| Hotline: 0983.970.780

Tây Ninh: Người dân ‘ngán ngẩm’ khi sống gần nhà máy mì

Thứ Hai 24/08/2020 , 17:15 (GMT+7)

Nhiều người dân Tây Ninh rất bức xúc vì một số nhà máy mì hoạt động gây ô nhiễm môi trường, khiến cuộc sống của không ít gia đình bị đảo lộn...

Khắc phục sao vẫn ô nhiễm!?

Theo phản ánh của người dân xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh), nhiều năm nay họ phải sống chung với hoạt động của nhà máy mì Tư Bông nằm ở ấp Phước Bình 2. Người dân cho biết, mặc dù nhà máy này từng bị xử lý vi phạm vì gây ô nhiễm môi trường, sau đó nhà máy có khắc phục, nhưng không hiểu sao môi trường xung quanh vẫn bị ô nhiễm.

Sau khi tiếp nhận phản ánh, theo chân người dân địa phương, những ngày cuối tháng 8, chúng tôi đã có mặt tại hiện trường để mục sở thị tình hình hoạt động của nhà máy. Qua quan sát, khu vực sản xuất của nhà máy rộng hàng nghìn m2 nằm ngay cạnh đường ĐT 781 giữa một khu dân cư đông đúc.

Nhà máy mì Tư Bông nằm cạnh đường ĐT 781. Ảnh: Trần Trung.

Nhà máy mì Tư Bông nằm cạnh đường ĐT 781. Ảnh: Trần Trung.

Tại đây, tiếng động cơ máy móc hoạt động rầm rộ, những đống mì cao ngất, người xe ra vào tấp nập. Đáng chú ý, một đường ống bê tông xi măng rộng gần 1m được đấu nối từ khu sản xuất băng ngang tuyến đường tỉnh lộ rồi đổ thẳng ra con mương rộng gần chục mét cặp chân đê bảo vệ lòng hồ Dầu Tiếng ở phía đối diện. Ngay dưới miệng cống, nước có màu đen bốc mùi hôi rất khó chịu. Đi cặp theo con mương gần 1km, bề mặt mương phủ kín màu xanh bởi cỏ và rau muống, nhưng khi đến gần quan sát thì nước có màu tương tự với nước ở miệng cống.

Ẩn dưới đám rau muống xanh tốt là nước thải đen ngòm bốc mùi hôi khó chịu. Ảnh: Trần Trung.

Ẩn dưới đám rau muống xanh tốt là nước thải đen ngòm bốc mùi hôi khó chịu. Ảnh: Trần Trung.

Theo người dân địa phương, nhà máy này chính thức đi vào hoạt động hơn chục năm trước, thời điểm đó, quy mô hoạt động nhà máy nhỏ, toàn bộ nước thải của nhà máy đều không qua xử lý và thải trực tiếp ra môi trường. Đến năm 2013 sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân, cơ quan chức năng đã đến kiểm tra, xử lý, từ đó nhà máy đã lắp đặt hệ thống hầm Biogas để xử lý. Tuy nhiên, không hiểu họ xử lý thế nào mà môi trường xung quanh vẫn bị ô nhiễm, dù đã có giảm hơn trước.

Làm gì cũng khó

Khi thấy phóng viên tác nghiệp, nhiều người dân ở ấp đã đến để bày tỏ bức xúc. Anh Nguyễn Văn Sơn sống cạnh nhà máy mì cho biết, gia đình anh sống ổn định bằng nghề chăn nuôi bò và heo. Từ khi nhà máy đi vào hoạt động, việc chăn nuôi của gia đình anh trở nên khó khăn vì gia súc vẫn thường xuyên bị bệnh tật, thậm chí chết không rõ nguyên nhân.

Anh Sơn chia sẻ, mới ba ngày trước, 2 con bò của gia đình anh tự nhiên bị tiêu chảy dẫn tới bỏ ăn, chưa kịp gọi cán bộ thú ý đến xử lý thì chúng đã lăn đùng ra chết. Hiện 6 con bò còn lại đang lờ đờ không biết ra sao. Vừa giữ đàn bò cho cán bộ thú y tiêm thuốc, anh Sơn rầu rĩ cho biết thêm, không có năm nào mà bò nhà anh không bị chết, trung bình 1 con bò lúc còn sống bán được 20 triệu đồng, khi chết chỉ được 10 triệu đồng. Anh đã mời cán bộ địa phương đến điều tra làm rõ, nhưng cũng không nhận được câu trả lời thích đáng.

Đàn bò của gia đình anh Nguyễn Văn Sơn sống mòn bên nhà máy mì. Ảnh: Trần Trung.

Đàn bò của gia đình anh Nguyễn Văn Sơn sống mòn bên nhà máy mì. Ảnh: Trần Trung.

