| Hotline: 0983.970.780

Tây Nguyên mùa... đói nước

Thứ Năm 24/02/2011 , 09:56 (GMT+7)

Nỗi lo về nước sinh hoạt vẫn chỉ là thứ yếu so với việc hàng ngàn ha cây trồng đang đối mặt với một mùa khô khốc liệt...

* Có nước cũng... không thể tưới

Mới vào mùa khô nhưng hàng loạt gia đình ở Bắc Tây Nguyên đã phải nạo vét giếng đến 3 lần để lấy nước uống. Nhưng nỗi lo về nước sinh hoạt vẫn chỉ là thứ yếu so với việc hàng ngàn ha cây trồng đang đối mặt với một mùa khô khốc liệt. Điều đáng nói, ở những vùng còn có thể bơm tưới, thì việc lấy nước cũng không dễ dàng bởi nhà nông không mua được đủ dầu để chạy máy bơm.

Ruộng đồng chết khô

Toàn tỉnh Gia Lai có 279 công trình thuỷ lợi lớn nhỏ gồm hồ chứa, đập dâng, trạm bơm…, tổng năng lực thiết kế tưới cho khoảng 40.000 ha cây trồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, hầu hết các hồ chứa trên địa bàn tỉnh, mực nước còn lại rất hiếm hoi, thậm chí nhiều hồ đã… trơ đáy!

Toàn tỉnh Gia Lai đã gieo trồng được gần 49 ngàn ha cây trồng các loại, riêng lúa nước có 23.279 ha. Tuy nhiên, đến nay đã có gần 500 ha cây trồng ngắn ngày và trên 3.000 cà phê không còn khả năng có nước tưới. Các địa phương có diện tích cây trồng bị hạn lớn như Chư Sê, Chư Pưh, TP.Pleiku, Chư Prông… Tại các xã Ia Lâu, Ia Vê, Ia Piơr (huyện Chư Prông), mực nước tại các sông suối, hồ đập giảm mạnh. 300 ha lúa nước ở cánh đồng Ia Lâu đang có nguy cơ mất trắng vì không còn nguồn nước dẫn về bổ sung như những năm trước.

Tại huyện Chư Păh, tình hình cũng không kém bi đát khi mà các công trình thuỷ lợi ở đây hầu như không còn khả năng cung cấp nước tưới cho cây trồng. Tại xã Chư Đăng Ya, trên 100 ha lúa nước sống nhờ vào nguồn nước của đập dâng Tiên Sơn, tuy nhiên từ trước Tết Nguyên đán, đập dâng này đã… trơ đáy. Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya (huyện Chư Păh)- ông Y Dung, nói: “Chỉ vài ngày nữa thôi, nếu không có mưa thì diện tích lúa đông- xuân của xã sẽ mất trắng, còn nếu có mưa thì năng suất cũng giảm quá nửa”.

Lúa nước là vậy, còn cây cà phê cũng đang hết sức bi đát bởi thiếu nước tưới. Ia Grai là một trong những huyện có diện tích cà phê lớn nhất ở Tây Nguyên, trong đó xã Ia Sao được xem là vựa cà phê. Tại đây, người trồng cà phê như đang ngồi trên đống lửa bởi đến thời điểm này, nhiều vườn cà phê vẫn chưa được tưới đợt một (trong khi đúng ra, đã kết thúc tưới đợt một từ nửa tháng nay).

 Ông Phạm Văn Bí (thôn Tân Lập, xã Ia Sao) là người may mắn bởi ông vừa tưới xong đợt một. Giếng ở vườn cà phê của ông sâu 22 mét, chờ 4- 5 ngày cho nước mạch ra mới đủ nước tưới cho khoảng 50 gốc cà phê. Cái may mắn của ông là nhờ vào điều kiện sẵn có bởi nhà ông có 3 chiếc xe tải. Ông có sáng kiến căng bạt lên thùng xe tải, ra suối bơm nước lên “thùng” và chở đến vườn cà phê cách đó hơn 3 cây số. Mỗi xe cũng chỉ tưới được hơn 20 gốc cà phê. Ông nói: “Chở nước kiểu này còn khó và nguy hiểm hơn xe bồn chở xăng bởi đường gập ghềnh, nước sóng sánh khó đi, không biết xe lật lúc nào!”.

Cũng chính vì vậy mà nhiều chủ vườn cà phê thuê ông dùng xe chở nước tưới cà phê với giá bốn trăm ngàn đồng mỗi chuyến (cao gấp 3 lần so với cách tưới bình thường mọi năm), ông vẫn không dám chở mặc dù như ông nói: “Tôi làm cà phê đã lâu, biết thế nào là cây cà phê thiếu nước, nhưng vẫn không dám giúp bà con bởi phần không có nước để bơm lên xe, phần nữa tưới kiểu này hiệu quả không cao mà quá nguy hiểm”. Ông nói thêm: “Bắt đầu khoảng ngày 10/3 là đến chu kỳ tưới cà phê đợt hai. Với tình hình nước cạn mà không có mưa như thế này, chắc chắn cây cà phê chỉ còn… trơ lại gốc!”.

Tại tỉnh Kon Tum, thống kê của ngành chức năng cho biết: Hiện toàn tỉnh đã có trên 560 ha cây trồng các loại bị hạn trong đó có 342 ha lúa nước, 219 ha cây công nghiệp và rau đậu các loại bị hạn nặng. Tổng thiệt hại do hạn tính đến thời điểm này đã lên đến hơn 20 tỷ đồng. Các địa phương bị thiệt hại nặng do hạn là huyện Sa Thầy, Đăk Hà, Kon Rẫy và TP.Kon Tum.

Tuy chưa thiếu nước, song các tỉnh Nam Tây Nguyên cũng đang đối diện với “đại hạn”. Ông Nguyễn Văn Toàn- Phó GĐ Sở NN-PTNN tỉnh Đăk Nông cho biết: “Hiện nguồn nước đang cạn kiệt rất nhanh. Nếu trong 1 tháng nữa không có mưa thì tỉnh sẽ mất khoảng 500ha lúa ở hai huyện Krông Nô và Cư Jut và hơn 10.000ha cà phê của các huyện Đăk Mil, Cư Jut không có nước tưới”. Còn nhận định của Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Đăk Lăk thì nếu nắng nóng kéo dài đến hết tháng 3 tình trạng khô hạn sẽ rất khó lường. Song chắc chắn sẽ có gần 4.000ha lúa mất trắng.

Để chống hạn cứu cây trồng, chính quyền và nhân dân ở Tây Nguyên vẫn phải áp dụng các biện pháp… “cổ truyền” là: Kêu gọi tiết kiệm nước tưới; ra quân nạo vét hệ thống kênh mương… Tuy nhiên, mỗi cây trồng- dẫu có “tiết kiệm” thì cũng phải cần đủ một lượng nước tưới nhất định; còn nạo vét kênh mương thì cũng phải có nước thì “nạo vét” mới có hiệu quả! Nhiều hộ nông dân có điều kiện lại tiếp tục khoan giếng, khai thác mạch nước ngầm như hộ anh Nghiêm ở thôn Tân Lập (xã Ia Sao, huyện Ia Grai, Gia Lai). Ngay trước Tết, anh bỏ ra 42 triệu đồng để khoan giếng sâu trên 100 mét, lắp máy bơm công suất lớn để tưới cà phê, mặc dù như anh nói: “Vẫn biết khoan giếng lấy nước là ảnh hưởng về lâu dài đến tài nguyên nước. Tuy nhiên không nỡ nhìn vườn cà phê gần tỷ bạc bị chết cháy”.

Có nước cũng...không thể tưới

Ở những nơi thiếu nước tưới, người dân phải cam chịu nhìn cây chết khô chết khát đã đành, nhưng có nơi có nước, tình hình cũng chẳng sáng sủa hơn khi liên tục trong vòng nửa tháng trở lại đây, muốn mua dầu bơm tưới không phải là chuyện dễ. 

Gặp chúng tôi, rất nhiều nông dân vựa cà phê Tây Nguyên chán nản. Cây trồng khô héo, nguồn nước mỗi lúc một kiệt, vậy nhưng, để lấy những giọt nước quý giá này tưới cho ruộng rẫy cũng không đơn giản, bởi muốn bơm, phải có dầu!

Đơn cử như tại địa bàn tỉnh Đăk Lăk, theo khảo sát của chúng tôi, hầu hết các cửa hàng xăng dầu ở những vùng trọng điểm chuyên canh cây cà phê như: Cư M’gar, Cư Kuin, Krông Pắk, Krông Năng, Ea H’leo, thị xã Buôn Hồ… đều treo biển “hết dầu”, “hết hàng”, hoặc chỉ xuất bán số lượng có hạn. Tại cửa hàng xăng dầu Ngọc Lân, phường Bình Tân, thị xã Buôn Hồ chủ cửa hàng treo biển “hết dầu”. Ông Trương Thanh Ngọc, chủ doanh nghiệp này cho biết cửa hàng đã ngừng bán dầu diesel gần tuần nay, riêng xăng thì còn bán nhưng số lượng hạn chế. Cũng theo ông Ngọc, vào thời điềm này các năm trước, trung bình mỗi ngày cửa hàng bán ra không dưới 3.000 lít dầu diesel. Tuy nhiên gần 1 tuần nay DN đầu mối không cung cấp diesel nên không có hàng bán.

Không riêng gì cửa hàng nói trên, theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều cửa hàng xăng dầu khác trong vùng cũng đang ở tình trạng tương tự. Thậm chí, nhiều đại lý lớn cũng đóng cửa, ngừng kinh doanh. Các chủ cửa hàng xăng dầu ở các vùng trọng điểm cà phê của tỉnh cho biết: Trên 70% lượng dầu diesel cung ứng cho tỉnh Đăk Lăk được tiêu thụ trong những tháng cao điểm của mùa khô. Hiện nay đang là cao điểm của mùa tưới cà phê nên mức tiêu thụ dầu diesel ở các vùng này tăng vọt từ 10 – 20 lần so với mùa mưa. Tuy nhiên, hiện nay do thiếu nguồn vì DN đầu mối cũng cấp hạn chế nên đành chịu.

Anh Nguyễn Văn Lương, trú tại phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ cho biết gia đình trồng 7 ha cà phê nên cần lượng dầu phục vụ tưới khá lớn. Tuy nhiên khi đến mua dầu ở các cửa hàng trong vùng đều không có bán hoặc chỉ bán hạn chế vài can. Anh Lương liều lái máy cày lên tận TP Buôn Ma Thuột, cách xa hơn 40km để mua dầu nhưng cũng chỉ mua được 1 phuy 200 lít.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm