy” hàng

Với lợi thế mùa vụ thu hoạch lệch pha với sầu riêng nơi khác, cùng với chất lượng như đã được đề cập ở trên, sầu riêng Khánh Sơn thường bán giá cao và luôn cháy hàng.

Về vấn đề này, ông Lê Anh Quang, một người trồng sầu riêng ở thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình xác nhận và cho biết, ngay cả năm 2019, khi thị trường Trung Quốc siết chặt đường tiểu ngạch, sầu riêng các nơi ùn ứ thì sầu riêng ở Khánh Sơn bán ở các chợ đều giá cao, dao động từ 40 - 41 ngàn đ/kg, cuối vụ giá lên đến 50 - 51 ngàn đ/kg.

Sầu riêng Khánh Sơn thường được mùa, được giá. Cụ thể, với 1ha sầu riêng trồng khoảng 200 cây, từ giai đoạn 5 - 6 năm bắt đầu cho thu hoạch với năng suất chưa cao. Nhưng từ năm thứ 7 trở lên sầu riêng cho năng suất ổn định, dao động từ 16 - 20 tấn/ha. Với giá sầu riêng khoảng 50 ngàn đ/kg, doanh thu 900 - 1 tỷ đồng/ha, sau khi trừ chi phí nông dân lãi 600 - 700 triệu đồng.

Anh Đào Văn Yến, người vừa trồng vừa thu mua sầu riêng ở thôn Liên Hòa, cho hay, chất lượng sầu riêng Khánh Sơn thơm ngon, độ béo cao hơn các vùng khác, người tiêu dùng rất ưa chuộng.

Theo anh Yến, hiện nay sầu riêng Khánh Sơn chủ yếu tiêu thụ nội địa chiếm 80%. Hầu hết các nhà vườn đến mùa đều bán sạch, không có tình trạng tồn đọng.

Về giá sầu riêng nông dân bán thời gian qua trung bình 35 - 40 ngàn đ/kg, ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho rằng còn thấp và bị ép giá. Nếu sản xuất theo hướng VietGAP, giá sầu riêng bán ra của bà con sẽ cao hơn.

Do đó, huyện đang hướng bà con sản xuất sầu riêng theo hướng sạch để nâng cao chất lượng. Và, đến nay trên địa bàn đã có một tổ sản xuất trái cây được chứng nhận VietGAP và trong năm nay sẽ có thêm 7 tổ nữa sẽ được chứng nhận.

Khi các mô hình sản xuất VietGAP này thành công, địa phương sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình VietGAP đến từng hộ gia đình sản xuất trái cây.

Song song đó, huyện cũng sẽ thường xuyên tổ chức các lễ hội trái cây để thu hút du khách, giúp nông dân bán sầu riêng được giá cao.

“Năm vừa rồi là năm đầu tiên huyện tổ chức lễ hội trái cây, rất thành công, thu hút khoảng 10.000 lượt khách đến tham dự. Nhờ vậy sản phẩm sầu riêng của bà con bán ra với giá từ 70-80 ngàn đ/kg”, ông Nhuận chia sẻ.

Nông dân Khánh Sơn chăm sóc sầu riêng. Ảnh: MP.

Nông dân Khánh Sơn chăm sóc sầu riêng. Ảnh: MP.

Nhiều tỷ phú sầu riêng, có hộ thu 20 tỷ 

Xã Sơn Bình được xem thủ phủ sầu riêng ở Khánh Sơn, với diện tích lên đến trên 300ha, trong đó hơn 200ha trong thời kỳ cho thu hoạch.

Theo ông Quang, thôn Liên Hòa, vài năm trở lại đây bà con đều bội thu sầu riêng và cho lãi rất cao. Như gia đình ông có 1ha sầu riêng trồng đã 8-9 năm. Ba vụ trở lại đây, sầu riêng giúp nhà ông bỏ túi từ 600 - 700 triệu/vụ.

Tuy nhiên việc thu nhập từ sầu riêng của nhà ông Quang còn thua xa rất nhiều người trong xã. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Phó Chủ tịch xã Sơn Bình, trên địa bàn rất nhiều “tỷ phủ sầu riêng” như Cao Văn Sang, Đậu Dương Trần Nguyễn, Cao Văn Định, Nguyễn Văn Dư… với diện tích từ vài hecta cho đến trên chục hecta.

Như gia đình anh Đào Văn Yến, ở trên địa bàn xã này, với diện tích sầu riêng rộng hơn 10ha, trong đó khoảng 3ha trong thời kỳ kinh doanh. Mấy năm gần đây, vườn sầu riêng nhà anh Yến cho thu hoạch lãi từ 1-2 tỷ đồng/vụ. Tuy nhiên theo anh Yên, vụ sầu riêng sắp tới, khi nhiều diện tích sầu riêng cho thu hoạch, gia đình sẽ có mức lãi cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, hiện doanh thu sầu riêng ở Khánh Sơn khoảng 150 tỷ đồng/năm. Thời gian qua nhờ trồng sầu riêng mà đời sống của người dân vùng núi Khánh Sơn ngày càng nâng lên rõ rệt. Có những hộ trồng sầu riêng từ những năm đầu trên địa bàn, đến nay một vụ thu hơn hai mươi tỷ đồng.

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.