Ngoài chăn nuôi, gia đình anh cũng không biết làm việc gì khác nên chỉ biết cắn răng chịu đựng. “Rất mong cơ quan chức năng có biện pháp xử lý để người dân yên tâm lao động sản xuất”, anh Sơn nói.

Cách đó không xa là quán nước của gia đình chị Nguyễn Thị Lan, chị chia sẻ: Do hầu hết các giếng nước trong khu vực đều bị nhiễm phèn nên chỉ có thể sử dụng để tắm giặt, nước uống, còn nấu ăn đều phải mua nước bình. Trong khi đó, nước mương thường xuyên bốc mùi hôi làm việc kinh doanh của chị cũng gặp khó khăn. “Nếu tình hình này không sớm khắc phục, người dân nơi đây trước khi bị bệnh tật vì ô nhiễm, thì có lẽ đã bị đói nghèo trước vì làm gì cũng khó”, chị Lan nói.

Cá chẳng thấy đâu

Ngoài nhà máy mì tại huyện Dương Minh Châu, chúng tôi còn tiếp nhận hàng loạt phản ánh của người dân tại các xã Thái Bình, Trí Bình, Hảo Đước huyện Châu Thành về việc Công ty TNHH – SX – TM –DVTH – XNK Hữu Đức Tây Ninh (Công ty Hữu Đức) địa chỉ tại ấp Suối Độp, xã Thái Bình, huyện Châu Thành chuyên sản xuất tinh bột mì, gây ảnh hưởng đời sống người dân.

Một số người dân ở đây cho biết, xưa nay dòng Suối Dộp không chỉ là nguồn cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt mà còn là nơi cung cấp nguồn thủy sản tự nhiên cho người dân để cải thiện bữa ăn, tăng thu nhập. Cách đây hai tháng, vào thời điểm cả nước thực hiện giãn cách xã hội, bỗng dưng toàn bộ Suối Dộp chảy qua địa bàn 3 xã kể trên bị ô nhiễm nghiêm trọng, nước từ mau xanh chuyển sang màu đen như nhớt, lớp bùn đáy dày gần 1 mét, toàn bộ cá chết trắng bụng, kể cả các loại rau màu trồng cạnh suối cũng không sống nổi.

Là một trong nhưng hộ dân chịu ảnh hưởng bởi con suối bị ô nhiễm, anh Nguyễn Thành Trung ngụ xã Hảo Đước, huyện Châu Thành cho biết, gia đình anh có vườn cao su cạnh suối nên hàng ngày phải qua lại đây để cạo mủ. Trước đây, nguồn cá đánh bắt từ con suối này là bữa ăn chính của gia đình anh.

Vậy nhưng, hiện nguồn nước đã bị ô nhiễm, nguồn thủy sản trong suối cũng cạn, không chỉ ảnh hưởng đến bữa ăn mà những lần lội qua đây khiến chân anh bị mẩn ngứa, ghẻ lở. Không có cách nào khác, anh phải đi đường vòng gần 10 km. “Ban đầu chúng tôi còn dùng lưới bắt cá để kiếm thêm đồ ăn nhưng nay thì không dám đánh nữa, thu nhập của chúng tôi vốn đã eo hẹp nay còn khó khăn hơn", anh Trung nói.

Xã, huyện không nắm thông tin, tỉnh nói có!?

Trước phản ánh người dân về nhà máy mì Tư Bông, chúng tôi đã tìm đến UBND xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu để tìm hiểu, tuy nhiên phía UBND xã cho biết họ không nắm nên không cung cấp thông tin.  

Chúng tôi tiếp tục đến UBND huyện Dương Minh Châu thì bộ phận văn phòng cho biết Chủ tịch UBND huyện vừa nghỉ hưu, hai vị Phó Chủ tịch huyện và Chánh văn phòng huyện đều đi công tác.

Ống cống Nhà máy mì Tư Bông bắc ngang đường chạy tới con mương nằm dưới chân đê hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Trần Trung.

Ống cống Nhà máy mì Tư Bông bắc ngang đường chạy tới con mương nằm dưới chân đê hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Trần Trung.

Qua trao đổi qua điện thoại, ông Lê Thành Chung - Chánh văn phòng UBND huyện Dương Minh Châu cho biết: “Chưa nhận được thông tin, sẽ kiểm tra lại và thông tin cho báo chí trong thời gian sớm nhất”.

Tuy nhiên khi đến Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Tây Ninh, Sở này xác nhận vụ việc trên và đang triển khai các giải pháp để chấn chỉnh.

Người dân tỉnh Tây Ninh mong muốn ngành chức năng sớm có biện pháp xử lý dứt điểm, giúp người dân yên tâm ổn định cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày cũng như đảm bảo sức khỏe của bà con về lâu dài.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật đến bạn đọc các thông tin liên quan vào số tiếp theo…

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất